Lưu Viết Thoảng - Anh hùng đào đường hầm trên Đồi A1
Lưu Viết Thoảng sinh năm 1926, quê ở huyện Yên Dũng (Bắc Giang). Tháng 11-1944, Lưu Viết Thoảng nhập ngũ. Từ đó đến tháng 5-1954, anh liên tục tham gia phục vụ chiến đấu trong nhiều chiến dịch. Lưu Viết Thoảng là một chiến sĩ công binh dũng cảm, có nhiều sáng tạo trong việc phá bom nổ chậm, góp phần bảo đảm tốt tuyến đường vận chuyển ra phía trước.
Trong thời gian làm đường chuẩn bị Chiến dịch Điện Biên Phủ, Lưu Viết Thoảng được đơn vị cử đi tháo bom lấy thuốc nổ phá đá. Mặc dù vừa mới được điều từ nuôi quân chuyển sang, chưa có kinh nghiệm, dụng cụ lại thiếu, nhưng anh vẫn kiên trì vừa học anh em, vừa mày mò nghiên cứu để hoàn thành nhiệm vụ. Có lần gặp loại bom mới, Lưu Viết Thoảng bố trí anh em ở xa, một mình vào tìm cách tháo gỡ để rút kinh nghiệm cho toàn tiểu đội. Trong một thời gian ngắn, Lưu Viết Thoảng đã cùng tổ tháo được 18 quả bom, lấy được 3.525 kg thuốc nổ, cung cấp cho đơn vị phá đá mở đường.
Thời kỳ địch đánh phá từ Sơn La đến Tuần Giáo, đội phá bom của Lưu Viết Thoảng được giao nhiệm vụ phá bom nổ chậm. Anh được giao phụ trách một tổ bám trụ trên đường quan sát và đánh dấu vị trí bom rơi. Có lần, địch ném 4 quả bom nổ chậm, không trúng mặt đường nhưng cần tháo gỡ ngay để bảo đảm an toàn cho dân công và xe pháo đi qua. Lưu Viết Thoảng đã dũng cảm dẫn đầu, cùng đồng đội đào hố chìm xuống hố bom, đặt thuốc nổ phá bom, giải quyết được kịp thời yêu cầu cấp bách của tuyến đường.
Tháng 4-1954, để mở đầu đợt tổng công kích tiêu diệt Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, Lưu Viết Thoảng được giao nhiệm vụ phụ trách một tổ đào đường hầm, đưa một khối bộc phá lớn vào đánh sập lô cốt trung tâm Đồi A1.
Cao điểm Đồi A1 là cứ điểm quan trọng bậc nhất, cánh cửa then chốt trực tiếp bảo vệ trung tâm chỉ huy-nơi đồn trú các cơ quan đầu não của quân Pháp, trong đó có hầm chỉ huy của tướng De Castries. Việc chiếm được cứ điểm này có ý nghĩa quyết định cho số phận của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Vì vậy, đồi A1 được xác định là mục tiêu của đợt tấn công thứ 2 của quân ta.
Một vấn đề quan trọng trong kế hoạch tiến công A1 khiến các đồng chí chỉ huy Đại đoàn 316 và cơ quan tham mưu suy nghĩ nhiều là tìm cách đánh hầm ngầm. Nhiều phương án được đưa ra. Cuối cùng, kế hoạch đào một đường hầm chạy từ trận địa ta đến chân hầm ngầm địch rồi dùng một lượng thuốc nổ lớn đánh sập hầm được Đại đoàn 316 nhất trí và báo cáo lên Bộ chỉ huy chiến dịch. Lưu Viết Thoảng ở Phân đội 83 đảm nhiệm nhiệm vụ quan trọng này. Đêm đầu tiên, ba đồng chí của Phân đội 83 trực tiếp đảm nhiệm đào mở cửa đường hầm. Mới đào được một ít thì đồng chí Trung đội trưởng bộ binh làm nhiệm vụ yểm hộ cho anh em công binh bị trúng đạn hy sinh.
Đêm thứ hai, công binh chia làm 4 tổ thay nhau lên mở tiếp cửa hầm do Tiểu đội trưởng Lưu Viết Thoảng chỉ huy. Mở cửa hầm vào sâu được gần 1m, trung đội bộ binh yểm hộ lại bị thương vong thêm mấy đồng chí nữa. Tiếp tục vào sâu, anh em công binh gặp khó khăn về kỹ thuật như thiếu ánh sáng và không khí, cách đào để giữ cho hướng và độ chênh của đường hầm vào đúng vị trí của hầm ngầm, cách đưa đất ra ngoài sao cho vừa nhanh vừa không lộ... Để giữ đúng hướng và độ dốc cho đường hầm, Lưu Viết Thoảng có sáng kiến dùng cây hương nén đốt lên làm vật chuẩn, dùng đèn pin buộc vào cọc đóng ở cửa hầm vừa để lấy hướng vừa chiếu sáng. Để cho không khí trong đường hầm bớt ngột ngạt, Lưu Viết Thoảng bàn với anh em chẻ nứa đan quạt, một người đào đất, một người ngồi bên quạt. Hai đến ba người nằm ngửa nối tiếp nhau ở cửa hầm quạt gió lùa vào. Mỗi ca chỉ làm được khoảng 30 phút là phải chui ra khỏi hầm. Riêng có Lưu Viết Thoảng là có thể đào được hàng giờ.
Đường hầm đã đào xong, các khối bộc phá 10, 15kg đã xếp lại tạo thành quả bộc phá gần 1.000kg. Khối bộc phá đã đánh sập một phần hầm ngầm và lô cốt mẹ. Trung đoàn 174 xung phong đánh chiếm Đồi A1, ta làm chủ hoàn toàn A1.
Với chiến công của mình, đồng chí Lưu Viết Thoảng được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Ba, danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Theo Quân đội nhân dân/THÙY ANH (lược trích)
1. Anh hùng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ/Lê Hải Triều, NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2009