Lưu ý với bệnh tay chân miệng ở trẻ em
Bệnh tay chân miệng là bệnh nhiễm trùng phổ biến ở trẻ em, gây ra vết loét bên trong hoặc xung quanh miệng, đồng thời phát ban và nổi mụn nước ở tay, chân hoặc mông. Mặc dù các tổn thương này có thể gây đau đớn cho người bệnh nhưng về cơ bản, bệnh tay chân miệng khá lành tính, chỉ có rất ít trường hợp biến chứng và nguy hiểm.
Là bệnh truyền nhiễm lây qua đường tiêu hóa, tập trung ở độ tuổi dưới 5 tuổi, thường gặp ở trẻ nhỏ vào mùa hè và đầu mùa thu. Hiện nay, tốc độ mắc bệnh tay chân miệng đang gia tăng nhanh do trẻ em mầm non đã đi học trở lại. Cộng với thời tiết diễn biến bất thường, trẻ ăn uống, sinh hoạt chung trong môi trường khép kín, dễ lây lan cho nhau và trở thành các ổ dịch quy mô lớn.
Một tuần trở lại đây, mỗi ngày, Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh tiếp nhận từ 180-200 bệnh nhân. Qua thăm khám, các bệnh chủ yếu là viêm đường tiêu hóa, viêm đường hô hấp, tay chân miệng.... Số bệnh nhân tăng gấp hơn 3 lần so với thời gian trước đó. Điều đáng nói, trong số các bệnh truyền nhiễm, bệnh tay chân miệng chiếm đến trên 20% dù hầu hết là triệu chứng nhẹ có thể điều trị ngoại trú.
Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc, Phó Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh cho biết: Thời gian gần đây, số ca bệnh truyền nhiễm ở trẻ em tăng mạnh, với các triệu chứng như ho khò khè, sốt cao, nôn, bỏ ăn, không chịu chơi... Nguyên nhân là do nền nhiệt độ liên tục thay đổi, trong khi sức đề kháng của trẻ em kém. Cùng với đó là chế độ dinh dưỡng, việc chăm sóc trẻ chưa khoa học khiến trẻ dễ mắc bệnh. Thêm vào đó, công tác tiêm chủng các loại vắc xin đã được triển khai nhưng chưa được các phụ huynh quan tâm và thực hiện đầy đủ...
Tại Khoa Nội nhi, trong số gần 60 bệnh nhân đang điều trị nội trú tại đây, với nhiều bệnh như cảm cúm, sốt cao, tiêu chảy, viêm phổi, viêm amidan..., tỷ lệ bệnh nhân tay chân miệng vẫn chiếm nhiều nhất, với gần 30%. Bệnh nhân mắc tay chân miệng phải nhập viện hầu hết có triệu chứng đã nặng, như sốt cao, viêm và lở loét trong họng, miệng, ngủ giật mình, li bì, không chịu ăn...
Bà Phạm Thị Hải, xã Ân Hòa (huyện Kim Sơn) đang chăm sóc cháu ngoại hơn 1 tuổi mắc tay chân miệng đã điều trị tại Khoa Nội nhi được 3 ngày. Bà Hải cho biết, cháu sốt cao 39 độ mấy ngày, uống thuốc không khỏi, không chịu ăn, quấy khóc nhiều... Khi gia đình kiểm tra thấy viêm loét, sưng tấy cuống họng, xung quanh miệng có các mụn nước, đã đưa cháu lên Bệnh viện Sản Nhi điều trị. Tại đây, cháu được tiêm, truyền, sau 3 ngày bệnh đã đỡ, có thể ăn, uống, chịu chơi và mặt mũi tươi tỉnh lên nhiều.
Điều dưỡng Vũ Thị Thảo, Khoa Nội nhi cho biết: Thời gian gần đây, bệnh nhân tay chân miệng nhập viện điều trị tăng nhanh. Các triệu chứng ban đầu gồm sốt nhẹ và khó chịu. Sau đó trên vòm miệng, lưỡi, niêm mạc miệng và lưỡi gà của bệnh nhi xuất hiện các tổn thương dạng nước, gây đau đớn và khó khăn trong việc ăn, uống của trẻ.
