Lý do chọn về nước cống hiến vừa giản dị vừa đặc biệt của giảng viên 9X
Là chủ sở hữu 1 kênh Tiktok với khoảng 19 nghìn follow, giảng viên trẻ dùng nó để chia sẻ những kiến thức và truyền cảm hứng cho sinh viên.
Sở hữu hai bằng cử nhân về công nghệ thông tin và kinh doanh điện tử tại Singapore, một bằng thạc sĩ ngành Khoa học Quản lý tại Anh và có gần 8 năm học tập và làm việc tại đảo quốc Sư tử (từ năm 2011 đến 2019) nhưng chàng trai trẻ Trần Nhật Pháp (sinh năm 1992, quê Đà Nẵng) vẫn chọn con đường quay về để trở thành giảng viên khoa Thương mại điện tử (Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng). Với anh, lý do để quay về vừa giản dị vừa đặc biệt.
Lựa chọn trở về
Với thành tích học tập xuất sắc trong những năm phổ thông, năm 2011, chàng trai xứ biển quyết định đi du học Singapore. Những ngày sống và học tập nơi xứ người của Pháp không chỉ vùi đầu vào “kho” kiến thức về IT, kinh doanh… mà còn đầy sôi nổi, nhiệt huyết với nhiều hoạt động xã hội, cộng đồng.
Ngày ấy, chàng du học sinh Việt đã cùng với nhóm bạn thành lập “Hội người Việt Nam tại Singapore” với hơn 10.000 thành viên.
Có nơi sinh hoạt cộng đồng, Pháp đã cùng với các thành viên trong hội thường xuyên tổ chức các lớp học tiếng Anh miễn phí cho người Việt, chia sẻ, hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam khi gặp khó khăn, hoạn nạn tại nơi đất khách quê người.
Tưởng chừng như môi trường làm việc nhiều thuận lợi ở Singapore sẽ níu kéo bước chân của Pháp. Nhưng năm 2019, Pháp quyết định chọn trở về nước trước sự ngỡ ngàng của người thân, bạn bè.
Lí do để lựa chọn trở về của Trần Nhật Pháp vừa giản dị, vừa đặc biệt: “Môi trường làm việc và đời sống ở nước ngoài tốt. Nhưng bản thân tôi luôn hướng về Đà Nẵng, muốn đóng góp hay làm một việc gì đó ngay tại thành phố biển xinh đẹp này, cũng chính là quê hương tuổi thơ tôi.
Hơn nữa, mong muốn của tôi là muốn giúp các bạn sinh viên có thêm động lực để phát triển năng lực bản thân, qua đó góp phần phát triển quê hương, đất nước”.
Mang trong mình suy nghĩ cống hiến cho quê hương ấy, Pháp về nước và trở thành một giảng viên đại học.
“Những năm gần đây, các chính sách phát triển kinh tế thông thoáng hơn và Việt Nam cũng đã đạt được nhiều thành tựu. Điều này đã mở ra nhiều cơ hội hơn để cho thế hệ trẻ như tôi có thể học hỏi và phát triển bản thân.
Tôi quan niệm ở bất kỳ nơi đâu cũng có những ưu điểm và những hạn chế riêng. Quan trọng là mình biết cách thích nghi tốt và tìm thấy được cơ hội phù hợp với bản thân thì môi trường nào cũng có thể thành công được”, Pháp tâm sự.
Kiến thức về IT kết hợp với kỹ năng kinh doanh đưa Pháp trở thành một giảng viên “cứng” của khoa Thương mại điện tử (Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng), ngành nghề được xem là “hot” trên thị trường lao động hiện nay.
“Môi trường và tính chất công việc của tôi ở Đà Nẵng và Singapore có nhiều điểm khác nhau. Ở Singapore thì tôi chuyên làm dự án về IT, môi trường làm việc cũng tập trung lĩnh vực chuyên môn nhiều hơn.
Nhưng đối với nghề giáo thì khác, vừa đòi hỏi phải có kiến thức đa dạng nhiều ngành nghề hơn và môi trường làm việc tiếp xúc với nhiều đồng nghiệp và sinh viên nên cũng có nhiều khác biệt hơn.
Ban đầu, tôi cũng phải mất một thời gian để thích nghi với môi trường làm việc mới. Nhưng rồi việc được đến lớp gặp gỡ, chia sẻ với các bạn sinh viên đã trở thành niềm vui trong công việc của bản thân tôi”, thầy Pháp vui vẻ tâm sự.
Ứng dụng mạng xã hội để hình thành kênh truyền tải kiến thức hữu ích
Cũng từ đây, ngọn lửa đam mê giảng dạy của thầy giáo trẻ đã được thắp lên. Sự gắn bó với giảng đường, với học trò, mong muốn được truyền tải hết những kiến thức tinh hoa mà mình đã được học, được trải nghiệm khiến Pháp nghĩ ra nhiều cách giảng dạy cũng như các kênh truyền đạt kiến thức sinh động, hiệu quả.
“Những kiến thức, kỹ năng của mình mang đến cho học trò đều xuất phát từ yêu cầu thực tế của doanh nghiệp. Để khi các em ra trường không phải bỡ ngỡ mà có thể bắt tay vào làm việc một cách chuyên nghiệp”.
Pháp cũng chia sẻ thêm, lồng ghép trong những trang kiến thức khô khan có thể là những câu chuyện sinh động mà chính bản thân Pháp đã trải qua. Từ đấy, giảng viên gửi một thông điệp đến các bạn trẻ là hãy không ngừng học tập, trao dồi tri thức để làm chủ vận mệnh, cuộc đời mình.
“Tấm bằng đại học chưa phải là đích đến cuối cùng của tri thức và mục tiêu công việc, đó chỉ là một sự khởi đầu. Tinh thần tự học cả đời mới giúp các bạn đi đến thành công. Và hãy luôn nêu cao tinh thần nhiệt huyết, sáng tạo, cống hiến của tuổi trẻ để góp phần đưa hình ảnh của quê hương, đất nước vươn cao, vươn xa hơn.
Không sợ khó, không sợ khổ, không sợ thất bại, không chùn bước trước khó khăn. Chỉ cần các bạn khao khát đủ lớn, các bạn sẽ đạt được những điều mình mong muốn”, thầy Pháp nhắn nhủ.
Một điều thú vị là thầy Pháp cũng chính là chủ sở hữu một kênh Tiktok với khoảng 19 nghìn follow. Với những người trẻ ngày càng quan tâm đến các kênh mạng xã hội nhiều hơn, thầy Pháp cho rằng, giảng viên trẻ cũng phải là người hiểu được xu hướng của giới trẻ. Thông qua kênh này, thầy Pháp muốn kết nối, chia sẻ những kiến thức hữu ích, truyền cảm hứng và động lực cho các bạn sinh viên.
Một số thành tích nổi bật của giảng viên trẻ Trần Nhật Pháp:
Học bổng 80% của chính phủ Singapore;
Tốt nghiệp loại xuất sắc Đại học Cardiff Metropolitan (Anh Quốc);
Giấy khen của Thành Đoàn Thành phố Đà Nẵng vì có thành tích xuất sắc trong vai trò Phó Bí thư Đoàn trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng;
Giấy khen thành tích xuất sắc từ Công Đoàn Đại học Đà Nẵng...