Lý do bức xúc khiến nhiều người bỗng dưng nợ thuế
Tổng cục Thuế cho hay, tình trạng người nộp thuế bỗng dưng nợ thuế xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có thể có trường hợp người nộp thuế bị doanh nghiệp gian lận sử dụng mã số thuế để khai khống chi phí.
Đầu tháng 8, chị Nguyễn Thu Hà (Thanh Trì, Hà Nội) kiểm tra thuế trên ứng dụng eTax của Tổng cục Thuế. Chị tá hỏa phát hiện ra phần mềm ghi nhận chị có một khoản nợ thuế chưa thanh toán. Nếu tính cả gốc và tiền phạt chậm nộp, số tiền sẽ lên đến cả chục triệu đồng. Tra cứu lịch sử, số nợ này từ 2018, ghi nhận từ một doanh nghiệp trước đây chị từng cộng tác.
"Tôi trước đây có viết hộ cho họ một hồ sơ môi trường. Sau đó, họ có thanh toán tiền, và có yêu cầu tôi gửi căn cước công dân. Tuy nhiên, số tiền khi ấy chi trả chỉ là vài triệu đồng. Còn số tiền trong ứng dụng eTax ghi nhận, lại thông báo thu nhập doanh nghiệp đó chi trả là 106 triệu đồng. Chắc chắn doanh nghiệp đó đã tự tiện khai khống thu nhập của tôi để họ giảm nghĩa vụ thuế với nhà nước", chị Hà bức xúc.
Trường hợp chị Hà không phải là hiếm gặp. Thời gian qua, nhiều cá nhân có thu nhập từ nhiều nguồn, bỗng bị cơ quan thuế gửi thông báo truy thu thuế thu nhập cá nhân (TNCN) nhiều năm, với số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng; trong đó gần một nửa là tiền phạt và chậm nộp.
Đáng chú ý, không ít người vì vô tình chưa kê khai khoản thu nhập chỉ vài trăm nghìn đồng nhưng đã bị tính tiền chậm nộp lên tới hàng chục triệu đồng.
Về vấn đề này, đại diện Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cho hay, việc nợ thuế TNCN có thể do nhiều nguyên nhân.
Đó là người nộp thuế không chấp hành nộp vào ngân sách nhà nước. Người nộp thuế không thực hiện hoặc thực hiện kê khai không đúng nghĩa vụ thuế theo quy định (người nộp thuế có nhiều nguồn thu nhập nhưng người nộp thuế không nhớ các nguồn thu nhập hoặc không biết quy định người nộp thuế phải tự thực hiện quyết toán nên cuối năm đã ủy quyền cho công ty chi trả thu nhập thực hiện quyết toán thay...).
Cũng có nguyên nhân là người nộp thuế đã thực hiện ủy quyền cho công ty chi trả thu nhập, nhưng khi công ty gửi sang cơ quan thuế lại không tích vào ô ủy quyền quyết toán... Ngoài ra, có thể có nhiều nguyên nhân khác tùy vào từng trường hợp cụ thể.
Theo đại diện Tổng cục Thuế, tình trạng “bỗng dưng nợ thuế” hàng trăm triệu đồng có thể có trường hợp người nộp thuế bị doanh nghiệp gian lận sử dụng mã số thuế để khai khống chi phí.
Hiện nay, đối với người nộp thuế là cá nhân có tiền thuế nợ sẽ được nhận thông báo nợ thuế qua email đã cung cấp cho cơ quan thuế, tài khoản thuế điện tử đã đăng ký. Trường hợp không cung cấp email, không đăng ký tài khoản thuế điện tử thì cơ quan thuế sẽ gửi thông báo nợ thuế bằng bản giấy qua đường bưu chính.
