Lưu ý tác động hai chiều khi thực hiện những quy định mới về đăng ký xe

Tròn một tháng kể từ khi Thông tư số 58/2020/TT- BCA, ngày 16/6/2020 về quy định quy trình cấp, thu hồi đăng ký, biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ được Bộ Công an ban hành.

Song những phản hồi từ các đối tượng chịu tác động là chưa nhiều dù đây là văn bản quy phạm pháp luật có tác động không nhỏ, trong đó có quy định thay đổi biển số ô tô kinh doanh vận tải.

Thông tư số 58/2020/TT- BCA ảnh hưởng trực tiếp tới hơn 1,6 triệu xe ô tô đang tham gia kinh doanh vận tải.

Điểm đ, Điều 25, Thông tư số 58 có quy định, biển số nền màu vàng, chữ và số màu đen, sêri biển số sử dụng lần lượt một trong 20 chữ cái cấp cho xe tham gia kinh doanh vận tải. Lộ trình đổi biển bắt đầu từ ngày 1/8/2020 cho đến trước ngày 31/12/2021.

Dù quy định trên ảnh hưởng trực tiếp tới hơn 1,6 triệu xe ô tô đang tham gia kinh doanh vận tải và doanh nghiệp phải bỏ ra khoảng 150.000 đồng cho mỗi lần đổi biển, song ý kiến phản biện khá chừng mực. Nguyên do có thể là quy định này đã nhận được sự đồng thuận cao của các đối tượng chịu tác động, bao gồm cả xe taxi công nghệ như Grab, Be, FastGo… hoặc đơn giản là do quy định rất mới, nên doanh nghiệp cần thêm thời gian để đánh giá tác động hai mặt.

Lý giải về sự ra đời của điểm đ, Điều 25, Thông tư số 58, đại diện Cục Cảnh sát giao thông cho rằng, đăng ký hệ biển màu để giúp cơ quan chức năng nhận biết là xe kinh doanh vận tải, thuận lợi trong công tác kiểm tra, phát hiện và xử lý những trường hợp cố tình đi vào phố cấm hay trong giờ cấm. Đây hiện là một trong những nhiệm vụ phức tạp và khó khăn đặt ra với cơ quan chức năng các thành phố lớn, trong đó có Hà Nội, TP.HCM.

Được biết, cách đây 2 năm, Bộ Công an từng bác đề xuất đổi biển số các phương tiện kinh doanh vận tải của Hiệp hội Taxi Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng sang màu vàng. Lý do là trong quản lý phương tiện kinh doanh vận tải bằng ô tô nói chung và phương tiện kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi nói riêng, các văn bản của Chính phủ và Bộ Giao thông - Vận tải đã quy định rất đầy đủ, cụ thể. Đặc biệt, trong văn bản trả lời 3 hiệp hội, Bộ Công an nhấn mạnh, đề xuất đó còn gây lãng phí thời gian và tiền bạc của người dân, chưa phù hợp với việc thực hiện chủ trương cải cách thủ tục hành chính theo chỉ đạo của Chính phủ.

Có lẽ, sự thay đổi quan điểm liên quan đến quy định về màu biển số xe kinh doanh của Bộ Công an xuất phát từ thực tiễn khi việc nhận diện giữa xe không kinh doanh và xe kinh doanh bằng các dấu hiệu hiện hữu là không hiệu quả. Tuy nhiên, cùng với việc chưa làm rõ trách nhiệm của các cơ quan liên quan đối với những hạn chế trong việc minh định xe ô tô kinh doanh vận tải với xe cá nhân, cơ quan ban hành Thông tư số 58 còn “nợ” một bản đánh giá tác động hai chiều của các quy định mới với người dân và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, dù cơ quan ban hành Thông tư số 58 đưa ra một số chính sách hỗ trợ thủ tục, rút ngắn thời gian đổi biển, song nhiều ý kiến cho rằng, các cơ quan quản lý nhà nước nên lùi thời gian áp dụng và có cơ chế hỗ trợ chi phí đổi biển trong thời gian đầu để doanh nghiệp có nhiều xe kinh doanh vận tải bớt khó khăn, tự giác thực hiện. Quan trọng hơn, trong bối cảnh Thủ tướng Chính phủ đang yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung tháo gỡ rào cản kinh doanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, các cơ quan chức năng cần quan tâm tận dụng tối đa tiện ích của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong công tác quản lý nhà nước. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp duy trì, bảo toàn lực lượng, chuẩn bị nguồn lực cho bước phục hồi sau khi chịu tác động nặng nề bởi Covid- 19.

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/luu-y-tac-dong-hai-chieu-khi-thuc-hien-nhung-quy-dinh-moi-ve-dang-ky-xe-d125842.html