Lưu Thanh Lan - khai thác đến tận cùng 'đường cong' phụ nữ
Vẻ đẹp người phụ nữ luôn là đề tài hấp dẫn muôn thuở của giới mỹ thuật. Tranh, tượng về phụ nữ luôn lôi cuốn người sáng tác và người thưởng thức. 'Mọi góc cạnh yêu thương mà tạo hóa ban tặng cho người phụ nữ, đều có thể tạo ra những tác phẩm chân thực gần gũi, luôn mới mẻ và hấp dẫn công chúng' - Nhà điêu khắc, giảng viên mỹ thuật tạo hình Lưu Thanh Lan chia sẻ.
Nhà điêu khắc Lưu Thanh Lan, sinh năm 1971 tại Việt Trì, Phú Thọ. Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, hiện là giảng viên Khoa Kiến trúc công trình, Đại học Phương Đông Hà Nội. Tôi biết Lưu Thanh Lan khá sớm, từ những năm 88 - 90 của thế kỷ trước, khi Lan còn là cô bé yêu nghệ thuật, hồn nhiên, ngơ ngác, mon men tiếp xúc với chúng tôi: Quang Thái, Nguyễn Thiện Kế, Nguyễn Lưu, Văn Ngọc và Đỗ Ngọc Dũng, là những văn nghệ sĩ trẻ đang công tác ở Ty Văn hóa và Hội Văn nghệ Vĩnh Phú ngày ấy. Tôi nhớ những ngày đầu Quang Thái và Nguyễn Lưu còn hướng dẫn cho Lan những nét vẽ, nét khắc sơ khai đầu tiên.
Sau đó Lan thi đỗ vào Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội, chuyên ngành Điêu khắc, tốt nghiệp ra trường với tấm bằng loại giỏi. Ngay từ khi chị còn là sinh viên năm cuối, tại Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 1995 chúng tôi đã chứng kiến tác phẩm "Cây đời" của Lưu Thanh Lan đặt ở vị trí trung tâm của triển lãm, lần ấy Lan đã nhận tấm Huy chương Bạc danh giá. Ra trường Lan nhận công việc giảng dạy tại Đại học Phương Đông.
Là người hoạt động nghệ thuật, lại cùng trong một tổ chức Hội Mỹ thuật Việt Nam, hơn 30 năm qua tôi nhận thấy ở Lan sự miệt mài sáng tác, liên tục cho ra đời những tác phẩm đẹp, tôi thầm mến phục cô gái đồng hương này. Bên cạnh đó còn biết Lan là một giảng viên đại học có uy tín, luôn được các thế hệ sinh viên tin yêu, nể trọng. Trong các sự kiện mỹ thuật lớn nhỏ ở Hà Nội, hay một số địa phương, tôi vẫn gặp Lan và lại được xem những tác phẩm mới.
Thú thực tôi rất có cảm tình với những tác phẩm của Lan, bởi hình khối trong tác phẩm ấy luôn căng mịn, chuyển động êm dịu, luôn gây ấn tượng mạnh tới thị giác và cuốn hút người xem. Vì thế, tỉnh Phú Thọ 3 lần tổ chức Trại sáng tác điêu khắc quốc tế, thì đã có 2 lần tôi mời Lưu Thanh Lan gửi tác phẩm tham dự và đều được Hội đồng nghệ thuật lựa chọn (vào các năm 2009 và 2017). Hiện có 3 tác phẩm của Lan đang đặt tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng và Công viên Văn Lang thành phố Việt Trì. Cùng với đó Lưu Thanh Lan còn có nhiều tác phẩm tại Nha Trang, Huế, Quảng Ninh v.v...
Đến nay Lưu Thanh Lan đã có tới hàng trăm tác phẩm điêu khắc đẹp, ở đủ mọi chất liệu được giới chuyên môn thừa nhận, nhận được nhiều giải thưởng cao quí, gần đây nhất là giải thưởng Đào Tấn và Giải thưởng Mỹ thuật Thủ đô, nhân kỉ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô Hà Nội, góp mặt trong nhiều triển lãm danh giá, triển lãm nhóm… đặc biệt là hội tụ trong một triển lãm cá nhân năm 2022.
