Lý do cần giữ hội đồng trường ở các trường đại học thành viên

Nhiều ý kiến từ giới chuyên gia và lãnh đạo các trường đại học cho rằng việc duy trì hội đồng trường ở cấp trường thành viên là thiết yếu để bảo đảm tính linh hoạt, khả năng tự chủ chiến lược và phù hợp với thực tiễn quản trị đại học.

Chiều 10-7, báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức Tọa đàm “Góp ý dự thảo Luật Giáo dục đại học (ĐH): Giữ hay bỏ hội đồng trường hai cấp?”.

Cách gọi mô hình hội đồng trường “hai cấp” chưa chính xác

Phát biểu tại tọa đàm, PGS-TS Đoàn Thị Phương Diệp (ảnh nhỏ), Trưởng phòng Thanh tra pháp chế Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TP.HCM, chia sẻ thiết chế hội đồng trường đã được xác lập rõ ràng từ Luật Giáo dục ĐH ban hành năm 2012 và sửa đổi, bổ sung vào năm 2018.

Nghị định 186/2013/NĐ-CP (đang được sửa đổi) quy định ĐH Quốc gia là cơ sở giáo dục công lập tổ hợp nhiều trường ĐH, học viện, viện nghiên cứu… và được tổ chức theo mô hình hai cấp. Cụ thể, ở cấp ĐH Quốc gia có hội đồng ĐH, ở cấp các trường thành viên có hội đồng trường.

Nếu Điều 13 dự thảo Luật Giáo dục ĐH (sửa đổi) được thông qua và bỏ hội đồng trường thì việc “đẩy” toàn bộ chức năng đó lên hội đồng ĐH là bất khả thi - vừa trái thực tiễn vừa không phù hợp với quy định pháp luật hiện hành.

“Tuy nhiên, tôi cho rằng khái niệm “hai cấp” chỉ đúng về mặt hành chính. Về bản chất, mối quan hệ giữa hội đồng ĐH và hội đồng trường không phải là quan hệ cấp trên - cấp dưới theo logic quản lý nhà nước. Đây là điểm quan trọng cần làm rõ để tránh hiểu nhầm rằng hội đồng ĐH có thể thay thế vai trò của hội đồng trường” - PGS-TS Phương Diệp nói.

Theo PGS-TS Phương Diệp, hội đồng trường là cơ quan quản trị cao nhất tại mỗi trường thành viên, có quyền quyết định chiến lược, kế hoạch phát triển, tổ chức bộ máy, quy chế tài chính, tuyển sinh, mở ngành, liên kết đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế…

 Các đại biểu trao đổi bên lề buổi tọa đàm. Ảnh: NGUYỆT NHI

Các đại biểu trao đổi bên lề buổi tọa đàm. Ảnh: NGUYỆT NHI

Hội đồng trường cũng giám sát hoạt động của ban giám hiệu và các quyết định quản lý lớn. Tất cả vấn đề lớn liên quan đến thu nhập của một trường, các hoạt động vận hành, chi tiêu tài chính cho trường ĐH đều được quyết định bởi hội đồng trường. Trong khi đó, hội đồng ĐH chủ yếu tập trung ở tầm chiến lược cấp hệ thống, không trực tiếp giám sát hay quản trị từng trường thành viên. Hội đồng trường đi vào thực tế tất cả công việc liên quan đến sự vận hành của trường ĐH, còn hội đồng ĐH quan tâm đến quyết định chiến lược, phát triển của ĐH.

“Nếu Điều 13 dự thảo Luật Giáo dục ĐH (sửa đổi) được thông qua và bỏ hội đồng trường thì việc “đẩy” toàn bộ chức năng đó lên hội đồng ĐH là bất khả thi - vừa trái thực tiễn vừa không phù hợp với quy định pháp luật hiện hành” - PGS-TS Phương Diệp nói.

