Lý do bảo trì thiết bị ASML là mặt trận mới trong cuộc chiến chip Mỹ - Trung

Chính phủ Mỹ đã kêu gọi các đồng minh buộc các công ty cung cấp thiết bị sản xuất chip trong nước ngừng bảo trì một số công cụ mà họ đã bán ở Trung Quốc.

Đây là một phần trong nỗ lực của Mỹ nhằm làm suy yếu khả năng sản xuất chip tiên tiến của Trung Quốc.

Với tư cách là nhà cung cấp thiết bị sản xuất chip lớn nhất trên toàn cầu, ASML (Hà Lan) đang được chú ý trong cuộc chiến chip Mỹ - Trung.

Tại sao thiết bị của ASML quan trọng?

ASML thống trị thị trường công cụ in thạch bản. Đó là những cỗ máy phức tạp, đắt tiền, thực hiện một bước quan trọng trong quy trình sản xuất chip, giúp tạo ra mạch điện.

Tại sao Mỹ không muốn ASML bảo trì thiết bị đã bán?

Lý do để ngăn chặn nhà máy sản xuất chip Trung Quốc bị nhắm mục tiêu có thể hoạt động trơn tru. Các thiết bị của ASML từ khó đến không thể thay thế. Nếu chủ sở hữu thiết bị của ASML bị từ chối cung cấp phụ tùng và bảo trì, đến một lúc nào đó, thiết bị sẽ ngừng hoạt động và nhà máy sẽ không thể sản xuất chip.

Chính phủ Hà Lan có từ chối giấy phép bảo trì không?

Hà Lan, đồng minh thân cận của Mỹ, không loại trừ khả năng từ chối giấy phép xuất khẩu và bảo trì của ASML trong một số trường hợp mà họ nhận thấy có rủi ro về an ninh. Tuy nhiên, Hà Lan không có kế hoạch cấm toàn diện.

Trung Quốc là đối tác thương mại quan trọng của Hà Lan. Chính phủ quốc gia châu Âu này không muốn làm tổn hại đến ASML, công ty lớn nhất của họ.

Ngoài ra, phần lớn thiết bị mà ASML bán ở Trung Quốc được sử dụng trong các quy trình sản xuất chip kém tiên tiến hơn và không yêu cầu giấy phép xuất khẩu hoặc bảo trì của Hà Lan.

Có bao nhiêu thiết bị ASML ở Trung Quốc?

Rất nhiều. ASML đã bán được số thiết bị trị giá hơn 6 tỉ euro (6,5 tỉ USD) cho khách hàng Trung Quốc chỉ riêng trong năm 2023.

Công ty không tiết lộ có bao nhiêu thiết bị thuộc các loại yêu cầu giấy phép cho phân khúc quang khắc cực tím sâu (DUV). Đây là các máy thuộc phân khúc trung - cao cấp của ASML. Những thiết bị tốt nhất của ASML là in thạch bản cực tím (EUV) tiên tiến không được bán ở Trung Quốc.

ASML nói gì?

ASML tiết lộ giấy phép xuất khẩu của Hà Lan cho phép hãng bảo trì cho phần lớn các khách hàng Trung Quốc đến ngày 31.12.2024, theo hãng tin Reuters.

Tác động có thể là gì đến các nhà sản xuất chip Trung Quốc?

Điều này là không chắc chắn. Lấy ví dụ hư cấu vềhãng sản xuất chip Trung Quốc đã mua một trong những công cụ DUV tốt nhất của ASML với giá 60 triệu USD nhưng không được gia hạn giấy phép bảo trì.

Nếu không cập nhật phần mềm, thiết bị sẽ không hoạt động tối ưu. Thế nhưng, các kỹ sư Trung Quốc biết cách vận hành thiết bị của họ và có thể bị sa thải nếu không thể làm việc với máy ASML.

Một số trong hàng nghìn bộ phận trong thiết bị ASML có thể thay thế hoặc sửa chữa được nếu chúng bị hỏng. Tuy nhiên, khi nói đến ống kính và tia laser chuyên dụng cao, không có lựa chọn thay thế nào được biết đến.

