Lời Người, tiếng gọi núi sông
Con nghe Bác, tưởng nghe lời non nước/ Tiếng ngày xưa và cả tiếng mai sau (Tố Hữu)
Cuộc sống có những giây phút thật thiêng liêng. Nếu hành trình của Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh gắn với hành trình của dân tộc Việt Nam thế kỷ 20 thì ôn lại cuộc đời của Người không thể không nêu hai thời điểm. Đó là ngày Nguyễn Ái Quốc được đọc "Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa" của V.I.Lenin và ngày Hồ Chí Minh đọc "Tuyên ngôn độc lập" trước công chúng thực sự, trên Quảng trường Ba Đình (Hà Nội). Ấy là giờ phút khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa năm 1945.
Ở giây phút Nguyễn Ái Quốc đọc luận cương, Người vui mừng, cảm động đến phát khóc. Ngồi một mình trong buồng mà Người nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!”, đánh dấu thời khắc khai sinh cách mạng Việt Nam.
Trước đó, Nguyễn Ái Quốc gửi bản "Yêu sách của nhân dân An Nam" tới Hội nghị Versailles, đó cũng là thời điểm khai sinh văn học Việt Nam hiện đại, trong hướng mở ra bối cảnh thế giới, trong gắn bó với cộng đồng nhân loại. Và giây phút Hồ Chí Minh đọc "Tuyên ngôn độc lập" trước hàng vạn đồng bào lại chính là mạch nối giữa văn học hiện đại với lịch sử dân tộc, mạch nối với "Hịch tướng sĩ", "Bình Ngô đại cáo"... Đó là những áng văn nguyên vẹn cốt cách hùng vĩ của lịch sử dân tộc, không phải chỉ mang sức mạnh riêng của văn chương, dẫu là văn chương cách mạng, mà là sức mạnh đích thực của cách mạng; không chỉ là văn chương có sức mạnh vũ khí, mà thực sự là vũ khí. Dường như chính ở những áng văn như thế mới là nơi bộc lộ rõ cốt cách riêng của thơ văn theo quan niệm của Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh.
Rõ ràng, Hồ Chí Minh không cố ý đi tìm sự độc đáo, khác thường. Tác giả vẫn viết những gì thuộc về văn chương như cách hiểu quen thuộc: Báo chí, tiểu phẩm, thư từ, ký, truyện, truyện viễn tưởng, truyện thơ, thơ theo luật cổ, thơ tự do, ca dao, lời nói vần vè... Nhưng những dòng sảng khoái nhất như có lần tác giả kể lại sau này, là những dòng "Tuyên ngôn độc lập"!
Để cắt nghĩa điều này thật đơn giản: Hồ Chí Minh là nhà cách mạng. Do vậy, những gì đáp ứng được tốt nhất, có hiệu quả nhất cho cách mạng là cái tác giả coi trọng nhất. Vũ khí của tiếng nói rất lợi hại, nhưng lợi hại nhất vẫn là tiếng nói của vũ khí. Hoạt động văn hóa-nghệ thuật phải nhằm phục vụ cách mạng, nhưng không thay thế được bản thân hoạt động cách mạng. Trên ý nghĩa đó, ở thời điểm năm 1945, "Tuyên ngôn độc lập" có thể xem như một điểm ngưng tụ và tỏa sáng trong hành trình thơ văn Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh.
"Tuyên ngôn độc lập" mở ra giai đoạn Hồ Chí Minh trong lịch sử hiện đại và lịch sử thơ văn hiện đại. Giai đoạn của sự hòa điệu, hòa nhập vũ khí tiếng nói và tiếng nói vũ khí. Giai đoạn mà sự tự do của tiếng nói và chữ viết đã được sự bảo đảm cao nhất là nền độc lập, tự do của dân tộc, đã được sự bảo đảm của vũ khí đích thực.
