Lũy thép sống vùng biên
Những bông hoa của chương trình 'Khu dân cư liền kề đồn, trạm, chốt biên phòng, chốt dân quân biên giới' đã kết nụ. Có 41 điểm dân cư đã được hình thành với hàng trăm căn nhà mới trải dài biên giới Việt Nam - Campuchia và mỗi người dân, gia đình trong các điểm dân cư ấy là cột mốc sống, tấm khiên vững chắc bảo vệ biên cương Tổ quốc.
Vừa lập nghiệp vừa bảo vệ Tổ quốc
“Khi chúng tôi lớn lên, biên giới Tây Nam không còn tiếng súng nhưng ký ức về bom mìn, chết chóc vẫn chưa phai. Thế nên lòng đã quyết, vợ chồng tôi lên khu dân cư biên giới lập nghiệp”, anh Lê Thành Nguyện (xã Mỹ Bình, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An) chia sẻ trong buổi nhận nền đất, khởi công xây dựng khu dân cư mới cạnh chốt dân quân thường trực xã Mỹ Bình.
Dưới trời nắng gắt, mắt nhìn về phía đường tuần tra biên giới, bên kia là nước bạn Campuchia, anh Nguyện cho biết thêm, 80 hộ ra biên giới lập nghiệp phần nhiều gia đình đều có trẻ nhỏ. Các hộ được nhận nền đất, tiền làm nhà và cấp đất sản xuất, trợ giúp vật dụng gia đình để sớm ổn định đời sống. “Không riêng tôi mà lớp thanh niên trẻ lên biên giới lập nghiệp đều tự hào vì được ở cạnh chốt dân quân thường trực để bảo vệ biên cương Tổ quốc”, anh Nguyện chia sẻ.
Thiếu tướng Hoàng Đình Chung, Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 7, cho biết, mỗi căn nhà, khu dân cư mới liền kề đồn, trạm, chốt biên phòng, chốt dân quân biên giới được xây dựng mới không chỉ củng cố vững chắc phên dậu đất nước mà còn góp phần xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, tình đoàn kết giữa Việt Nam và Campuchia. Một người dân lên biên giới trở thành cột mốc sống, là người lính sát cánh cùng bộ đội để bảo vệ biên giới.
Các khu dân cư mới liền kề đồn biên phòng, chốt dân quân thường trực đã trải dài theo biên giới trên 3 tỉnh Long An, Tây Ninh và Bình Phước. Thời gian lên biên giới lập nghiệp còn ngắn nhưng hầu hết nhiều gia đình đã an cư lạc nghiệp, nhiều hộ đã có của ăn của để. Là một trong 5 gia đình đầu tiên xung phong lên khu dân cư Mít Mọi (xã Tân Đông, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh), bà Vũ Thị Xuân Hương, nhớ lại, tháng 7-2019, gia đình bà rời quê cũ tiến ra biên giới. Vốn liếng ban đầu là căn nhà rộng 66m2 cùng 10.000m2 đất, đến nay gia đình bà đã có bò chăn nuôi, vườn cây ăn trái mùa nào thức đó. Đối với anh Điểu Phúc ở khu dân cư Lộc Hòa (xã Lộc Hòa, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước), cuộc đời sang trang mới từ khi vào khu dân cư mới. Ngồi giữa căn nhà khang trang, anh Điểu Phúc cho biết, anh là người dân tộc S’tiêng. Lớn lên trong gia đình đông anh em, ở tuổi 30 anh sống cùng gia đình bên vợ. Ngày vào khu dân cư mới, vợ chồng chỉ đôi bàn tay trắng thì nay đã có nhà, có đất sản xuất...
Lũy thép từ lòng dân
Những chuyến ngược xuôi dọc biên giới đến các khu dân cư mới, chúng tôi được nghe kể về một thời chưa xa trong chiến tranh biên giới Tây Nam. Những địa danh, trận đánh đã đi vào lịch sử. Tại khu vực đồn Long Khốt (huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An) nổi danh với trận đánh 43 ngày (từ 14-1-1978 đến 27-2-1978) khi quân Pol Pot tràn sang. Vụ thảm sát tại Tân Lập, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh xảy ra ngày 25-9-1977 hay vụ thảm sát ngày 16-3-1978 tại xã Phước Thiện, huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước...