Đối với trẻ nhỏ, tình trạng khó nuốt và chảy nước dãi do mụn nước ở miệng có thể dẫn đến mất nước, sẽ đáng lo ngại. Sau đó khoảng 1-2 ngày tiếp theo, các tổn thương này bắt đầu phát triển ở những bộ phận khác của cơ thể. Mụn nước có hình tròn hoặc bầu dục, bao quanh là vầng hồng ban. Các cạnh của lòng bàn tay và lòng bàn chân là vị trí mụn nước hay mọc, nhưng tổn thương vẫn có thể xảy ra trên toàn bộ cơ thể. Một số mụn nước thường dễ nhận thấy đường giới hạn xung quanh rõ ràng.
Theo các bác sĩ, thời gian gần đây, thời tiết liên tục diễn biến bất thường, nhiệt độ chênh lệch cùng với độ ẩm không khí cao, tạo điều kiện thuận lợi cho nấm mốc, côn trùng truyền bệnh, vi sinh gây bệnh phát triển… Đây là nguyên nhân dẫn đến các bệnh về đường hô hấp, đường tiêu hóa. Kèm theo đó, một số bệnh khác đã và đang có nguy cơ bùng phát, như bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết, thủy đậu… Do đó, việc chủ động phòng dịch, giám sát, phát hiện kịp thời các ca bệnh có thể lây lan thành dịch có vai trò hết sức quan trọng.
Nhằm chủ động phòng chống dịch bệnh tay chân miệng, không để dịch bùng phát, lan rộng và kéo dài, UBND tỉnh Ninh Bình vừa có văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh; UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng cho trẻ em.
Theo đó, triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng chống, ngăn chặn có hiệu quả sự bùng phát dịch bệnh trên địa bàn, tập trung vào các vùng có số mắc cao, có nguy cơ bùng phát dịch; tiếp tục thực hiện nghiêm Công văn số 2189 ngày 28/4/2022 của Bộ Y tế về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh mùa hè năm 2022 và Kế hoạch số 23 ngày 26/1/2022 của Ban Chỉ đạo tỉnh về phòng, chống dịch bệnh ở người tỉnh Ninh Bình năm 2022 trong đó có dịch bệnh tay chân miệng.
UBND tỉnh cũng chỉ đạo Sở Y tế giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, kịp thời phát hiện sớm các ổ dịch mới phát sinh, khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện. Tăng cường các đội chống dịch cơ động, đội cấp cứu lưu động nhằm sẵn sàng điều tra, xác minh, đánh giá, xử lý ổ dịch và hỗ trợ tuyến dưới trong việc khống chế ổ dịch; tổ chức cấp cứu, điều trị khi cần thiết.
Tổ chức tốt việc phân tuyến điều trị, phân luồng khám bệnh, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, bố trí khu điều trị riêng cho bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm, hạn chế người nhà vào thăm bệnh nhân, lưu ý đối với các bệnh nhân nặng, hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong. Thực hiện tốt phòng tránh lây nhiễm chéo trong các cơ sở điều trị, đặc biệt phòng việc lây nhiễm chéo giữa bệnh tay chân miệng với bệnh sởi, viêm phổi và viêm đường hô hấp khác.
Tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khỏe, thực hiện 3 sạch: ăn uống sạch, ở sạch, bàn tay sạch và chơi đồ chơi sạch; tổ chức chiến dịch rửa tay bằng xà phòng. Chuẩn bị đầy đủ kinh phí, thuốc, phương tiện, vật tư, hóa chất cho công tác cấp cứu, điều trị bệnh nhân và đáp ứng các tình huống dịch bệnh. Tổ chức tập huấn, cập nhật kiến thức về giám sát phát hiện bệnh và điều trị ở tất cả các tuyến để nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế, đặc biệt là y tế cơ sở.
Chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành tập trung kiểm tra các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng, hỗ trợ các địa phương khắc phục các tồn tại, giải quyết khó khăn, vướng mắc, có các biện pháp chỉ đạo kịp thời và phù hợp để ngăn dịch bệnh tay chân miệng lan rộng, kéo dài. Yêu cầu người dân khi có dấu hiệu của bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị kịp thời.