Lưu ý khi điều trị cường giáp trong quá trình mang thai

Cường giáp là một trong những bệnh nội tiết phổ biến. Tốt nhất phụ nữ mắc cường giáp nên điều trị dứt bệnh trước khi có ý định mang thai. Tuy nhiên, nếu lỡ có thai khi cường giáp chưa ổn định, người bệnh cần lưu ý gì?

1. Bệnh cường giáp ở phụ nữ mang thai

Theo TS. BS. Lê Quang Toàn, Trưởng khoa Đái tháo đường, Bệnh viện Nội tiết Trung ương, cường giáp là bệnh nội tiết phổ biến thứ hai sau bệnh đái tháo đường với tỷ lệ gặp ở phụ nữ mang thai là 1/1.500. Thai phụ mắc cường giáp thường có các biểu hiện như tăng cân không đều, tim đập nhanh, nôn nhiều bất thường…

TS. BS. Lê Quang Toàn, Trưởng khoa Đái tháo đường, Bệnh viện Nội tiết Trung ương.

TS. BS. Lê Quang Toàn, Trưởng khoa Đái tháo đường, Bệnh viện Nội tiết Trung ương.

Theo thống kê, khoảng 1% em bé sinh ra từ những người mẹ bị cường giáp cũng bị cường giáp sau khi sinh. Điều này là do khi mẹ mắc cường giáp - một bệnh tự miễn, cơ thể tự sinh ra kháng thể kích thích tuyến giáp (TSI). Kháng thể này qua nhau thai và có thể tác động đến tuyến giáp của thai nhi gây cường giáp ở trẻ sơ sinh.

Hơn thế, cường giáp không được kiểm soát tốt có thể dẫn đến những biến chứng khó lường như trẻ bị tim bẩm sinh, thai chậm phát triển, sinh non, dị tật bẩm sinh…

2. Điều trị cường giáp ở phụ nữ mang thai

TS. BS. Lê Quang Toàn cho biết, thông thường các trường hợp cường giáp nhẹ (triệu chứng không nghiêm trọng, nồng độ hormone tăng nhẹ) sẽ được theo dõi thông qua thăm khám định kỳ mà chưa cần sử dụng thuốc.

Khi cường giáp nặng, cần phải điều trị bằng thuốc kháng giáp tổng hợp và theo dõi chặt chẽ, tránh để tình trạng cường giáp chuyển sang trạng thái suy giáp do thuốc.

Tuy nhiên, cũng có những trường hợp không thể điều trị bằng thuốc, có thể do dị ứng thuốc, thì cần phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ hoặc cắt bỏ một phần tuyến giáp. Bác sĩ sẽ cân nhắc giữa được và mất để quyết định có chỉ định phẫu thuật hay không.

Cường giáp không được kiểm soát tốt có thể dẫn đến những biến chứng khó lường…

Cường giáp không được kiểm soát tốt có thể dẫn đến những biến chứng khó lường…

3. Một số lưu ý trong điều trị cường giáp ở phụ nữ mang thai

Để kiểm soát cường giáp ở phụ nữ mang thai, bác sĩ thường chỉ định các thuốc như propylthiouracil và methimazole với liều thấp. Cả hai thuốc này đều có thể đi qua nhau thai và xâm nhập vào thai nhi. Tuy nhiên, việc điều trị sẽ được ưu tiên vì nếu không điều trị thì có thể dẫn đến những hậu quả khó lường hơn.

Thuốc ức chế bêta giao cảm có thể được chỉ định để giảm các triệu chứng đánh trống ngực và run do cường giáp, thường dùng liều thấp. Nhìn chung, các loại thuốc này chỉ cần thiết cho đến khi cường giáp được kiểm soát bằng thuốc kháng giáp trạng tổng hợp, TS. BS. Lê Quang Toàn cho hay.

Ngoài ra, nhiều phụ nữ bị cường giáp sau khi sinh bệnh sẽ nặng lên, thường ở 3 tháng đầu tiên sau sinh. Do đó, cần tăng liều thuốc kháng giáp trong thời điểm này, đồng thời cần kiểm soát chặt chức năng tuyến giáp. Mẹ điều trị bằng các thuốc propylthiouracil và methimazole vẫn có thể cho con bú. Thuốc propylthiouracil thường được ưu tiên hơn do ít qua sữa mẹ hơn các thuốc khác.

Đối với phụ nữ bị cường giáp, tốt nhất là điều trị dứt bệnh trước khi có thai. Nếu lỡ có thai khi tình trạng cường giáp chưa ổn định, người bệnh cần thăm khám bác sĩ định kỳ để tiếp tục điều trị. Bác sĩ sẽ lựa chọn loại thuốc kháng giáp ít độc và ít đi qua nhau thai để đảm bảo an toàn cho thai nhi, đồng thời sẽ điều chỉnh liều thuốc một cách thích hợp nhất để kiểm soát tốt cường giáp.

Mời bạn đọc xem tiếp video:

Rau muống ngon nhưng lại 'đại kỵ' với những nhóm người sau | SKĐS

Minh Tâm

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/luu-y-khi-dieu-tri-cuong-giap-trong-qua-trinh-mang-thai-169230602114901904.htm