Một số bộ phận được cho là có thể bị loại bỏ khỏi các thiết bị ASML hiện có. Hầu hết thiết bị mà ASML từng cung cấp vẫn đang được sử dụng, nhưng chưa có ai từng thử chạy một máy tiên tiến mà không có sự trợ giúp của công ty Hà Lan.

Hậu quả với ASML là gì?

Có thể là nhỏ, ít nhất là lúc đầu. Trung Quốc là thị trường lớn thứ hai của ASML vào năm 2023 sau Đài Loan, với 29% doanh số, nhỉnh hơn Hàn Quốc một chút. Khoảng 20% tổng doanh thu của ASML đến từ việc bảo trì các máy đã lắp đặt.

Dù thống trị thị trường, ASML phải đối mặt với sự cạnh tranh ở phân khúc sản phẩm thấp hơn từ Nikon và Canon (Nhật Bản) và SMEE (Trung Quốc). Về lâu dài, các nhà sản xuất chip Trung Quốc sẽ có động lực cao để phát triển các giải pháp thay thế cho việc sử dụng thiết bị của ASML.

Chính phủ Mỹ đã kêu gọi Hà Lan buộc ASML ngừng bảo trì một số công cụ mà họ đã bán ở Trung Quốc - Ảnh: Internet

Chính phủ Mỹ đã kêu gọi Hà Lan buộc ASML ngừng bảo trì một số công cụ mà họ đã bán ở Trung Quốc - Ảnh: Internet

Hà Lan chi 2,5 tỉ euro để giữ chân ASML

Micky Adriaansens, Bộ trưởng các vấn đề kinh tế Hà Lan, xác nhận với Reuters con số 2,5 tỉ euro và cho biết đây là một phần trong Chiến dịch Beethoven nhằm giữ chân ASML ở lại nước này.

Số tiền này sẽ được chi trong vài năm để cải thiện nhà ở, cơ sở giáo dục, giao thông và lưới điện tại trung tâm công nghệ Eindhoven thuộc thành phố cùng tên. ASML đặt trụ sở tại Veldhoven, giáp với Eindhoven.

Chính phủ Hà Lan cho biết sẽ có một số biện pháp để giảm bớt gánh nặng thuế cho các doanh nghiệp, sau những lo ngại từ các công ty hàng đầu Hà Lan.

"Khi thực hiện các biện pháp này, chúng tôi tin rằng ASML sẽ tiếp tục đầu tư và duy trì trụ sở chính theo luật định, tài chính và thực tế của mình ở Hà Lan", chính phủ Hà Lan bày tỏ hy vọng.

ASML là hãngcông nghệ lớn nhất châu Âu và là nhà cung cấp thiết bị hàng đầu để sản xuất chip trên toàn cầu. Đây cũng là công ty duy nhất hiện nay có máy EUV dùng để sản xuất hàng loạt loại chip tiên tiến nhất thế giới.

Phản ứng trước nỗ lực giữ chân của chính phủ Hà Lan, ASML bày tỏ hoan nghênh nhưng cho biết họ vẫn đang trong quá trình quyết định nơi sẽ phát triển trong tương lai.

Công ty này tin rằng việc cải thiện giao thông và cơ sở hạ tầng tại Eindhoven sẽ không chỉ mang lại lợi ích cho các công ty công nghệ tại đây mà còn cho toàn bộ Hà Lan.

ASML khẳng định họ kỳ vọng sẽ có tăng trưởng đáng kể ở Hà Lan, miễn là được hỗ trợ bởi "các điều kiện kinh doanh thuận lợi như sự sẵn có của nhân tài chất lượng cao, cơ sở hạ tầng, nhà ở công cộng"...

"Quyết định mà chúng tôi cần đưa ra không phải là liệu chúng tôi có ở lại Hà Lan hay không mà là chúng tôi sẽ phát triển ở đâu", ASML nhấn mạnh trong tuyên bố gửi đến truyền thông.

