Lưu ý khi dùng amiodaron trị rối loạn nhịp tim

Rối loạn nhịp là một tình trạng bất thường về nhịp tim, tình trạng này có thể gặp ở mọi lứa tuổi và xuất hiện ở bất kỳ thời điểm nào gây các triệu chứng:

hồi hộp, trống ngực, cảm giác hẫng hụt ở ngực, tức ngực hoặc khó thở đi kèm... Amiodaron là thuốc phổ biến điều trị loạn nhịp, nhưng nó lại có nhiều tác dụng phụ mà bệnh nhân phải hết sức lưu tâm.

Loạn nhịp có nguy hiểm?

Ở người trưởng thành khỏe mạnh, nhịp đập của tim bình thường sẽ nằm trong khoảng từ 60 - 100 lần/phút lúc nghỉ ngơi. Nếu có một tác động nào đó khiến trái tim đập bất thường: Quá nhanh (lớn hơn 100 nhịp trên phút), quá chậm (dưới 60 nhịp trên phút) hoặc lúc nhanh, lúc chậm, hay bỏ nhịp, sẽ được gọi là rối loạn nhịp tim. Đây là biểu hiện thường gặp nhất trong số các bệnh về tim mạch.

Trong một số các trường hợp, rối loạn nhịp tim có thể là vô hại, nhưng đa phần nó là biểu hiện của một tình trạng bệnh lý nặng, đe dọa đến cuộc sống. Vì vậy, nếu cảm thấy bất kỳ sự khác thường nào của trái tim, tốt nhất nên đến các cơ sở y tế để được kiểm tra và phát hiện sớm những vấn đề về tim mạch.

Những biến chứng nguy hiểm có thể gặp trong các trường rối loạn nhịp tim nặng và kéo dài đó là: huyết khối, suy tim, ngừng tim đột ngột, nhồi máu cơ tim, đột quỵ...

Loạn nhịp có thể gây ra cơn đau tức ngực.

Loạn nhịp có thể gây ra cơn đau tức ngực.

Lưu ý khi dùng amiodaron điều trị

Hiện nay có rất nhiều phương pháp điều trị rối loạn nhịp tim. Tùy thuộc tình trạng bệnh mà bác sĩ có thể dùng độc lập hay phối hợp nhiều phương pháp với nhau, theo những nguyên tắc chung, đó là:

Loại bỏ các tác nhân gây loạn nhịp như một số loại thuốc điều trị hoặc các chất kích thích...

Điều trị tốt các bệnh lý nền như bệnh tim mạch, đái tháo đường, cường giáp...

Sử dụng các thuốc chống loạn nhịp theo chỉ định: Thuốc chẹn beta, thuốc chẹn kênh calci, digoxin...

Áp dụng các nghiệm pháp làm giảm nhịp tim bằng cách gây cường phó giao cảm như: ấn và xoa xoang động mạch cảnh, ấn nhãn cầu, nghiệm pháp Valsalva...

Trong các trường hợp rối loạn nhịp tim nặng hoặc đáp ứng không tốt với điều trị nội khoa, các phương pháp khác có thể được áp dụng gồm: đặt máy tạo nhịp, sốc điện tim, đốt điện sinh lý, phẫu thuật...

Có nhiều nhóm thuốc chống loạn nhịp khác nhau, trong đó amiodaron là loại thuốc được kê dùng rất phổ biến và có hiệu quả tốt. Tuy nhiên, thuốc này có rất nhiều tác dụng không mong muốn, nên phải hết sức lưu ý khi dùng.

Có khoảng 70% bệnh nhân dùng amiodaron bị phản ứng phụ, trong đó có tới 5-20% các bệnh nhân buộc phải dừng thuốc. Các tác dụng phụ chủ yếu của amiodaron liên quan đến liều dùng và thời gian dùng thuốc, do đó nó dễ xảy ra sau khi điều trị kéo dài và/hoặc liều cao.

Các tác dụng phụ trên tim đầu tiên cần hết sức lưu ý là làm chậm nhịp tim, nhất là khi kết hợp với các thuốc khác cũng có tác dụng làm chậm nhịp. Một số bệnh nhân (nhất là các bệnh nhân suy chức năng nút xoang) có thể xảy ra nhịp rất chậm, có thể nguy hiểm đến tính mạng. Do đó, nếu được kê đơn thuốc này, bệnh nhân cần hết sức tôn trọng các chống chỉ định của thuốc, không bao giờ tự ý dùng thuốc hoặc tăng giảm liều, mà phải tuân thủ chặt chẽ việc uống thuốc đúng liều lượng, thời gian… như bác sĩ kê đơn. Ngoài ra thuốc cũng có thể làm nặng thêm các loại loạn nhịp, hoặc xuất hiện loạn nhịp mới. Đây có vẻ như nghịch lý, nhưng lại là điều hoàn toàn có thể xảy ra, tức là thuốc chống loạn nhịp, nhưng lại gây loạn nhịp. Vì thế, nếu bệnh nhân gặp phải bất kỳ dấu hiệu bất thường nào hoặc làm tăng trạng thái mệt mỏi, cần báo ngay với bác sĩ điều trị.

Do trong cấu trúc phân tử amiodarone có chứa iode, nên không những gây tác dụng phụ trên tuyến giáp mà còn làm sai lệch các kết quả xét nghiệm về chức năng tuyến giáp. Do vậy trước khi dùng thuốc, bệnh nhân phải kiểm tra kỹ chức năng tuyến giáp. Thuốc có thể gây rối loạn chức năng tuyến giáp (thiểu năng hoặc cường năng tuyến giáp); thường bắt đầu thấy các triệu chứng rõ rệt sau 2-3 tháng dùng thuốc.

Nếu bệnh nhân đang sử dụng thuốc mà xuất hiện dấu hiệu khó thở, ho khan thường kèm theo mệt mỏi, suy nhược toàn thân thì phải chú ý kiểm tra phổi, bởi thuốc có thể gây viêm phổi kẽ, viêm phổi quá mẫn, xơ phổi.

Quá mẫn với ánh sáng là một tác dụng phụ trên da hay gặp nhất. Dùng amiodaron lâu ngày có thể làm da đổi thành màu xanh xám, tình trạng này hay gặp hơn ở người có nước da trắng hoặc những người thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mà không có biện pháp bảo vệ.

Rối loạn thị giác, gồm nhìn quầng, nhìn lóa, sợ ánh sáng và khô mắt xảy ra ở khoảng 10% số bệnh nhân. Lắng đọng giác mạc không triệu chứng (lắng đọng vi thể) xảy ra ở gần như tất cả các bệnh nhân sau khi dùng amiodaron khoảng 6 tháng.

Một số tác dụng phụ khác cũng có thể gặp như tăng men gan, chán ăn, buồn nôn... nhưng tần suất ít hơn và thường rất nhẹ.

Ngoài việc đến khám và tư vấn hay điều trị trực tiếp bởi các bác sĩ chuyên khoa tim mạch, bệnh nhân cần thực hiện các biện pháp: ăn nhiều rau xanh, cá, hạn chế mỡ động vật và cholesterol...; tăng cường hoạt động thể chất; bỏ hút thuốc lá; hạn chế các chất kích thích như rượu, bia, cà phê, trà đặc...; giảm bớt sự căng thẳng trong cuộc sống.

PGS.TS. Nguyễn Đức Hải

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/luu-y-khi-dung-amiodaron-tri-roi-loan-nhip-tim-n187431.html