Lý do các hãng túi cao cấp chuyển sang 'da' làm từ thực vật
Từ Coach cho đến Hermès, ngày càng có nhiều thương hiệu xa xỉ chuyển sang sử dụng rác thải để sản xuất phụ kiện cao cấp. Vậy nguyên nhân dẫn đến xu hướng này là gì?
Liệu bạn có sẵn lòng chi 435 USD để mua chiếc túi làm từ da vụn thu thập tại sàn nhà máy không? Thương hiệu thời trang Mỹ Coach đang đặt cược vào chiến lược mới để thu hút thế hệ tiếp theo người tiêu dùng hàng xa xỉ. Thế hệ người tiêu dùng Gen Z cũng là đối tượng được nhiều nhãn hiệu thời trang khác quan tâm.
Trong tháng 4 này, Coach đã ra mắt Coachtopia – một thương hiệu phụ tập trung vào thủ công và có nhiều sản phẩm túi được làm từ loại da thuộc nhóm thải loại.
Cách đây 2 thập niên, những mẫu túi được ưa chuộng nhất thường làm từ da động vật quý hiếm và kỳ lạ, chẳng hạn như Hermès Birkin da cá sấu. Đến năm 2023, đã có thay đổi mạnh mẽ với rất nhiều lựa chọn thay thế da và sự xuất hiện xu hướng tái chế.
Chiếc túi 100% chất liệu giả da gốc thực vật của thương hiệu Telfar vào năm 2020 đã kích hoạt xu hướng này.
Trong tháng 4 này, nhãn hiệu thời trang Đan Mạch Ganni đã ra mắt chiếc túi làm từ rác thải tại nông trại trồng cam và xương rồng. Hermès cũng đã thử nghiệm chất liệu giả da từ nấm.
Nhà thiết kế thời trang người Anh Stella McCartney đã ra mắt bộ sưu tập mới nhất của cô vào tháng 3, trong đó có những chiếc túi làm từ phế phẩm của những quả táo được sử dụng để ép nước và sản xuất mứt tại miền Bắc Italy.
Gen Z - những người sinh từ năm 1997 đến 2012 - đang thúc đẩy “cuộc nổi dậy” chống lại việc tạo ra nhiều da động vật hơn. Theo nghiên cứu của công ty McKinsey (Mỹ), cứ 10 người tiêu dùng Gen Z được hỏi thì có 9 người tin rằng các công ty có trách nhiệm giải quyết các vấn đề về môi trường và xã hội trong khi 54% sẵn sàng chi thêm 10% cho các sản phẩm bền vững. Kết quả này phản ánh tương phản rõ rệt với những người thuộc thế hệ sinh từ năm 1946 đến 1964 khi chỉ có 23% người được hỏi sẵn sàng chi thêm tiền.
Phó Chủ tịch cấp cao phụ trách tiếp thị toàn cầu, sáng tạo và phát triển bền vững của Coach, cô Joon Silverstein cho biết theo nghiên cứu của công ty, những người tiêu dùng hàng xa xỉ thế hệ trước có xu hướng coi các món đồ làm từ da tái chế là chất lượng thấp. Cô Silverstein nhận định: “Thế hệ Z có suy nghĩ khác – họ coi đó là vấn đề đạo đức”.
Và mặc dù việc sử dụng từ “phế liệu” thường không được các hãng thời trang cao cấp chấp nhận, nhưng ông Silverstein tự tin rằng người tiêu dùng Gen Z của Coach sẽ không bận tâm đến điều này. Cô so sánh nó với việc lựa chọn một chai nhựa hoàn toàn mới thay vì một chai tái chế từ cùng một kệ hàng.