Hồi tháng 3, ASML đã gây sốc và buộc giới chức Hà Lan phải hành động sau khi Giám đốc điều hành Peter Wennink công khai phàn nàn về các chính sách hiện tại.

Trong số này bao gồm kế hoạch của Hà Lan là không giảm thuế cho những người di cư có tay nghề, điều mà theo ASML sẽ khiến họ khó tuyển được những nhân sự quan trọng và chất lượng cao.

Theo báo cáo của ASML công bố cuối năm 2023, công ty này đang sử dụng gần 40.000 người thuộc 144 quốc tịch khác nhau.

ASML cũng cho biết chính phủ Hà Lan đã không đầu tư đúng mức để cải thiện cơ sở hạ tầng ở khu vực Eindhoven, từ đường cao tốc, nhà ở đến lưới điện.

Trước đó, ASML đang cân nhắc việc mở rộng ra ngoài trụ sở chính ở Hà Lan, trong đó Pháp là một lựa chọn.

Phải đối mặt với những hạn chế ngày càng tăng của Mỹ và Hà Lan với việc bán thiết bị sản xuất chip tiên tiến cho khách hàng ở Trung Quốc, ASML lo ngại về môi trường kinh doanh đang xấu đi sau khi đảng Tự do theo đường lối cực hữu giành chiến thắng bất ngờ trong cuộc bầu cử vào tháng 11.2023.

Trung Quốc không được biết đến là đối tượng được cân nhắc chính trong các kế hoạch mở rộng của ASML. Thế nhưng, các chuyên gia và người dùng mạng xã hội ở Trung Quốc tự đưa ra giả định hoặc suy luận rằng ASML có thể đang cân nhắc mở rộng do bất mãn với các hạn chế hoặc vấn đề liên quan đến quốc gia châu Á.

Xiang Ligang, người sáng lập cổng thông tin viễn thông CCTime có trụ sở tại Bắc Kinh (thủ đô Trung Quốc), cho biết những cân nhắc của ASML phản ánh sự thất vọng với các hoạt động kinh doanh gặp khó khăn tại Trung Quốc.

“Chính phủ Hà Lan đã cúi đầu trước áp lực từ Mỹ bằng cách đình chỉ xuất khẩu hệ thống khắc quang cực tím sâu (DUV) của ASML sang Trung Quốc. Đây không chỉ là một đòn giáng mạnh vào Trung Quốc mà còn cả với ASML. Lối thoát duy nhất của ASML là tìm kiếm một địa điểm mới. Nếu Hà Lan không thể bảo vệ lợi ích của ASML, công ty này phải tìm một quốc gia khác có thể bảo vệ”, Xiang Ligang viết trên nền tảng tiểu blog Weibo.

Phương tiện truyền thông xã hội Trung Quốc tràn ngập suy đoán rằng ASML muốn mở rộng ra ngoài quê hương một phần vì họ phải chịu đủ áp lực do Mỹ dẫn đầu để hạn chế doanh số bán hàng của công ty sang Trung Quốc. Đây là thị trường bán dẫn lớn nhất thế giới và cuồng nhiệt với các sản phẩm ASML.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng những quy định từ Mỹ hạn chế bán máy DUV tiên tiến cho Trung Quốc sẽ áp dụng cho ASML ngay cả khi hãng chuyển địa điểm sang các khu vực khác của châu Âu.

Jan-Peter Kleinhans, Giám đốc công nghệ và địa chính trị tại Stiftung Neue Verantwortung (tổ chức tư vấn chính sách công nghệ có trụ sở tại Berlin, thủ đô Đức), cho biết: “Việc chuyển đến Pháp về cơ bản sẽ không thay đổi tình hình của ASML về mặt bị kiểm soát xuất khẩu”.

Sơn Vân

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/ly-do-bao-tri-thiet-bi-asml-la-mat-tran-moi-trong-cuoc-chien-chip-my-trung-215755.html