Lưu ý khi điều trị F0 tại nhà an toàn và hiệu quả
Số ca mắc Covid-19 trên cả nước đang tăng cao, gần 99% F0 đang điều trị tại nhà, trong đó, không ít người đã tìm sự giúp đỡ của người không có chuyên môn y tế, hoặc tham khảo các thông tin trên mạng xã hội mà thiếu kiểm chứng về độ chính xác. Chuyên gia y tế khuyến cáo, người mắc Covid-19 cần bình tĩnh, xem những hướng dẫn chính thống của cơ quan y tế.
3 tiêu chí đối với F0 được điều trị tại nhà
Chia sẻ với phóng viên TBTCO, chị Nguyễn Thị Hường (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, gia đình chị có 5/6 người dương tính với vi rút SARS-CoV-2, chị rất lo lắng khi cha mẹ đã hơn 80 tuổi bị F0. Do vậy, chị đã gọi điện hỏi nhiều nơi nhờ tư vấn cách chăm sóc người già, chị lên mạng tham khảo các hướng dẫn rồi đặt mua trực tuyến thuốc điều trị Covid-19 được quảng cáo là hàng xách tay từ Nga với giá gần 3 triệu đồng cho bố mẹ uống trong 5 ngày.
Người dân cần xem những hướng dẫn chính thống của cơ quan y tế để điều trị F0 tại nhà an toàn và hiệu quả. Ảnh: TL.
“Tuy nhiên, sau khi được biết thuốc điều trị Covid-19 cần chỉ định của bác sĩ và có những tác dụng phụ không mong muốn khiến tôi cảm thấy lo lắng ” - chị Hường cho hay.
Trước thực trạng hiện nay vẫn còn rất nhiều người nghe theo lời chữa bệnh kiểu truyền miệng trên mạng xã hội, PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, đến thời điểm này, Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn quản lý người mắc Covid-19 tại nhà và hướng dẫn chăm sóc tại nhà đối với trẻ em mắc Covid-19, được áp dụng tại các cơ sở y tế và các gia đình. Đây là 2 tài liệu quan trọng đối với các sở y tế, các cơ sở y tế trên cả nước trong quản lý, điều trị F0 tại nhà, giúp giảm tình trạng quá tải của các cơ sở y tế và việc nhập viện không cần thiết.
Trong đó, tài liệu chuyên môn “Hướng dẫn quản lý người mắc Covid-19 tại nhà” được áp dụng tại tuyến y tế cơ sở theo sự chỉ đạo của sở y tế tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của địa phương hướng dẫn quản lý người mắc Covid-19 tại nhà nhất quán với hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19 bản cập nhật của Bộ Y tế.
Ông Khuê cho biết, Bộ Y tế đã đưa ra 3 tiêu chí đối với F0 được điều trị tại nhà. Thứ nhất, F0 đó phải được khẳng định nhiễm SARS-CoV-2 bằng xét nghiệm realtime RT-PCR, hoặc test nhanh kháng nguyên theo quy định hiện hành. F0 không có triệu chứng lâm sàng; hoặc có triệu chứng lâm sàng ở mức độ nhẹ: như sốt; ho khan, đau họng, nghẹt mũi, mệt mỏi, đau đầu, đau mỏi cơ, tê lưỡi; tiêu chảy, chảy mũi, mất mùi, mất vị.
Thứ hai, F0 không có các dấu hiệu của viêm phổi hoặc thiếu ôxy; nhịp thở < 20 lần/phút; SpO2 > 96% khi thở khí trời; không có thở bất thường như thở rên, rút lõm lồng ngực, phập phồng cánh mũi, thở khò khè, thở rít ở thì hít vào. Đặc biệt, F0 không mắc bệnh nền, hoặc có bệnh nền nhưng đang được điều trị ổn định.
Bên cạnh đó, F0 phải tự chăm sóc được bản thân một cách cơ bản như: tự ăn uống, tắm rửa, giặt quần áo, vệ sinh và có thể tự theo dõi tình trạng sức khỏe theo hướng dẫn của nhân viên y tế.
F0 phải có khả năng liên lạc với nhân viên y tế để được theo dõi, giám sát và khi có tình trạng cấp cứu; có khả năng giao tiếp và sẵn có phương tiện liên lạc như điện thoại, máy tính...
