Lưu trữ, bảo tồn và phát huy kiến trúc Việt
Trí tuệ nhân tạo (AI) ngày càng được ứng dụng rộng rãi dẫn tới sự thay đổi lớn trong lĩnh vực thiết kế kiến trúc. Không chỉ hỗ trợ kiến trúc sư trong các giai đoạn thiết kế, AI còn góp phần lưu trữ, bảo tồn và phát huy giá trị kiến trúc Việt.
Trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội, sáng 9.11, tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia diễn ra tọa đàm Trí tuệ nhân tạo và thiết kế kiến trúc. Tọa đàm do Khoa Kiến trúc, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, tổ chức, xoay quanh các tác động của AI và công nghệ số hóa đến quá trình thiết kế và chuyển đổi số trong kiến trúc hiện đại.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, AI không chỉ dừng lại ở việc tối ưu hóa các quy trình từ khảo sát hiện trạng đến thiết kế tích hợp và quản lý vận hành công trình mà còn mang đến những trải nghiệm sáng tạo thông qua khai thác dữ liệu liên quan cả về kỹ thuật lẫn cảm xúc. Nhờ đó, kiến trúc sư có thể vận dụng AI để tạo ra những thiết kế bền vững mang tính thẩm mỹ cao và thân thiện với người dùng.
Tại tọa đàm, các chuyên gia tập trung vào việc thiết kế ý tưởng kiến trúc với sự tham gia của AI; ứng dụng AI để tối ưu hóa sáng tác kiến trúc; vai trò của AI trong chuyển đổi số, qua đó giúp lưu trữ, bảo tồn giá trị kiến trúc, xây dựng nền tảng tri thức số và phát triển các mô hình học thuật tiên tiến… từ đó thúc đẩy hợp tác và ứng dụng AI, mở ra những tiềm năng phát triển các dự án kiến trúc bền vững trong tương lai.
Theo ThS. KTS. Nguyễn Văn Thành, có thể sử dụng công cụ AI trong các giai đoạn thiết kế kiến trúc như nghiên cứu ban đầu (tìm kiếm ý tưởng, hỗ trợ nghiên cứu ban đầu về bài thiết kế, hỗ trợ làm thuyết minh phương án thiết kế), tìm ý (tạo ra các phương án kiến trúc theo phong cách và nội dung thiết kế đúng yêu cầu), phát triển ý tưởng từ những bản vẽ sơ phác… Tuy nhiên, AI vẫn chỉ là một công cụ, không thể thay thế con người, đồng thời AI chỉ hoạt động tốt khi kiến trúc sư cung cấp dữ liệu đầu vào đủ tốt...
Nghiên cứu số hóa dữ liệu kiến trúc trong chuyển đổi số, TS. KTS. Đinh Thị Hải Yến cho rằng, kiến trúc thích ứng với những thay đổi nhanh chóng của xã hội và công nghệ. Kiến trúc sư hiện nay có thể khai thác các dữ liệu trừu tượng một cách hệ thống và hiệu quả hơn, nhờ các ứng dụng AI trong quá trình thiết kế. Bên cạnh đó, công nghệ còn thúc đẩy số hóa tài liệu, hình ảnh và mô hình kiến trúc để bảo tồn, lưu trữ, trưng bày, phát huy các giá trị kiến trúc Việt Nam.
Trong khi đó, ThS. KTS. Phan Thế Việt cho rằng, quá trình thiết kế công trình không sử dụng AI thường mất nhiều thời gian, lên ý tưởng cũng kéo dài hàng tháng trời. Khi ứng dụng công nghệ AI trong thiết kế sẽ nâng cao hiệu suất thiết kế kiến trúc. Trong quá trình ứng dụng AI, cần có những nguyên tắc để hiệu quả hơn và tránh sai sót: xác định rõ giai đoạn và những phần nào ứng dụng AI, bảo đảm tính khả thi khi triển khai thực tế, chọn lọc dữ liệu đầu vào chính xác, khuyến khích tính sáng tạo và đổi mới…
KTS. Phan Thế Việt nhận định: AI có thể trở nên thông minh hơn và có khả năng xử lý các tác vụ phức tạp hơn trong tương lai. Điều này có thể dẫn đến sự thay đổi lớn trong cách kiến trúc sư làm việc và tương tác với công nghệ.