Luật Giáo dục ĐH của Việt Nam hiện hành là sự kết hợp hài hòa giữa hai mô hình vừa có yếu tố quản trị, vừa có vai trò giám sát - phản biện - kết nối cộng đồng. Đây là một cấu trúc tiến bộ, cần được phát huy thay vì xóa bỏ.

“Luật năm 2018 đã xác định rõ hội đồng trường là tổ chức quản trị cao nhất tại mỗi trường ĐH. Thiết chế này không gây tốn kém, vì không hoạt động thường trực. Tuy nhiên, nó tạo ra một “lực đối trọng” cần thiết để giám sát hiệu quả ban giám hiệu, đảm bảo sự minh bạch và nâng cao chất lượng quản trị” - PGS-TS Phương Diệp chia sẻ.

Cần đánh giá tổng thể hoạt động của hội đồng trường

Đồng quan điểm, GS-TS Lê Minh Phương, Chủ tịch hội đồng Trường ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TP.HCM, nêu ý kiến: Thực hiện Luật Giáo dục ĐH sửa đổi năm 2018, giai đoạn 2020-2024 là giai đoạn đầu tiên mà các trường ĐH công lập (trong đó có trường thành viên ĐH quốc gia) thành lập hội đồng trường và thực hiện tự chủ toàn diện.

“Tuy nhiên, chúng ta chưa có báo cáo tổng kết đánh giá năm năm thực hiện tự chủ ĐH từ cấp bộ hoặc Chính phủ; chưa khảo sát rộng rãi và minh bạch với các trường thành viên, giảng viên, sinh viên; chưa công bố học thuật hoặc nghiên cứu độc lập từ các viện nghiên cứu chính sách hoặc tổ chức chuyên môn... mà dự thảo luật năm 2025 đã đề xuất loại bỏ hội đồng trường” - GS-TS Lê Minh Phương nhận xét.

Từ thực tế trên, GS-TS Lê Minh Phương đề xuất Bộ GD&ĐT phối hợp với các viện nghiên cứu chính sách giáo dục tiến hành tổng kết năm năm thực hiện tự chủ theo luật năm 2018; tổ chức khảo sát đa đối tượng; công bố báo cáo khoa học đánh giá hiệu quả vận hành hội đồng trường; chỉ nên sửa luật sau khi có dữ liệu, phân tích, phản biện khoa học.

Tương tự, PGS-TS Lê Vũ Nam, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TP.HCM, cũng cho rằng cần tiếp tục duy trì hội đồng trường trong các trường thành viên của ĐH quốc gia và ĐH vùng. Bởi lẽ, từ các chủ trương của Đảng, Nhà nước đều khẳng định: “Phát triển GD&ĐT cùng với khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu” vì vậy, việc sửa đổi các đạo luật phải hết sức thận trọng, tuân theo quy trình cụ thể.

Theo PGS-TS Lê Vũ Nam, nếu loại bỏ hội đồng trường trong các trường thành viên của ĐH quốc gia, ĐH vùng sẽ tạo ra sự khác biệt đáng kể giữa các trường này so với các trường ngoài ĐH quốc gia, ĐH vùng trong việc tiếp cận mô hình quản trị tiên tiến và hiện đại, tác động không nhỏ đến vai trò dẫn dắt, nòng cốt của ĐH quốc gia trong hệ giống giáo dục ĐH của Việt Nam.

Ngoài ra, PGS-TS Lê Vũ Nam nêu cần bổ sung ba ý vào dự thảo sửa đổi Luật Giáo dục ĐH.

Thứ nhất, cần xác định rõ và luật hóa vai trò của Đảng ủy, hội đồng trường và ban giám hiệu vì vấn đề này khi thực hiện ở giai đoạn đầu của Luật Giáo dục ĐH (sửa đổi) năm 2018 có lúng túng, dù sau đó có được xử lý nhưng về mặt luật vẫn chưa được luật hóa.

Thứ hai, để hội đồng trường hoạt động hiệu quả hơn và chủ động hơn, cần bổ sung thêm chức năng thực hiện cơ chế chất vấn của hội đồng trường đối với ban giám hiệu, yêu cầu giải trình, yêu cầu chất vấn chứ không phải chờ ban giám hiệu trình cái gì thì thông qua cái đó.

