Luyện giỏi, sẵn sàng cơ động cứu hộ, cứu nạn
Cùng với nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng công trình quốc phòng, Lữ đoàn Công binh 270 (Quân khu 5) còn được giao nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) trên một số khu vực trọng điểm ở miền Trung-Tây Nguyên.
Để sẵn sàng cơ động, hoàn thành tốt nhiệm vụ “chiến đấu trong thời bình”, Đảng ủy, chỉ huy lữ đoàn xác định nâng cao chất lượng huấn luyện là khâu đột phá; tổ chức huấn luyện cho bộ đội sử dụng thành thạo trang thiết bị được biên chế, luyện tập thuần thục các phương án.
Mặt trời đứng bóng nhưng trên bãi tập của Lữ đoàn Công binh 270, không khí huấn luyện của các phân đội vẫn diễn ra khẩn trương, sôi nổi. Tại khu vực bến vượt, cán bộ, chiến sĩ Đại đội 13 (Tiểu đoàn 4) đang thực hành huấn luyện nội dung vượt sông thuyền VSN-1500, bài “Sử dụng, lắp ghép phà và chèo chở”. Đây là phương tiện dùng để chèo chở, vận chuyển người, phương tiện, trang bị kỹ thuật khi vượt sông. Thượng úy Phạm Đình Toàn, Phó đại đội trưởng Đại đội 13, cho biết: “Nội dung huấn luyện này đòi hỏi bộ đội phải có sức khỏe dẻo dai, tính cẩn thận, tỉ mỉ, chính xác, nhanh nhạy, nếu không rất dễ xảy ra mất an toàn. Bởi vì, để lắp ghép hoàn chỉnh được một phà bằng thuyền VSN-1500, cán bộ, chiến sĩ phải thao tác, lắp ghép từng thuyền đơn (mỗi thuyền nặng 267kg) thành 4 chân nổi, sau đó lắp 6 khối dầm (mỗi khối nặng 113kg) vào chân nổi và lắp 4 vệt (mỗi vệt nặng 71kg) cho xe lên xuống”.
Trò chuyện với lãnh đạo, chỉ huy Tiểu đoàn 4, chúng tôi được biết, khó khăn của đơn vị trong huấn luyện là số cán bộ trẻ mới ra trường chưa tích lũy được nhiều kinh nghiệm; chiến sĩ năm thứ nhất là người dân tộc thiểu số chiếm khá đông, nhận thức không đồng đều, khả năng tiếp thu kiến thức có mặt hạn chế. Do đó, quá trình huấn luyện, chỉ huy các cấp đã thường xuyên bám nắm thao trường, chủ động kiểm tra, kịp thời uốn nắn giúp bộ đội nắm chắc kiến thức, thuần thục thao tác, kết hợp với xử trí các tình huống thực tế đặt ra.
Theo dõi cán bộ, chiến sĩ Trung đội 11, Đại đội 13 huấn luyện thực hành lắp ghép một phà bằng thuyền VSN-1500, chúng tôi ghi nhận, khẩu lệnh của người chỉ huy chuẩn xác, dứt khoát, hành động của bộ đội khá nhịp nhàng. Sau khi chỉ huy bộ đội hoàn thành nội dung thực hành, Thiếu úy Điểu Hoàng, Trung đội trưởng Trung đội 11, phấn khởi nói: “Đến nay, đơn vị đã huấn luyện thuần thục nội dung vượt sông thuyền VSN-1500, thời gian lắp ghép xong một phà chỉ hết 15 phút, đạt loại giỏi”. Còn Binh nhì Nông Văn Quang, chiến sĩ Tiểu đội 2, Trung đội 11, tâm sự: “Trong huấn luyện cũng như cuộc sống hằng ngày, chúng tôi luôn được cán bộ các cấp quan tâm, hướng dẫn, chỉ bảo cụ thể, tỉ mỉ. Chúng tôi xác định phải huấn luyện sử dụng thành thạo trang bị để cùng đơn vị sẵn sàng tham gia hoàn thành tốt nhiệm vụ PCTT-TKCN trong mùa mưa bão tới”.
Tìm hiểu thực tế tại các cơ quan, đơn vị ở Lữ đoàn Công binh 270, chúng tôi nhận thấy, để công tác huấn luyện đạt hiệu quả, đi vào thực chất, hằng năm, cấp ủy, chỉ huy các cấp đã chủ động xây dựng kế hoạch huấn luyện sát thực tế; làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho bộ đội về vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng cũng như những khó khăn, thử thách trong huấn luyện để từ đó xây dựng ý chí quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ trên cương vị, chức trách được giao. Các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện tiến trình biểu huấn luyện, rút kinh nghiệm sau từng nội dung, ngày, tuần, tháng, qua đó chấn chỉnh hạn chế, thiếu sót, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc nảy sinh. Định kỳ, lữ đoàn tổ chức sơ kết, lấy kết quả huấn luyện là một trong những tiêu chí quan trọng trong đánh giá, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, phân tích chất lượng đảng viên, tổ chức đảng và bình xét thi đua-khen thưởng.
Trao đổi với chúng tôi, Thượng tá Nguyễn Văn Hòa, Lữ đoàn trưởng và Thượng tá Huỳnh Văn Chinh, Chính ủy Lữ đoàn Công binh 270 cho biết, để chủ động ứng phó trước mùa mưa bão năm nay, đơn vị đã rà soát, điều chỉnh kế hoạch PCTT-TKCN phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ và thực tế các tình huống xảy ra trên địa bàn, tổ chức luyện tập thuần thục các phương án; duy trì nghiêm lực lượng trực trên các hướng trọng yếu được phân công. Đặc biệt, lữ đoàn đã tập trung huấn luyện công tác chỉ huy, tổ chức thực hiện nhiệm vụ cho các phân đội PCTT-TKCN, chú trọng huấn luyện cho cán bộ, chiến sĩ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật nắm chắc và khai thác thành thạo các trang bị, phương tiện PCTT-TKCN được biên chế, có khả năng công tác độc lập trên các hướng thực hiện nhiệm vụ; đồng thời làm tốt công tác phối hợp, hiệp đồng với các địa phương, đơn vị trên địa bàn, chuẩn bị đầy đủ vật chất, trang bị, phương tiện: Tàu, xuồng, ca nô, máy đẩy... sẵn sàng tổ chức lực lượng cơ động ứng phó thiên tai, bão lũ trong mọi tình huống xảy ra.