Lý do Apple chưa tung ra smartphone gập như Samsung, Google và các hãng Trung Quốc
Apple là thương hiệu smartphone toàn cầu duy nhất không sở hữu thiết bị có thể gập trong danh mục sản phẩm của mình. Điều này khiến hãng đứng ngoài xu hướng hứa hẹn sẽ tạo ra hàng chục tỉ USD những năm tới.
Với việc Google ra mắt Pixel Fold tại hội nghị I/O hôm 10.5, mọi thương hiệu smartphone lớn chạy hệ điều hành Android đều có mẫu máy dạng gập. Dù bắt đầu nghiên cứu iPhone có thể gập từ nhiều năm trước, Apple tỏ ra không mấy quan tâm đến việc ra mắt sản phẩm cạnh tranh trên thị trường.
Cách tiếp cận này không có gì lạ với Apple vì hãng thường mất nhiều thời gian trước khi nhảy vào danh mục đã có tên tuổi bằng một sản phẩm bóng bẩy hơn. Đó là trường hợp của iPhone vào năm 2007. Apple cũng có ít động lực hơn để sửa đổi dòng iPhone hiện tại của mình vì nó đang thống trị thị trường smartphone cao cấp.
Thế nhưng, Apple có thể sớm thấy mình đi sau các đối thủ nhiều năm trong một phân khúc đầy hứa hẹn. Dù vẫn chiếm một phần rất nhỏ trên thị trường, smartphone gập lại được có giá cao hơn và mở ra cánh cửa cho các tính năng mới, giúp các thương hiệu tầm thấp bước lên phân khúc cao cấp.
Các nhà quan sát thị trường dự đoán rằng phân khúc này sẽ là khu vực tăng trưởng nhanh nhất trong lĩnh vực smartphone đang bị thu hẹp.
Neil Mawston, Giám đốc nghiên cứu của hãng Strategy Analytics, cho biết câu hỏi đặt ra là liệu Apple cuối cùng sẽ giúp củng cố khái niệm smartphone có thể gập hay bỏ lỡ nó.
Ông nhận xét: “Apple có sức mạnh để xây dựng hoặc làm suy yếu ngành công nghiệp thiết bị gập trong tương lai. Nếu ra mắt quá sớm, một chiếc smartphone gập chưa sẵn sàng cho thị trường có thể phá hỏng toàn bộ thương hiệu iPhone. Nếu Apple không bán iPhone hoặc iPad có thể gập vào năm 2025, khi doanh thu của ngành sẽ lên tới hàng chục tỉ USD, chúng tôi sẽ bắt đầu có một chút lo lắng”.
Apple không trả lời ngay lập tức khi được đề nghị bình luận về chuyện trên.
Công ty kiếm được phần lớn doanh thu từ iPhone - dòng sản phẩm này được cải tiến dần dần hàng năm và không có bước nhảy vọt lớn nào về thiết kế hoặc chức năng trong nhiều năm. Đến nay, các thiết bị có thể gập vẫn chưa đạt được số lượng đủ lớn để chiếm thị phần đáng kể từ Apple, vốn kiểm soát 77% thị trường smarphone giá trên 751 USD vào năm 2022, theo nhà phân tích Jusy Hong của công ty tư vấn và phân tích độc lập Omdia.
Hiện tại, smartphone có thể gập là cuộc đua chỉ dành cho các nhà sản xuất điện thoại Android, với Samsung Electronics thống trị trên phạm vi toàn cầu. Song sự cạnh tranh đang trở nên khốc liệt hơn ở Trung Quốc, nơi các thương hiệu địa phương đang sử dụng những thiết bị như vậy để mở rộng quy mô. Xiaomi, Huawei, Vivo và Oppo hiện có một số mẫu smartphone gập lại được trên thị trường.
Honor, thương hiệu độc lập tách ra từ Huawei vào năm 2020, cũng đang giúp phân khúc này trở nên hợp túi tiền hơn với Honor Magic Vs trong năm nay.
Các thương hiệu Trung Quốc phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng trong việc tạo sự khác biệt cho sản phẩm của họ và thúc đẩy người dùng nâng cấp, đặc biệt là khi ngành công nghiệp điện thoại nói chung đang chững lại. Thị trường smartphone ở Trung Quốc bị sụt giảm doanh số hai con số trong năm qua.
Không giống Apple đã thúc đẩy chu kỳ khách hàng nâng cấp iPhone của họ cứ sau vài năm, các thương hiệu smartphone Android phải cố giành được khách hàng một lần nữa với mỗi thiết bị mới. Một mẫu máy gập lại được có thể giúp các thương hiệu smartphone Android làm điều này. Minh chứng rõ nét là Oppo, nhà sản xuất smartphone lớn nhất tại Trung Quốc.
Billy Zhang, Chủ tịch bán hàng và dịch vụ ở nước ngoài của Oppo, cho biết: “Thiết bị màn hình gập là tương lai và có tầm quan trọng với chiến lược sản phẩm tổng thể của Oppo”.
Quan điểm của Billy Zhang được lặp lại bởi Honor, công ty kỳ vọng Trung Quốc sẽ là thị trường đầu tiên mà smartphone có thể gập bắt đầu dẫn đầu phân khúc cao cấp.