Ở đâu có tự chủ ĐH thì ở đó cần có hội đồng trường

Luật Giáo dục ĐH năm 2018 là một bước ngoặt quan trọng đối với hội đồng trường, tạo ra sự thay đổi về bản chất hoạt động, đặc biệt là thúc đẩy tự chủ ĐH, trong đó phát huy vai trò của hội đồng trường để hội đồng này có thực quyền.

Theo tôi, nếu bỏ hội đồng trường ở các trường thành viên, chỉ còn các trường chuyên ngành nhỏ lẻ sẽ không phát huy được thế mạnh và đi ngược lại với tinh thần tự chủ ĐH. Nếu dự thảo luật muốn quay lại thời kỳ trước năm 2003, giảm vai trò hội đồng trường, tôi nghĩ nên bỏ hẳn thiết chế hội đồng trường thay vì giữ một thiết chế không có quyền hạn và vai trò rõ ràng trong dự thảo luật.

Tôi cho rằng ở đâu có tự chủ ĐH thì ở đó cần có hội đồng trường. Một trường ĐH không có hội đồng trường thì không thể xem là có quyền tự chủ một cách đúng nguyên tắc. Trường ĐH nào đủ năng lực để lớn mạnh thì phải được trao quyền tự chủ.

TS NGUYỄN THỊ KIM PHỤNG, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT

Thứ ba, cần quy định nguồn kinh phí hoạt động của hội đồng trường lấy từ cơ sở đào tạo để đảm bảo sự rõ ràng vì hội đồng trường đang thực hiện vai trò quản trị, giám sát của đơn vị.•

PGS-TS LÊ THỊ NGỌC ĐIỆP, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc gia TP.HCM:

Bỏ qua vai trò của hội đồng trường sẽ triệt tiêu năng lực tự chủ nội bộ

Hội đồng trường là cơ quan quyết định các chủ trương, chính sách trong hoạt động của nhà trường. Nếu bỏ qua vai trò quản trị quan trọng này có lẽ sẽ triệt tiêu năng lực tự chủ nội bộ, đồng thời đi ngược với xu hướng phát triển hệ thống ĐH tiên tiến trên thế giới mà Việt Nam đang hướng tới.

Việc duy trì hội đồng trường tại mỗi trường thành viên giúp các trường chủ động, linh hoạt, nhanh chóng trong việc đưa ra các quyết định, chiến lược quan trọng, mà không phải phụ thuộc quá nhiều vào hội đồng ĐH quốc gia. Đồng thời, cũng không đặt trách nhiệm, áp lực lớn lên các thành viên của hội đồng ĐH quốc gia khi đưa ra quyết định cho các trường thành viên, mà mỗi trường có đặc thù riêng.

Theo quy định hiện nay, hội đồng trường ngoài sự tham gia của các thành phần cốt cán như bí thư, hiệu trưởng, chủ tịch công đoàn thì còn có đại diện giảng viên, sinh viên và đặc biệt là cựu sinh viên, doanh nghiệp. Việc giữ nguyên mô hình hội đồng trường đảm bảo được ý kiến, tiếng nói của đa dạng các thành phần, phản ánh được những vấn đề thực tiễn trong quá trình tổ chức và hoạt động, tăng cường tính gắn kết và quản trị.

Nếu chúng ta chưa có sự tổng kết đánh giá nào về vận hành của mô hình này mà đã thay đổi sẽ dẫn đến những bất ổn khi triển khai vào thực tế.

PGS-TS ĐINH ĐỨC ANH VŨ, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế, ĐH Quốc gia TP.HCM:

Nên tập trung phân định rõ mối quan hệ, vai trò và trách nhiệm

Hội đồng trường của từng trường thành viên nên được thiết kế sao cho gắn liền với đặc điểm và định hướng chiến lược riêng của từng trường, từ đó có thể hỗ trợ tốt hơn trong công tác quản trị và vận hành.

