Lưu ý khi đụng phải sứa biển
Hiện nay, đang mùa du lịch biển, nhiều du khách và người dân khi tắm biển đụng phải sứa biển. Tùy theo thể trạng, có người cơ thể phản ứng nặng, có người nhẹ khi tiếp xúc với độc tố của sứa. Các bác sĩ khuyến cáo, dù tổn thương nặng hay nhẹ, người dân nên cẩn trọng và biết cách xử lý đúng khi đụng phải sứa.
Mới đây, Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp nhận trẻ 7 tuổi (ở TP. Nha Trang) trong tình trạng nổi mẩn ngứa, tím tái, mất ý thức khi tắm biển đụng phải sứa. Sau khi được cấp cứu, bệnh nhi đã tỉnh, mạch rõ nhưng vẫn còn sốt nhẹ, vết thương ở cánh tay sưng nề, đỏ, lan tỏa. Sau khi được điều trị tích cực, bệnh nhi hết sốt, các dấu hiệu sinh tồn ổn, ăn uống được và đã xuất viện. Theo người nhà của bé, bé cùng ba đi tắm ở khu vực biển Hòn Chồng (TP. Nha Trang) thì đụng phải sứa. Khi ba của bé phát hiện, đưa lên bờ thì hai tay bé đã bầm đen, bé mê man, ngất đi.
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Ngọc Huy - Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết, ở trường hợp này, trẻ có cơ địa bị dị ứng mạnh với độc tố của sứa nên dẫn tới tình trạng nặng như trên. Vì thế, theo bác sĩ Huy, khi trẻ đi biển có nghi ngờ tiếp xúc với sứa, cha mẹ cần đưa ngay trẻ ra khỏi vùng nước đang có sứa. Đối với những trường hợp nhẹ, người nhà cần trấn an để trẻ bớt lo lắng, sợ hãi; sau đó lấy nhanh sứa ra khỏi cơ thể trẻ, nhớ đeo găng tay, túi ni-lông để hạn chế tiếp xúc với độc tố từ xúc tu của sứa. Đồng thời, cố gắng giữ trẻ không cử động, nhất là ở vùng đang bị thương rồi rửa nhanh vết thương bằng nước biển hay nước giấm để giảm bớt độc tố, chú ý không rửa bằng nước ngọt, nước ấm vì sẽ khiến tổn thương nặng hơn; sử dụng vật có cạnh như: mảnh cây, muỗng, vỏ sò, bìa sách cứng cạo nhẹ lên vết đốt của sứa để loại bỏ bớt độc tố trên da, chườm đá lạnh tầm 1 giờ để giảm đau. Sau đó, thoa kem corticoid, kháng histamin lên da để giảm sưng, ngứa. Sau khi sơ cứu, cha mẹ vẫn nên theo dõi trong 8 giờ, nếu trẻ còn cảm thấy đau, có triệu chứng như: khó thở, đau đầu, đau bụng, buồn nôn, nôn… thì nên đưa ngay đến bệnh viện thăm khám. Đối với trường hợp trẻ bị sốc phản vệ sau khi bị sứa đốt với các biểu hiện như: ớn lạnh, lo sợ, hoảng hốt, xuất hiện các triệu chứng nóng bừng, nổi ban đỏ ngứa trên da, phù mắt, phù môi, ngạt mũi, cảm thấy khó thở, đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn, đau đầu, chóng mặt… cần nhanh chóng đưa trẻ đến ngay bệnh viện. Nếu xử lý chậm có thể gây hại cho sức khỏe, tính mạng trẻ.
Theo các chuyên gia, sứa là loài nhuyễn thể thân mềm sống ở môi trường nước biển. Thành phần nọc độc của sứa rất đa dạng, thường chứa histamin và các chất giống kinin. Độc tố của sứa chứa trong các tế bào châm (Nematocyst) trên xúc tu. Khi tiếp xúc với người, độc tố từ xúc tu sẽ ngấm qua da đi vào cơ thể, gây nguy hiểm cho sức khỏe của người bị đốt, nhẹ thì gây viêm và hoại tử da, nặng hơn gây sốc phản vệ. Trong các loại, sứa lửa là loại có độc tố mạnh nhất. Các triệu chứng bị nhiễm độc tố sứa, biểu hiện nhẹ thường chỉ là các phản ứng ngoài da như: Ngứa, rát, nổi mẩn đỏ, toàn thân thấy khó chịu, chỗ vết thương có dạng xoắn hoặc thẳng nổi đầy bọng nước. Biểu hiện nặng có thể là đau đầu, người tím tái, bị tức ngực, khó thở, ra mồ hôi nhiều, buồn nôn, nôn ói, bị đau bụng, tiêu chảy nhiều, tụt huyết áp, mạch đập nhỏ, nhanh… Khi có biểu hiện bệnh nặng, cần đưa bệnh nhân đến bệnh viện ngay để tránh bị sốc phản vệ. Ngoài ra, sau khi tiếp xúc với sứa, nếu có tình trạng bàn tay, bàn chân người bệnh bị ngứa, nổi mẩn từng vùng da rồi nổi mề đay khắp thân, mạch đập nhanh, huyết áp thấp, khó thở, ho khan, ra mồ hôi nhiều, nôn ói, tiêu chảy, đau bụng, chảy nước mắt, nước mũi… cũng cần đưa ngay đến bệnh viện.
C.ĐAN
Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202307/luu-ykhi-dung-phai-sua-bien-22a3cc1/