Lý do ảnh AI tạo ra khiến chúng ta không thể rời mắt
Các bộ lọc và ứng dụng chụp ảnh tự sướng thu hút người dùng bằng cách khai thác sự ý chú đến vẻ ngoài.
Năm 2022 đã kết thúc với những hình ảnh chân dung của người dùng mạng xã hội tràn ngập Instagram, Twitter và các trang cá nhân. Không hẳn là chân dung, đó thực ra là sản phẩm của ứng dụng có tên Lensa AI, áp dụng các công cụ máy học để "sáng tác" ra các bức ảnh chân dung theo nhiều phong cách khác nhau dựa trên ảnh tự sướng.
Cứ sau vài tháng, một ứng dụng hoặc một bộ lọc, hay filter, mới lại xuất hiện để thu thập và điều chỉnh ảnh khuôn mặt. Đã có những bộ lọc đặt lớp trang điểm ảo lên ảnh tự chụp, hay bộ lọc "nghệ thuật” bắt chước các bức tranh nổi tiếng, thậm chí biến hình thành động vật.
Bằng những bộ lọc và ứng dụng này, người dùng có thể tự làm cho mình già đi 30 tuổi, biến thành một dân tộc hay một loài khác, hoán đổi giới tính, trở nên gầy hoặc béo hơn.
Quy trình của Lensa, và các ứng dụng chuyển đổi ảnh tự sướng nói chung, khá đơn giản. Người dùng tải lên 10-20 ảnh tự chụp và trả một vài USD mua gói “hình đại diện ma thuật”. Sau đó, người dùng được tự chọn những phong cách ảnh mà họ mong muốn, bao gồm “Công chúa cổ tích”, “Giả tưởng”, “Sành điệu”, “Anime”, “Nhạc pop", “Vũ trụ" và nhiều hơn nữa.
Chỉ mất một vài phút, ứng dụng trả về những bức tranh trông như được các họa sĩ minh họa và nghệ sĩ vẽ riêng cho người dùng. Hầu hết "hình đại diện ma thuật" đều mang phong cách của một tấm áp phích phim, album ca nhạc hoặc hoạt hình, vì công nghệ học máy nền tảng của ứng dụng được đào tạo bằng hình ảnh lấy từ Internet.
"Tôi đã chi 5,99 USD cho một gói 100 hình đại diện ma thuật, và giật mình khi thấy vừa giống mình vừa không", cây viết Sophie Haigney từ New York Times cho biết. Haigney cho biết chưa bao giờ trải nghiệm hình ảnh của chính mình một cách kỳ lạ như vậy, vừa giống thật vừa đặt trong bối cảnh giả tưởng.
Thực tế là con người khó có thể nhìn thấy khuôn mặt chính mình theo cách những người khác nhìn. Gương cho hình ảnh đảo ngược, ảnh là 2D và không có chuyển động. Do các yếu tố kỹ thuật số, video cũng không ghi lại hoàn toàn chính xác.
"Đây là lý do chân dung hấp dẫn, nó không tìm cách ghi lại thực tế mà là một phiên bản của con người trên trang giấy hoặc khung vẽ", Haigney cho biết. Với mỗi bức chân dung, sẽ xuất hiện các yếu tố mà người họa sĩ nhìn thấy hay ấn tượng của họ về đối tượng. Trong trường hợp Lensa, hình ảnh trả về là một phiên bản “chân dung” của người dùng với những đặc điểm mà họ mong muốn.
Những ứng dụng thế này hấp dẫn vì chúng làm tăng sự chú ý vào chính chúng ta, theo Haigney. Tác giả cho biết thêm Internet từ lâu đã thúc đẩy ám ảnh về hình ảnh cá nhân, chẳng hạn cách Instagram có thể khiến cho người dùng ám ảnh đến mức rối loạn ăn uống.
"Sự thật là chưa từng có ai thử vẽ hoặc chụp 110 phiên bản khuôn mặt của tôi, và chú ý nhiều đến ngoại hình của tôi như Lensa. Ứng dụng đánh lừa để tạo cảm giác chúng ta được nhìn thấy", Haigney cho biết.