Lý do chỉ số phát triển về du lịch Việt tụt hạng so với thế giới

Những chỉ số phát triển du lịch là một phần quan trọng trong việc phát triển bền vững của một quốc gia, vì thế đòi hỏi du lịch Việt Nam phải đặt ra hướng đi phù hợp cho tương lai.

Mới đây, Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) đã có đánh giá về chỉ số phát triển du lịch và lữ hành (TTDI), đáng chú ý là chỉ số xếp hạng tác động kinh tế - xã hội của du lịch Việt Nam đứng thứ 115/119 trên thế giới, gần cuối bảng xếp hạng.

“Chưa phản ánh thật sự chính xác tác động của du lịch Việt”

Theo WEF, chỉ số TTDI của Việt Nam năm 2023 xếp thứ 59, giảm 7 bậc so với năm 2021. Một số chỉ số tụt hạng mạnh như hạ tầng hàng không giảm 17 bậc, sự bền vững về nhu cầu du lịch giảm 24 bậc. Ngoài ra, chỉ số có điểm thấp nhất là hạ tầng dịch vụ du lịch (2,2 điểm, hạng 80/119).

Về các chỉ số tốt nhất của ngành du lịch Việt Nam là giá cả cạnh tranh (5,68 điểm, hạng 16), an ninh an toàn (6,19 điểm, hạng 23). Chỉ số trong nhóm tài nguyên du lịch và lữ hành được đánh giá cao như chỉ số tài nguyên thiên nhiên (hạng 26), tài nguyên văn hóa (hạng 28) và tài nguyên khác ngoài giải trí, nghỉ dưỡng (hạng 38).

TTDI là bản nâng cấp của chỉ số cạnh tranh du lịch của WEF, đánh giá 119 nền kinh tế trên thế giới. Hai năm WEF sẽ công bố các chỉ số một lần.

Ngay sau khi có đánh giá này, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã lên tiếng: Kết quả xếp hạng chỉ số này chưa phản ánh thật sự chính xác tác động của du lịch Việt Nam đến phát triển kinh tế - xã hội, có thể do Diễn đàn WEF chưa có đầy đủ dữ liệu thống kê cập nhật về du lịch Việt Nam.

Dẫn chứng về điều này, Cục Du lịch Quốc gia cho biết, chỉ số “Mức độ mở cửa du lịch” của Việt Nam xếp hạng 80, trong nhóm trung bình thấp của thế giới. Trong đó có chỉ số về "yêu cầu về thị thực nhập cảnh" được đánh giá dựa trên báo cáo của Tổ chức Du lịch thế giới về Độ mở Thị thực năm 2015 là đã lạc hậu, chưa phản ánh được sự cải thiện lớn về chính sách thị thực của Việt Nam vừa qua.

Điển hình như từ ngày 15-8-2023, Việt Nam áp dụng chính sách thị thực điện tử mới, nâng thời gian tạm trú từ 30 lên 90 ngày và nâng thời hạn tạm trú từ 15 lên 45 ngày cho công dân các nước được miễn thị thực. Theo đánh giá, đây là bước đột phá về tạo thuận lợi cho đi lại du lịch, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, đã tạo động lực quan trọng cho sự phục hồi mạnh mẽ khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.

Đề cập đến phương hướng nâng cao chỉ số phát triển du lịch và lữ hành, ngành Du lịch Việt Nam cần phối hợp với các cơ quan liên quan cung cấp đầy đủ số liệu cập nhật về du lịch cho WEF nhằm đánh giá đúng hơn tác động kinh tế - xã hội của du lịch.

 Ngành Du lịch Việt Nam cần phát triển thêm tour du lịch, sản phẩm du lịch hấp dẫn, tạo sự khác biệt. Ảnh: TT

Ngành Du lịch Việt Nam cần phát triển thêm tour du lịch, sản phẩm du lịch hấp dẫn, tạo sự khác biệt. Ảnh: TT

Làm gì để nâng cao chỉ số phát triển du lịch?

Đại diện Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cho biết, về chỉ số hàng không tụt hạng, Cục kiến nghị ngành hàng không tiếp tục nâng cao năng lực phục vụ vận tải hành khách, cải thiện chất lượng dịch vụ, tăng số lượng ghế cung ứng, mở rộng kết nối mạng bay trong và ngoài nước, giảm giá vé máy bay… Đồng thời, để đáp ứng nhu cầu du khách quanh năm để giảm tính mùa vụ của du lịch quốc tế, ngành Du lịch cần phát triển thêm tour du lịch, sản phẩm du lịch hấp dẫn, đa dạng hóa sản phẩm.

Đặc biệt, các địa phương cần vào cuộc mạnh mẽ triển khai biện pháp bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp và văn minh theo phương châm của Nghị quyết 82 của Chính phủ.

