Lưu ý tiêu chuẩn về môi trường để thúc đẩy xuất khẩu sang Bắc Âu
Theo Tham tán Thương mại Việt Nam tại Thụy Điển, kiêm nhiệm các nước Đan Mạch, Na Uy, Iceland và Latvia, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần lưu ý những quy định về môi trường và an toàn cho người tiêu dùng để đẩy mạnh việc bán hàng sang khu vực Bắc Âu.Năm 2022, thương mại hai chiều giữa Việt Nam và các nước Bắc Âu, chưa tính Phần Lan tăng trưởng ở mức 14,2%, đạt 3,26 tỉ đô la Mỹ. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 2,23 tỉ đô la, tăng hơn 16%; nhập khẩu đạt 1,03 tỉ đô la, tăng hơn 10%, theo TTXVN.
TTXVN thông tin, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Thụy Điển, kiêm nhiệm các nước Đan Mạch, Na Uy, Iceland và Latvia cho biết, doanh nghiệp Việt Nam đang có nhiều dư địa trong việc hợp tác, phát triển giao thương với các nước khu vực Bắc Âu, đặc biệt là việc tận dụng được các ưu đãi từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – châu Âu (EVFTA).
Tuy nhiên, doanh nghiệp cần lưu ý những quy định của nước nhập khẩu để đáp ứng các yêu cầu, thúc đẩy giao thương hai bên. Trong đó, có yêu cầu về bảo vệ môi trường và an toàn cho người sử dụng.
TTXVN thông tin từ tham tán Thương mại Việt Nam tại các nước này cho biết, doanh nghiệp xuất khẩu cần thường xuyên cập nhật thông tin về những chiến lược, quy định mới của thị trường xuất khẩu cũng như thông tin về những diễn biến trong chính sách Thỏa thuận Xanh châu Âu (viết tắt là EGD, một gói các hành động nhằm giảm phát thải khí nhà kính và giảm thiểu việc sử dụng tài nguyên).
Thêm vào đó, doanh nghiệp cũng nên xác định những lĩnh vực, công đoạn cần cải thiện để đáp ứng các tiêu chuẩn bền vững và thân thiện với môi trường; đề ra những giải pháp để vừa giảm phát thải khí nhà kính vừa tăng hiệu quả sử dụng năng lượng, sử dụng vật liệu tái chế; chuyển đổi từ mô hình sản xuất và xuất khẩu chỉ tập trung vào sản lượng sang mô hình sản xuất có chú ý đến các yếu tố môi trường.
Một yếu tố cần lưu ý khác là doanh nghiệp nên đầu tư nguồn lực cho việc nghiên cứu, phát triển các công nghệ và sản phẩm mới, áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất.
Với thị trường Bắc Âu nói riêng và châu Âu nói chung, các sản phẩm nhập khẩu phải đáp ứng các tiêu chí bền vững. Trong đó, khu vực này yêu cầu, đến năm 2030, giảm 50% việc sử dụng thuốc trừ sâu; thực hiện chống lãng phí, tái sử dụng hoặc tái chế tất cả loại bao bì; giảm tổn thất đa dạng sinh học và phát thải nhà kính; áp thuế carbon đối với một số hàng hóa nhập khẩu từ bên ngoài châu Âu.
Châu Âu cũng đang tiến hành việc kiểm tra và sửa đổi Chỉ thị An toàn sản phẩm chung nhằm hướng đến việc đảm bảo cho các sản phẩm được bán bằng hình thức trực tuyến và trực tiếp đều đạt tiêu chuẩn.