Chúng ta biết rằng để làm nghệ thuật thành công, vốn đã là một thách thức không nhỏ với bất cứ ai, điêu khắc lại là loại hình khắc nghiệt, vất vả hơn đối với nghệ sĩ sáng tác, càng trở nên thách thức hơn với nữ nghệ sĩ. Ở Việt Nam số tác giả điêu khắc nữ đang có xu hướng ít dần. Chỉ ai dám sống chết với nghề, có nghị lực phi thường, chịu khó, chịu khổ, phải đam mê cháy bỏng, cả sức khỏe nữa mới dám dấn thân vào nghệ thuật điêu khắc. Lưu Thanh Lan cũng như nhiều tác giả khác, cũng có lúc nản lòng.
Lan từng tâm sự: "Nhiều khi ý tưởng nảy sinh, mình hăm hở lao vào sáng tác ngay, nhưng càng làm, thì lại không được như mong muốn, đành phải phá bỏ, khi đó thật hoang mang, phải dừng lại để tìm hướng đi mới. Tôi phải vượt qua nhiều thử thách như thế và trong điêu khắc luôn là thách thức. Mỗi tác phẩm là một thách thức mà tác giả phải tìm mọi cách để vượt qua mới có thể tạo ra một tác phẩm đẹp, luôn mới lạ. Sự biến đổi trong tìm tòi sáng tạo luôn cuốn hút tôi, chiếm hết suy nghĩ trong đầu tôi, lấy đi thời gian của tôi. Và tôi biết tôi đã vượt qua sự nản lòng bằng cách đó".
Đề tài phụ nữ, vẻ đẹp người phụ nữ và tình mẫu tử luôn là mạch nguồn cảm hứng sáng tác không biết mệt mỏi của Lưu Thanh Lan. Dường như Lan luôn tìm được vẻ đẹp mẫu tử trong cuộc sống hàng ngày. Tìm thấy hình ảnh của chính mình trong nỗi nhớ về người mẹ, về tình cảm với các con của mình. Với Lưu Thanh Lan mọi góc độ yêu thương, đều có thể tạo nên tác phẩm, nó vừa chân thực, vừa gần gũi. Đúng như một nhà văn từng nói: "Tác phẩm và chất liệu tạo nên nó, không phải ở đâu xa lạ, mà luôn có ở trong chính cuộc sống hàng ngày của chúng ta". Thế nên trong hầu hết tác phẩm của Lưu Thanh Lan đều gần gũi, đều chứa chất tình yêu thương vô bờ bến…
Thực tế đời thường ấy đã được đẩy lên thành nghệ thuật một cách tuyệt diệu, lắng đọng nhất, đắt nhất thông qua đôi bàn tay và óc sáng tạo của nữ nghệ sĩ tài hoa Lưu Thanh Lan. Để có được những thành quả ấy Lan luôn làm việc hết mình, ở con người Lan luôn toát lên sự tự tin, khiêm nhường, không ồn ào, náo nhiệt mà dịu dàng, nhẹ nhàng, lặng lẽ sáng tạo. Dù phải đục, phải đẽo gọt, chạm trổ, đổ khuôn… để gửi gắm tâm hồn, tình cảm của mình vào tác phẩm, biến những chất liệu đồng, gỗ, đá… tưởng như vô tri, vô giác ấy thành tác phẩm nghệ thuật có hồn, có ngôn ngữ, có tiếng nói, mang thông điệp của tình yêu, hạnh phúc vĩnh cửu.