Là cán bộ nhiều năm gắn bó với chương trình, Thượng tá Đỗ Huy Hạnh, Trưởng Phòng Dân vận, Cục Chính trị Quân khu 7, cho biết, mỗi mét đất ở vùng biên giới là chứng nhân lịch sử. Chương trình đưa dân lên biên giới không chỉ nhận được sự chỉ đạo, quan tâm sát sao của Bộ Tư lệnh Quân khu 7 mà chính quyền, nhân dân các tỉnh cũng đồng lòng, chung sức xây dựng.
Năm 2022, khi đại dịch Covid-19 vừa được khống chế, nhiều khu dân cư mới được khởi công xây dựng. Khu dân cư mới tại xã Hưng Điền A, huyện Vĩnh Hưng và xã Hưng Điền B, huyện Tân Hưng (tỉnh Long An) với quy mô 10 căn nhà được khởi công vào tháng 4. Khu dân cư Mỹ Bình (xã Mỹ Bình, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An) quy mô 80 căn nhà được khởi công vào tháng 5. Đến tháng 9, có 3 khu dân cư khác tiếp tục được khởi công tại các xã Hòa Hiệp và xã Tân Lập (huyện Tân Biên, Tây Ninh) với 15 căn nhà…
“Đến ngày 20-12-2022, Quân khu 7 đã khánh thành và bàn giao 32 điểm cho các tỉnh Long An, Bình Phước, Tây Ninh, với 291 căn nhà liền kề Chốt Dân quân biên giới và 9 điểm, với 60 căn nhà liền kề đồn, trạm, chốt biên phòng ở Bình Phước, Long An. Bộ Tư lệnh Quân khu 7 hỗ trợ tổng kinh phí trên 44 tỷ đồng”, Thượng tá Đỗ Huy Hạnh cho biết.
Chặng đường đưa người dân lên biên giới mới đi qua hơn 1.000 ngày đầu tiên. Trên chiều dài hơn 630km đường biên giới ở 3 tỉnh Long An, Tây Ninh, Bình Phước đã có 41 khu dân cư mới được xây dựng với trên 350 căn nhà. Nhiều khu dân cư đã trở nên trù phú như khu dân cư Thái Bình Trung (xã Thái Bình Trung, huyện Vĩnh Hưng), khu dân cư Mỹ Quý Tây (xã Mỹ Quý Tây, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An). Tỉnh Tây Ninh có các khu dân cư Mít Mọi (xã Tân Đông, huyện Tân Châu), khu dân cư Bàu Sen (xã Tân Hà, huyện Tân Châu)... Tỉnh Bình Phước có các khu dân cư Thanh Hòa (xã Thanh Hòa, huyện Bù Đốp), khu dân cư Lộc Thịnh (xã Lộc Thịnh, huyện Lộc Ninh), khu dân cư Lộc Hòa (xã Lộc Hòa, huyện Lộc Ninh)...
Thiếu tướng Trần Vinh Ngọc, Phó Chính ủy Quân khu 7, nguyên Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Long An, cho biết, trong 3 năm qua, tỉnh Long An đã xây dựng 113 căn nhà mới. Năm 2022, tỉnh xây dựng 97 căn, trong đó Bộ Tư lệnh TPHCM hỗ trợ xây dựng 80 căn. Mỗi căn nhà được xây dựng mới là kết quả hỗ trợ, giúp sức của Bộ Tư lệnh Quân khu 7, UBND tỉnh, huyện cùng sự đóng góp, ủng hộ nhiều ban ngành, doanh nghiệp, cá nhân.
Chia sẻ với người dân Mỹ Bình trong ngày dựng khu dân cư mới, Đại tá Nguyễn Tuấn Bảo, Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh TPHCM, bày tỏ: 80 căn nhà do Bộ Tư lệnh TPHCM hỗ trợ xây dựng là gửi gắm trách nhiệm và tấm lòng sẻ chia của lãnh đạo TPHCM, Bộ Tư lệnh TPHCM và người dân, doanh nghiệp của TPHCM với đồng bào nơi biên giới.
Những khu dân cư mới liền kề đồn, trạm, chốt biên phòng, chốt dân quân biên giới, mang tên mộc mạc hôm nay sẽ phát triển thành ấp, xã hay thị trấn trong tương lai. Nhiều người dân ở khu dân cư mới chia sẻ, trong tim họ, những tướng lĩnh ở Quân khu 7 là những vị “thành hoàng làng” vì đã lăn lộn, lo toan cho người dân. Người dân mong muốn được lấy tên các tướng lĩnh đó đặt cho tên cho khu dân cư vùng biên giới để con cháu đời sau mãi ghi nhớ, tự hào.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/luy-thep-song-vung-bien-post675926.html