Bên cạnh đó, ngành du lịch quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn năng lực, đẩy nhanh chuyển đổi số theo hướng hệ sinh thái thông minh đồng bộ.

 Ngành Du lịch cần phát triển thêm tour du lịch, sản phẩm du lịch hấp dẫn, đa dạng hóa sản phẩm. Ảnh: THU TRINH

Ngành Du lịch cần phát triển thêm tour du lịch, sản phẩm du lịch hấp dẫn, đa dạng hóa sản phẩm. Ảnh: THU TRINH

TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch (Cục Du lịch Quốc gia), cho hay thông qua các chỉ số cho thấy ngành du lịch Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức.

Theo TS Lương, du lịch Việt Nam trong thời gian gần đây vẫn còn nhiều hạn chế, chưa phản ánh đúng tiềm năng và thế mạnh của nền du lịch. Sản phẩm du lịch chưa thực sự hấp dẫn và chưa đạt được sự khác biệt trong việc phát triển thị trường, vẫn phụ thuộc quá nhiều vào một số thị trường nguồn.

Về cơ sở vật chất kỹ thuật và hạ tầng phục vụ du lịch, đã có nhiều cải thiện, nhưng chất lượng vẫn chưa đạt yêu cầu và thiếu tính đồng bộ. Nguồn nhân lực trong ngành du lịch hiện vừa thiếu vừa yếu.

Để giải quyết vấn đề này, TS Lương đề xuất Việt Nam cần thiết lập chính sách hàng không "mở cửa bầu trời", tạo điều kiện cho các hãng hàng không trong nước và quốc tế mở các đường bay trực tiếp kết nối Việt Nam với các thị trường mục tiêu và thị trường tiềm năng. Đồng thời, cần loại bỏ hình thức kinh doanh "tour giá rẻ" và tour "0 đồng", để tạo môi trường kinh doanh du lịch cạnh tranh bình đẳng.

Đối với chỉ số thấp nhất liên quan đến hạ tầng du lịch, TS Lương cho rằng ngành Du lịch cần phối hợp với các ngành liên quan để phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch và hạ tầng dịch vụ, đặc biệt là các cơ sở lưu trú và cơ sở vui chơi giải trí. Đồng thời, cần đẩy mạnh phát triển các khu nghỉ dưỡng cao cấp, có thương hiệu và cạnh tranh quốc tế tại các khu du lịch trọng điểm.

Theo các chuyên gia, việc đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh của du lịch là một phần quan trọng trong việc phát triển bền vững của một quốc gia.

Ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch Lửa Việt tour cho hay, đây là thời điểm cần thiết để phân tích và đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh các điểm đến du lịch của Việt Nam. Dù phải qua nhiều thách thức nhưng điều quan trọng là phải đặt ra hướng đi phù hợp cho tương lai.

Du lịch Việt cần có những quan tâm, đầu tư xứng đáng để khắc phục dần các hạn chế, nhất là về cơ sở hạ tầng. Cùng với đó là phát huy các thế mạnh, khi đó sẽ giúp du lịch Việt có năng lực cạnh tranh cao. Du lịch bền vững cần kết hợp giữa việc bảo tồn các giá trị văn hóa và thiên nhiên độc đáo của mỗi điểm đến và việc phát triển du lịch.

4 nhiệm vụ năm 2024 của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam

Năm 2024, ngành Du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 17-18 triệu lượt khách quốc tế; phục vụ 110 triệu lượt khách nội địa. Tổng thu từ du lịch đạt khoảng 840.000 tỉ đồng.

Bước sang năm 2024, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng đã yêu cầu Cục Du lịch Quốc gia bốn nhiệm vụ.

Đầu tiên là, Cục cần tiếp tục tập trung tham mưu hoàn thiện thể chế, chính sách, rà soát các điểm bất cập cần điều chỉnh, các cam kết quốc tế trong lĩnh vực du lịch, liên kết với các bộ, ngành để kiến tạo chính sách phát triển các loại hình sản phẩm du lịch mới.

Thứ hai, Cục tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực du lịch; tập trung tăng cường công tác thống kê du lịch, chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả thống kê, cung cấp số liệu tốt…

Tiếp đến là Cục tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tình hình mới về ngoại ngữ, công nghệ…

Cuối cùng, để đẩy mạnh công tác xúc tiến quảng bá du lịch trên cơ sở Cục Du lịch Quốc gia phối hợp chặt chẽ với Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch; xây dựng kế hoạch xúc tiến quảng bá trong cả năm và chủ động…

THU TRINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/ly-do-chi-so-phat-trien-ve-du-lich-viet-tut-hang-so-voi-the-gioi-post792810.html