Ở chủ đề này nữ nghệ sĩ có các tác phẩm tiêu biểu như: "Mẹ thời COVID", "Hạnh phúc", "Mùa xuân của mẹ", "Nguồn sáng", "Lời ru mùa xuân"... Chỉ cần xem những tác phẩm của Lan chúng ta cũng đã hiểu được phần nào con người và tâm hồn của nữ nghệ sĩ, nó như tấm gương phản chiếu rõ nét nhất về tính cách, tình cảm, tư duy, cảm xúc sáng tạo của một phụ nữ sinh ra từ miền quê trung du, vừa dung dị vừa dịu dàng, nhưng không kém phần mãnh liệt.
Những đề tài tưởng như muôn thuở ấy như tình yêu, tình mẫu tử, tình cảm gia đình, tuổi thơ, hạnh phúc... được Lưu Thanh Lan đẩy lên, chạm đến những cung bậc cảm xúc sâu lắng nhất trong tâm hồn người xem, cuốn hút người xem ở mọi lứa tuổi, khiến họ liên tưởng đến chính họ, nhắc nhở họ biết hoài niệm về gia đình, hạnh phúc lứa đôi… để cùng hướng đến những giá trị nhân văn cao đẹp trong cuộc sống. Bên cạnh đó còn là những tác phẩm khai thác những khía cạnh của đời sống như cảnh sinh hoạt, lễ hội của miền núi, hay hải đảo, tình quân dân thật gần gũi, ấm áp. Nhiều chủ đề khác về văn hóa lịch sử, truyền thuyết, tâm linh hay triết lý nhân sinh cũng được Lan thể hiện trong nhiều tác phẩm.
Người xem luôn bắt gặp những hình khối chắc khỏe, căng mọng, tràn đầy cảm xúc phồn thực của những đường cong quyến rũ. Cho dù biểu đạt ở phong cách nào, chất liệu nào thì ở một góc độ khác, cũng gợi cho thị giác người xem sự liên tưởng đến những quả đồi trung du, hay những tán cọ tròn xòe ô, và những cảm xúc ấy luôn được nữ điêu khắc gia Lưu Thanh Lan dồn nén, cô đọng nó, biến nó thăng hoa, lúc căng đầy, khi khuyết lõm, lúc mơ màng chuyển động, khi chìm đắm trong khắc khoải... mạch nguồn cảm xúc ấy ở Lưu Thanh Lan trong những tác phẩm còn có cả sự tuôn chảy như những dòng Lô, dòng Thao và dòng Đà giang hiền hòa, trở nặng phù sa để rồi hợp lưu nơi ngã ba sông Việt Trì.
Thưởng thức những tác phẩm như: "Vị ngọt tình yêu", "Câu chuyện tình yêu", "Tình yêu của tôi", "Nụ hôn", "Tỏ tình mùa hạ", "Truyện tình của Sóng", "Tình đầu", "Trăng tình yêu"... được thể hiện bằng tương quan hình khối, cấu trúc chặt chẽ làm toát lên sự hoài niệm về tình yêu bất tận, về hạnh phúc đôi lứa. Ở bất kì chất liệu nào dù gỗ, đá, đồng, sắt hay sành, gốm, cơ thể người phụ nữ luôn chuyển động nuột nà, mềm mại. Chủ đề này được xem như một thế mạnh, một gam màu chủ đạo xuyên suốt quá trình sáng tác trên 30 năm qua, làm nên phong cách một Lưu Thanh Lan không lẫn với ai.
Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam từng nhận xét: "Lưu Thanh Lan, người đàn bà đáo để và can đảm, thích đùa yêu với mỹ cảm truyền thống của ông bà, cha mẹ ta xưa, để ngửa bài không sợ hãi với vẻ đẹp nguyên cốt, nét nguyên sơ mà tạo hóa ban tặng cho người đàn bà Việt, xuyên qua nhiều thế kỷ vẫn nhẹ nhõm, phồn thực thả bùa yêu trong cõi nhân gian… Một người đàn bà nặn tượng có duyên khi nhìn khác, nghĩ khác mà không thiếu sự nồng nã, trêu ngươi cho con mắt tìm cái đẹp của bất kì ai".