Lý do Bộ Công an đề xuất bỏ Cơ quan điều tra VKSND Tối cao

Tại tờ trình Dự án Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự (sửa đổi), cơ quan chủ trì soạn thảo đã nêu lý do không quy định Cơ quan điều tra của VKSND Tối cao.

Mới đây, Bộ Tư pháp đã công bố hồ sơ thẩm định dự thảo Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự (sửa đổi).

Dự luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo gồm 9 Chương, 54 Điều, với nhiều điểm mới nổi bật, trong đó có những thay đổi về cơ cấu các cơ quan điều tra (CQĐT).

 Cơ quan điều tra VKSND tối cao thực hiện lệnh bắt tạm giam bị can trong một vụ án xảy ra ở Quảng Ngãi năm 2023. Ảnh: H.H

Cơ quan điều tra VKSND tối cao thực hiện lệnh bắt tạm giam bị can trong một vụ án xảy ra ở Quảng Ngãi năm 2023. Ảnh: H.H

Hiện nay, theo Luật Tổ chức CQĐT hình sự 2015 thì hệ thống cơ quan điều tra gồm: (1) CQĐT của Công an nhân dân; (2) CQĐT của Quân đội nhân dân; (3) CQĐT của VKSND Tối cao.

Trong đó, CQĐT của VKSND Tối cao gồm có: CQĐT VKSND Tối cao và CQĐT Viện kiểm sát quân sự trung ương.

Tuy nhiên, theo dự luật Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự (sửa đổi), trong hệ thống CQĐT sẽ không còn CQĐT của VKSND Tối cao.

Lý do được Bộ Công an nêu ra tại Tờ trình đó là khi viện kiểm sát vừa thực hiện quyền công tố, kiểm sát lại vừa thực hiện thẩm quyền điều tra sẽ không đảm bảo được tính khách quan trong quá trình tố tụng hình sự.

Ngoài ra, việc bỏ CQĐT của VKSND Tối cao sẽ giúp đảm bảo mối quan hệ chế ước, kiểm soát lẫn nhau giữa Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát.

Cũng theo dự luật, nhiệm vụ, quyền hạn của CQĐT VKSND Tối cao và CQĐT Viện kiểm sát quân sự trung ương sẽ được chuyển sang cho các cơ quan An ninh điều tra.

Cụ thể, hiện nay CQĐT VKSND Tối cao đang thực hiện việc điều tra tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, tội phạm về tham nhũng, chức vụ quy định tại Chương XXIII và Chương XXIV của Bộ luật hình sự xảy ra trong hoạt động tư pháp mà người phạm tội là cán bộ, công chức thuộc Cơ quan điều tra, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan thi hành án, người có thẩm quyền tiến hành hoạt động tư pháp khi các tội phạm đó thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân.

Sau khi bỏ CQĐT VKSND Tối cao thì nhiệm vụ này sẽ được giao cho Cơ quan ANĐT Bộ Công an.

Trong khi đó, hiện nay CQĐT Viện kiểm sát quân sự trung ương đang thực hiện việc điều tra tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, tội phạm về tham nhũng, chức vụ quy định tại Chương XXIII và Chương XXIV của Bộ luật hình sự xảy ra trong hoạt động tư pháp mà người phạm tội là cán bộ, công chức thuộc Cơ quan điều tra quân sự, Tòa án quân sự, Viện kiểm sát quân sự, cơ quan thi hành án, người có thẩm quyền tiến hành hoạt động tư pháp khi các tội phạm đó thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự.

Khi bỏ CQĐT Viện kiểm sát quân sự trung ương thì nhiệm này sẽ được giao cho Cơ quan ANĐT Bộ Quốc Phòng.

NGUYỄN QUÝ

Nguồn PLO: https://plo.vn/ly-do-bo-cong-an-de-xuat-bo-co-quan-dieu-tra-vksnd-toi-cao-post842812.html