Để cá nhân nộp thuế kịp thời, không bị nợ tiền thuế, cơ quan thuế đã tích cực tuyên truyền đến người nộp thuế chủ động thực hiện cài đặt, đăng ký sử dụng ứng dụng eTax Mobile, cung cấp thông tin email và kịp thời cập nhật các thông tin mới nhất cho cơ quan thuế để người nộp thuế có thể kịp thời nắm được thông tin về tình hình nợ thuế.
Thêm nữa, cơ quan thuế cũng đẩy mạnh tuyên truyền các quy định về các trường hợp bị tính tiền chậm nộp, ban hành thông báo nợ thuế, bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế nợ thuế, các trường hợp tạm hoãn xuất cảnh... để người nộp thuế hiểu và thực hiện đúng theo quy định.
Đại diện Tổng cục Thuế khẳng định việc tra cứu thường xuyên số nợ thuế sẽ giúp người nộp thuế phát hiện kịp thời số liệu bất thường để liên hệ với cơ quan thuế kiểm tra, điều chỉnh (nếu có sai sót).
Thu thuế thu nhập cá nhân tăng mạnh
Tổng cục Thuế thông tin, thuế TNCN trong 7 tháng đầu năm nay đạt 117.337 tỷ đồng, bằng 73,7% so với dự toán và tăng 17,7% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, thuế thu nhập từ tiền lương, tiền công đạt 80.803 tỷ đồng, tăng 11%; thuế thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản, nhận thừa kế và nhận quà tặng là bất động sản đạt 16.335 tỷ đồng, tăng 66,3%; thuế thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán đạt 3.663 tỷ đồng, tăng 36%.
Theo đại diện Tổng cục Thuế, sở dĩ thuế TNCN 7 tháng đầu năm nay đạt khá là do kinh tế nửa đầu năm nay hồi phục tích cực, thị trường chứng khoán, bất động sản có bước hồi phục khá theo đà hồi phục của nền kinh tế.
Cùng với đó, những tháng đầu năm 2024, ngành thuế đã triển khai có hiệu quả nhiều biện pháp quản lý thu như: chỉ đạo quyết liệt công tác quản lý thu thuế TNCN thông qua việc tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ thuế.
Đồng thời, ngành thuế cũng đẩy mạnh khai thác tăng thu thuế TNCN của cá nhân kinh doanh số, thương mại điện tử, tiếp thị liên kết (affiliate marketing), cá nhân kinh doanh online, phát video trực tiếp (livestream) bán hàng; đẩy mạnh khai thác tăng thu, chống thất thu trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản đã góp phần tăng thu thuế TNCN.
Đại diện Tổng cục Thuế cũng cho biết, năm 2023, chính sách thuế TNCN đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công duy trì ổn định, không có thay đổi làm ảnh hưởng đến số thu.
Kết quả thu 7 tháng năm nay tăng trưởng đều (tăng 11% so với cùng kỳ) là do tình hình kinh tế có xu hướng tích cực, tăng trưởng sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Đáng chú ý, thị trường lao động có nhiều chuyển biến, lực lượng lao động, số người có việc làm quý II/2024 tăng so với quý trước và tăng so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, thu nhập bình quân tháng của người lao động quý II/2024 là 7,5 triệu đồng, tăng 490.000 đồng so với cùng kỳ năm trước.
So với cùng kỳ năm trước, tốc độ tăng thu nhập bình quân tháng của người lao động quý II/2024 (đạt 7%) gấp 1,3 lần tốc độ tăng thu nhập bình quân của quý II/2023 (đạt 5,4%).
Ngành thuế đã triển khai nhiều giải pháp quản lý và chống thất thu thuế như: tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số, hiện đại hóa công tác thu nộp thuế TNCN (đẩy mạnh ứng dụng kê khai, nộp thuế điện tử như eTax Mobile, Icanhan); tăng cường công tác tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ thuế TNCN (kê khai, quyết toán thuế); đẩy mạnh rà soát tăng thu thuế TNCN đối với cá nhân có nhiều nguồn thu nhập; nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống, quy trình quản lý thu nộp.