Ở mỗi người dân Việt Nam hôm nay, thuộc mọi thế hệ, đều tìm thấy được qua "Tuyên ngôn độc lập" sự gắn nối khăng khít với truyền thống, như một hậu sinh xứng đáng; và sự gắn nối với nhân loại, như một người đồng thời. Niềm tự hào chính đáng của người Việt Nam được trả lại tên gọi Tổ quốc trên bản đồ và còn được bồi đắp thêm sau gần một thế kỷ bị chủ nghĩa thực dân đày đọa. Cũng niềm tự hào đó, vẫn luôn luôn hiện diện như một sức mạnh tinh thần đưa dân tộc Việt Nam vượt qua bao thử thách trong suốt thế kỷ 20.
Ở tất cả những gì mà "Tuyên ngôn độc lập" đã mang lại, chúng ta tìm thấy không chỉ sức mạnh của văn chương. Sẽ là phiến diện nếu nghiên cứu "Tuyên ngôn độc lập" với tư cách một áng văn chính luận, lại chỉ biết đi tìm và giới hạn các giá trị của nó trong một vài tiêu chuẩn quen thuộc của văn chương hình tượng. Cố nhiên, văn chính luận cũng cần hình tượng, nhưng nếu chỉ thấy có vậy thì quá chật và cũng không thích hợp. Tự bản thân chất chính luận vốn đã có sức cuốn hút riêng, lắm khi rất mạnh mẽ, không thứ văn chương “đơn thuần” nào sánh được. Đó là khi văn chính luận là sản phẩm, là sự đánh dấu ý chí, nghị lực, quyết tâm hành động của cả một dân tộc trong một thời điểm; và khi thời điểm đó là sự kết tụ sức mạnh tinh thần một thời đại.
Lịch sử cần một tiếng nói đúng vào thời điểm ấy và sự chờ đợi của quần chúng được trả lời. Càng cảm động hơn khi tiếng nói ấy được đúng con người ấy cất lên. Con người ấy là Nguyễn Ái Quốc mà bao tháng năm nhân dân Việt Nam vẫn chờ đợi. Và là Hồ Chí Minh, lần đầu tiên xuất hiện trong câu: “Tôi nói, đồng bào nghe rõ không?”.
Chính sự gặp gỡ này là nguyên cớ làm nên ý nghĩa thiêng liêng và tạo âm hưởng sâu xa cho một áng văn ngắn: "Tuyên ngôn độc lập".
Những áng văn như vậy thường không nhiều. Trong lịch sử lâu dài của dân tộc, hoặc trong hành trình của cách mạng, nó xuất hiện như các tiêu chí để hướng tới, hoặc như là sự cắm mốc cho từng quãng đường đã đạt được. Sau "Tuyên ngôn độc lập", một nội dung và âm hưởng như vậy sẽ còn đến với dân tộc Việt Nam qua "Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến": “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” (ngày 19-12-1946); "Không có gì quý hơn độc lập, tự do" (ngày 17-7-1966).
Đó là lời lãnh tụ nói với dân tộc, hay cũng chính là lời dân tộc. Đó là lời của dân tộc nói với nhân loại, hay chính là lương tâm nhân loại. Chúng ta có nhiều cách gọi cho những áng văn như thế. Đó là âm vang của lịch sử, là tiếng gọi của núi sông. Đó là lời non nước. Đúng như những lời tiên tri cực kỳ sáng suốt của Người trong tác phẩm "Đông Dương" (năm 1921): “Đằng sau sự phục tùng tiêu cực, người Đông Dương giấu một cái gì đang sôi sục, đang gào thét và sẽ bùng nổ một cách ghê gớm, khi thời cơ đến. Bộ phận ưu tú có nhiệm vụ phải thúc đẩy cho thời cơ đó mau đến. Sự tàn bạo của chủ nghĩa tư bản đã chuẩn bị đất rồi: Chủ nghĩa xã hội chỉ còn phải làm cái việc là gieo hạt giống của công cuộc giải phóng nữa thôi".
GS PHONG LÊ
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/bao-xuan-at-ty-2025/loi-nguoi-tieng-goi-nui-song-813011