Lý do chưa thể bỏ hoàn toàn giấy xác nhận cư trú

Do dữ liệu chưa liên thông nên khi thực hiện một số thủ tục hành chính, phường vẫn yêu cầu người dân phải có giấy xác nhận nơi cư trú.

Quá trình thực hiện quy định bỏ sổ hộ khẩu giấy (SHK) từ ngày 1-1-2023, tại một số địa phương chưa thật sự tạo thuận lợi cho người dân. Cụ thể, người dân vẫn còn phản ánh về những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện các thủ tục hành chính liên quan.

Tại phiên họp thứ năm của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và tổ công tác triển khai Đề án 06, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu thực hiện nghiêm quy định về bỏ SHK, tăng cường khai thác thông tin cư trú từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, không yêu cầu người dân cung cấp giấy xác nhận nơi cư trú trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính.

Vẫn cần giấy xác nhận cư trú

Theo ghi nhận của PV, ngày 27-2, ở một số UBND phường tại TP.HCM, khi người dân đến yêu cầu cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, cán bộ phường vẫn yêu cầu người dân cung cấp giấy xác nhận nơi cư trú.

Người dân đến UBND phường làm thủ tục xin giấy xác nhận tình trạng hôn nhân. Ảnh: HUỲNH THƠ

Người dân đến UBND phường làm thủ tục xin giấy xác nhận tình trạng hôn nhân. Ảnh: HUỲNH THƠ

Sáng 27-2, chị Lê Bảo Ngọc, ngụ quận Phú Nhuận, TP.HCM, đến UBND phường nơi chị cư trú để xin cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân.

Chị Ngọc chia sẻ: “Trong quá trình sinh sống, tôi đã chuyển đăng ký thường trú nhiều nơi. Trước đây, khi đi làm các thủ tục hành chính, để chứng minh nơi cư trú thì tôi chỉ cần mang SHK theo là được. Từ ngày bỏ SHK, để được cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân tôi vẫn phải đi xin giấy xác nhận nơi cư trú, như vậy thì cũng chưa tạo thuận lợi cho người dân”.

Anh NTN ở quận Tân Bình cho biết con anh đến tháng 8 này là vào lớp 1 và anh đang chuẩn bị hồ sơ nộp cho trường. Trước đây, nếu còn sử dụng SHK thì anh chỉ cần phôtô, công chứng SHK nộp kèm hồ sơ là con anh có thể được học trường đúng tuyến nơi cư trú. Tuy nhiên, hiện nay theo hướng dẫn thì anh phải bổ sung giấy xác nhận nơi cư trú thay cho SHK thì mới được giải quyết hồ sơ.

Trao đổi với PV, bà Trần Thị Diệu Hiền, Chủ tịch UBND phường 11, quận Phú Nhuận, cho biết từ khi bỏ SHK, hầu như phải cần đến giấy xác nhận cư trú để thực hiện một số thủ tục cho người dân. Tuy nhiên, phường luôn tạo điều kiện tối đa cho người dân, nếu cần những thông tin liên quan đến vấn đề hộ tịch, cư trú... phường sẽ liên hệ phía công an phường để xác minh.

“Khi xác nhận tình trạng hôn nhân, nếu người dân đã từng ở khá nhiều nơi thì buộc phải có giấy xác nhận nơi cư trú vì mình không thể biết khi ở địa phương khác họ đã kết hôn với ai chưa. Bên cạnh đó, một số trường hợp thực hiện thủ tục hộ tịch khác mà cũng di chuyển nhiều nơi thì cũng cần đến giấy xác nhận nơi cư trú” - bà Hiền thông tin.

Phối hợp công an để xác định thông tin cư trú

Liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính tại địa phương khi bỏ SHK, bà Trần Thị Huê, Chủ tịch UBND phường 10, quận Phú Nhuận, cho biết hiện nay việc thực hiện các thủ tục cho người dân liên quan đến việc xác nhận nơi cư trú là khó khăn chung trên địa bàn TP. Tuy nhiên, mỗi phường sẽ có biện pháp khắc phục khác nhau.

“UBND phường 10 đã chủ động phối hợp với Công an phường 10 để làm việc hiệu quả hơn. Cụ thể, đối với những thủ tục thông qua hình thức trực tuyến như kết hôn, khai tử, xác nhận tình trạng hôn nhân... thì mới cần giấy xác nhận nơi cư trú. Đối với những trường hợp người dân đến thực hiện một số các thủ tục hành chính trực tiếp tại phường thì không yêu cầu xuất trình giấy tờ chứng minh nơi cư trú mà phường sẽ tự liên hệ phía công an phường để xác minh” - bà Huê chia sẻ.

Trao đổi với PV, một công chứng viên tại văn phòng công chứng ở TP.HCM cho biết khi khách hàng đến thực hiện giao dịch dân sự như công chứng các hợp đồng về tài sản thì công chứng viên phải xác định được thông tin cư trú của các bên. Để xác định những thông tin cư trú, công chứng viên chỉ cần dùng máy quét mã trên CCCD gắn chip là biết chứ không yêu cầu khách hàng phải cung cấp giấy xác nhận nơi cư trú.

Tuy nhiên, đối với khách hàng nào chưa được cấp CCCD gắn chip mà còn sử dụng CCCD thường, CMND thì cần phải có giấy xác nhận nơi cư trú vì công chứng viên không khai thác được thông tin trên hai loại giấy tờ này.

“Để thuận tiện cho việc thực hiện các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự thì người dân cần đổi CCCD, CMND sang CCCD gắn chip. Bởi sau khi bỏ SHK thì CCCD gắn chip gần như thay thế luôn loại giấy tờ này” - vị công chứng viên này cho hay.

Thủ tục đơn giản thì không yêu cầu xác nhận cư trú

Ông Trần Thế Sơn, Chủ tịch UBND phường Thạch Thang, quận Hải Châu, Đà Nẵng, cho biết những thủ tục đơn giản thì phường chủ trương không yêu cầu người dân xác nhận nơi cư trú, chỉ cần gọi điện thoại xuống tổ dân phố để xác nhận người dân còn ở đó là được. Nhưng khi người dân làm giấy đăng ký kết hôn thì bắt buộc phải có giấy xác nhận nơi cư trú. Vì hiện nay phường không có dữ liệu nên phải xác minh.

Ông Sơn cho hay điều cần thiết nhất cho phường, xã lúc này là phải được đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin. Bên cạnh đó phải có máy quét dữ liệu trên CCCD vì dữ liệu cư trú bây giờ không có công an thì không làm được.

Theo Trung tá Trần Hữu Hùng, Trưởng Công an phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng, số lượng người dân yêu cầu xác nhận cư trú vẫn như trước đó chứ chưa giảm. Trường hợp cần gấp như để mai táng thì mình làm trong ngày có liền. Riêng xác nhận nơi cư trú theo quy định là ba ngày nhưng công an phường cố gắng làm nhanh nhất cho người dân, tạo điều kiện thuận lợi nhất.

Theo ông Hùng, một số thủ tục như vay vốn ngân hàng hay con cái đến tuổi đi học thì nhà trường yêu cầu phải có xác nhận nơi cư trú để chứng minh là đang sinh sống trên địa bàn, vì chưa liên thông dữ liệu được. TẤN VIỆT

NGUYỄN HIỀN - HUỲNH THƠ

Nguồn PLO: https://plo.vn/ly-do-chua-the-bo-hoan-toan-giay-xac-nhan-cu-tru-post721697.html