Hội đồng của ĐH Quốc gia hoạt động ở tầm vĩ mô, khó có thể bao quát hết tất cả đặc thù chuyên biệt của từng trường thành viên. Hơn nữa, cơ chế hoạt động của hội đồng ĐH Quốc gia cũng theo kỳ họp định kỳ và có giới hạn nhất định nên không thể giải quyết được hết các yêu cầu chiến lược riêng biệt của từng trường.

“Thay vì đặt câu hỏi rằng “nên giữ hay bỏ hội đồng trường” đối với các trường ĐH thành viên trong ĐH Quốc gia hay các ĐH vùng thì ban soạn thảo Luật Giáo dục ĐH nên tập trung theo hướng phân định rõ ràng trách nhiệm và mối quan hệ giữa hội đồng ĐH quốc gia và hội đồng trường của từng trường thành viên.

PGS-TS NGUYỄN LƯU THÙY NGÂN, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ thông tin, ĐH Quốc gia TP.HCM:

Cơ chế tự chủ và hội đồng trường giúp giảm tình trạng “chảy máu chất xám”

Lợi ích rõ nét nhất của việc chuyển sang cơ chế tự chủ và có sự hiện diện của hội đồng trường là đã giúp giảm tình trạng “chảy máu chất xám”, giữ chân được các nhà khoa học giỏi, từ đó tạo điều kiện cho nhà trường phát triển nhanh, bền vững.

Việc duy trì hội đồng trường với sự tham gia của nhiều thành phần, đặc biệt là từ doanh nghiệp và các lĩnh vực liên quan sẽ giúp các hiệu trưởng có thêm góc nhìn đa chiều, từ đó đưa ra những quyết sách toàn diện và thực tiễn hơn.

PGS-TS ĐOÀN ĐỨC LƯƠNG, Hiệu trưởng Trường ĐH Luật - ĐH Huế:

Hội đồng trường là thiết chế không thể thiếu

Hội đồng trường ở các trường ĐH thành viên là một thiết chế không thể thiếu. Thực tiễn năm năm qua cho thấy hội đồng trường của các trường ĐH thành viên đã phát huy hiệu quả, giúp nhiều trường khẳng định thương hiệu và đạt tự chủ tài chính nhóm 1, nhóm 2.

Việc không tổ chức hội đồng trường sẽ tạo ra nguy cơ làm mờ ranh giới giữa điều phối chiến lược của ĐH quốc gia/vùng và điều hành tác nghiệp của trường thành viên. Điều này có thể khiến các ĐH lớn “dấn sâu vào các công việc vốn rất đa dạng và đặc thù” của các trường thành viên, làm mất đi vai trò chiến lược của mình.

PGS-TS TRẦN VĂN ĐẠT, Chủ tịch hội đồng Trường ĐH An Giang, ĐH Quốc gia TP.HCM:

Làm rõ vai trò quyền hạn của hội đồng trường

Trong dự thảo luật sửa đổi, cần làm rõ hơn vai trò, trách nhiệm, quyền hạn và cách thức vận hành của hội đồng trường, nhằm phát huy thực chất vai trò quản trị của cơ quan này, đảm bảo công tác quản trị ĐH theo mô hình hiện đại.

Tôi cho rằng việc giữ lại hội đồng trường là cách duy nhất để đảm bảo các trường ĐH có một cấu trúc minh bạch, phân quyền hợp lý, từ đó thúc đẩy tiến trình tự chủ thực chất. Nếu bỏ hội đồng trường, tôi không rõ khối lượng công việc sẽ được chuyển về đâu và liệu hội đồng ĐH có đủ khả năng đảm nhận tất cả nhiệm vụ vốn dĩ nên được thực hiện ở cấp trường hay không?

NGUYỄN QUYÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/ly-do-can-giu-hoi-dong-truong-o-cac-truong-dai-hoc-thanh-vien-post859772.html