Theo người phát ngôn của Honor, các nhà sản xuất smartphone có thể hợp tác chặt chẽ với nhà cung cấp địa phương để phát triển sản phẩm sáng tạo và cải thiện tính di động, đồng thời giảm chi phí sản xuất, làm cho giá cả phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng hơn. 90% trong số 5.000 ứng dụng hàng đầu ở Trung Quốc đã được điều chỉnh cho các thiết bị có thể gập.
Việc phát triển các thiết bị có thể gập đòi hỏi nhiều vốn, vì cần thiết kế và tinh chỉnh các bản lề bền, mỏng. Ngoài ra, nhà sản xuất smartphone cần có sự đổi mới khác, chẳng hạn lớp vỏ màn hình bằng kính siêu mỏng của Samsung Electronics mang lại cảm giác giống như kính quen thuộc trên một bề mặt có thể uốn cong và co dãn.
Sự tham gia trước đây của Google vào phân khúc smartphone chỉ giới hạn ở phần mềm. Chịu trách nhiệm phát triển hệ điều hành Android, Google đã hợp tác với Samsung Electronics kể từ khi chiếc Galaxy Fold đầu tiên trình làng vào năm 2019 để làm cho hệ điều hành và các ứng dụng hoạt động với thiết bị dạng này. Theo chuyên gia Bryan Ma của hãng nghiên cứu IDC, Pixel Fold của Google có thể mang đến sự cạnh tranh với Samsung Electronics, nhà tiên phong và chiếm 79% thị phần toàn cầu về smartphone có thể gập.
Video thử nghiệm Pixel Fold:
Với Apple, sản phẩm đầu tiên của họ trong dòng sản phẩm này có khả năng là iPad thay vì iPhone có thể gập, theo Jusy Hong và Ben Wood (nhà phân tích kỳ cựu trong ngành di động của hãng CCS Insight).
Ben Wood mong đợi chiếc “iPad siêu cao cấp với màn hình linh hoạt” trình làng vào năm 2024. Trong khi đó, Jusy Hong coi nếp gấp ở giữa màn hình có thể gập lại là một trở ngại lớn với việc Apple áp dụng công nghệ này.
Điểm không hoàn hảo đó đã được cải thiện đáng kể kể từ thế hệ Galaxy Fold đầu tiên, nhưng vẫn tồn tại trong các mẫu máy mới nhất. Apple nổi tiếng yêu cầu cao về công nghệ màn hình, nên việc lựa chọn màn hình thích hợp là rất quan trọng với công ty.
“Khó tưởng tượng được rằng Apple không thử nghiệm công nghệ màn hình linh hoạt trong phòng thí nghiệm phát triển sản phẩm của mình hơn một thập kỷ qua. Sức mạnh của danh mục iPhone hiện có và tỷ suất lợi nhuận cao mà nó mang lại khiến Apple không cần phải phản ứng với các smartphone có thể gập của đối thủ”, Ben Wood nhận xét.
Có thiết kế tương tự Galaxy Fold, Pixel Fold được trang bị chip Tensor G2 với bộ đồng xử lý Titan M2, RAM LPDDR5 12 GB với tùy chọn bộ nhớ trong 256 và 512 GB. Máy dùng pin 4.821 mAh hỗ trợ sạc nhanh có dây 30W và sạc không dây Qi.
Pixel Fold đi kèm camera ngoài 9,5 megapixel f/2.2 và camera trong 8 megapixel f/2.0 với điểm chung là có tiêu cự cố định. Camera chính 48 megapixel kết hợp camera siêu rộng 10,8 megapixel với trường nhìn 121,1 độ và camera tele 5x 10,8 megapixel hỗ trợ tính năng Super Res Zoom lên đến 20 lần.
Về khả năng kết nối, Pixel Fold hỗ trợ 5G (mmWave và Sub 6 GHz), Wi-Fi 6E, Bluetooth 5.2, NFC. Máy có hai SIM với một khe cắm nanoSIM vật lý và một eSIM.
Điểm nổi bật nhất của Pixel Fold là màn hình OLED 7,6 inch ở bên trong với độ phân giải 2.208 x 1.840 pixel và tốc độ làm tươi lên đến 120 Hz. Màn hình được phủ một lớp nhựa bảo vệ và hỗ trợ độ sáng tối đa 1.450 nit. Camera bên trong được bố trí nằm ở phía bên phải máy.
Bên ngoài Pixel Fold có màn hình OLED 5,8 inch độ phân giải 2.092 x 1.080 pixel với tốc độ làm tươi lên đến 120 Hz. Màn hình được bảo vệ bởi kính cường lực Gorilla Glass Victus và hỗ trợ độ sáng tối đa 1.550 nit. Nó có một lỗ đục ở giữa cho camera phía trước nhằm hỗ trợ chụp ảnh tự sướng thuận tiện.
Pixel Fold có giá 1.799 USD và hiện đã bắt đầu cho đặt trước tại Mỹ. Google sẽ tặng kèm Pixel Watch nếu người dùng đặt hàng trước Pixel Fold từ bây giờ. Máy sẽ đến với tay khách hàng bắt đầu từ tháng 6.