Với trường hợp F0 không có khả năng tự chăm sóc, gia đình phải có người chăm sóc đáp ứng các tiêu chí thứ nhất và thứ hai như trên.
Những yêu cầu quản lý và điều trị F0 là trẻ em
Theo ông Khuê, trẻ em là đối tượng rất dễ mắc Covid-19 khi tiếp xúc với các ca nhiễm do hệ miễn dịch của con còn non yếu. Các trẻ em bé chưa nhận thức được rõ ràng sự nguy hiểm của dịch bệnh, nên việc cách ly tại nhà rất cần sự quản lý chặt chẽ của cha mẹ và người lớn tuổi trong gia đình.
Do đó, khi gia đình có F0 là trẻ em cách ly tại nhà, cha mẹ cần quan sát kỹ lưỡng, nếu con có biểu hiện nặng, cần đưa trẻ đến ngay bệnh viện để được cấp cứu kịp thời.
Để trẻ em mắc Covid-19 được cách ly tại nhà cần các điều kiện sau: Trẻ em ≤ 16 tuổi mắc Covid-19 được khẳng định nhiễm SARS-CoV-2 bằng xét nghiệm realtime RT-PCR, hoặc test nhanh kháng nguyên do người chăm sóc tự làm tại nhà, hoặc do nhân viên y tế, cơ sở y tế thực hiện.
Trẻ không có triệu chứng, hoặc có triệu chứng lâm sàng ở mức độ nhẹ (không khó thở, không suy hô hấp, SpO2 ≥ 96% khi thở khí trời, nhịp thở bình thường theo tuổi). Trẻ không có bệnh nền, hoặc có bệnh nền nhưng đang được điều trị ổn định.
Bên cạnh đó, quản lý chăm sóc trẻ em phải có người chăm sóc như bố, mẹ, người thân... có khả năng chăm sóc, theo dõi tình trạng sức khỏe của trẻ, có khả năng liên lạc với nhân viên y tế qua các phương tiện như điện thoại, máy tính... để được nhân viên y tế theo dõi, giám sát và xử trí khi có tình trạng cấp cứu.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê cho biết, để xây dựng các hướng dẫn chuyên môn, trong đó có 2 hướng dẫn quản lý, điều trị, chăm sóc F0 tại nhà, Cục quản lý khám, chữa bệnh đã tập hợp đội ngũ chuyên gia lên đến hơn 100 chuyên gia với nhiều kinh nghiệm tại tất cả các chuyên khoa, chuyên ngành khác nhau. Do đó, người dân cần tham khảo những thông tin chính thống từ Bộ Y tế, không hoang mang và lo lắng.
Mỗi gia đình nên chuẩn bị sẵn trong nhà các vật dụng, thuốc cơ bản và cần thiết để chăm sóc, điều trị F0 tại nhà bao gồm: nhiệt kế; máy đo SpO2 cá nhân (nếu có); khẩu trang y tế; phương tiện vệ sinh tay; vật dụng cá nhân cần thiết; thùng chứa chất thải lây nhiễm có nắp đậy.
Thuốc điều trị tại nhà gồm: thuốc hạ sốt paracetamol (gói bột hoặc cốm pha hỗn dịch uống hoặc viên hàm lượng 80mg, 100mg, 150mg hoặc 250mg; thuốc cân bằng điện giải oresol, gói bù nước, chất điện giải khác; thuốc giảm ho (ưu tiên các thuốc từ thảo mộc); dung dịch nhỏ mũi natriclorua 0,9%. Các thuốc này nên chuẩn bị đủ dùng từ 5-7 ngày.
Bên cạnh đó, cần chuẩn bị thuốc điều trị bệnh nền nếu trong nhà có người mắc bệnh nền, đủ để sử dụng trong 1-2 tuần.
“Tại hướng dẫn, chúng tôi đã lưu ý rất rõ về thuốc kháng virus, thuốc chống viêm corticosteroid và thuốc chống đông máu... Theo đó, các loại thuốc này chỉ được sử dụng khi bác sỹ kê đơn. Vì vậy, người dân không tự ý mua và sử dụng”- ông Khuê cho hay.