Lý do đặt tên cầu Thủ Thiêm và cầu Ba Son, TP.HCM

TP.HCM đặt tên cho 2 cây cầu bắc qua sông Sài Gòn lần lượt là Thủ Thiêm và Ba Son, để góp phần giáo dục truyền thống lịch sử - văn hóa, tăng cường sức hút đầu tư.

Sáng ngày 14-6, UBND TP.HCM tổ chức lễ công bố đặt tên cầu Thủ Thiêm và cầu Ba Son ở TP Thủ Đức.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức (bìa phải) tham dự lễ công bố đặt tên cầu Thủ Thiêm và cầu Ba Son. Ảnh: ĐÀO TRANG

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức (bìa phải) tham dự lễ công bố đặt tên cầu Thủ Thiêm và cầu Ba Son. Ảnh: ĐÀO TRANG

Cây cầu kết nối xưa và nay

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho biết: "Hôm nay, tôi rất vui mừng đến tham dự Lễ công bố đặt tên cầu Thủ Thiêm và cầu Ba Son. Địa danh Thủ Thiêm, Ba Son gắn với quá trình hình thành, phát triển của vùng đất Sài Gòn - TP.HCM và đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân TP.

Nghi thức gắn biển tên cầu Ba Son. Ảnh: ĐÀO TRANG

Nghi thức gắn biển tên cầu Ba Son. Ảnh: ĐÀO TRANG

Vì vậy, để lưu lại những giá trị lịch sử - văn hóa, năm 2022, UBND TP.HCM đã ban hành Quyết định bổ sung tên hai địa danh này vào Ngân hàng tên đường và công trình công cộng trên địa bàn TP. Đồng thời, HĐND TP đã thông qua Nghị quyết đặt tên cho hai cây cầu là Thủ Thiêm và Ba Son.

Việc dùng địa danh Thủ Thiêm và Ba Son để đặt tên 2 cây cầu bắc qua sông Sài Gòn không những mang ý nghĩa tạo sự kết nối giữa xưa và nay trong lòng đô thị mang tên Bác mà còn góp phần giáo dục truyền thống lịch sử - văn hóa, nâng cao tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc.

Cầu Ba Son hoạt động từ năm 2022, góp phần chia sẻ áp lực giao thông với các tuyến đường trong khu vực. Ảnh: ĐÀO TRANG

Cầu Ba Son hoạt động từ năm 2022, góp phần chia sẻ áp lực giao thông với các tuyến đường trong khu vực. Ảnh: ĐÀO TRANG

Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong các hoạt động giao dịch kinh tế, văn hóa - xã hội; tăng cường thu hút đầu tư, tạo sức hút để đảm bảo hoàn thành mục tiêu đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm trước năm 2030 theo Nghị quyết số 26 của Ban Chấp hành Đảng bộ TP."

Cầu Ba Son được kỳ vọng là điểm nhấn kiến trúc nổi bật trên sông Sài Gòn. Việc xây dựng công trình, đặt tên cầu Thủ Thiêm và cầu Ba Son có ý nghĩa to lớn đối việc phát triển khu phía Đông TP.HCM. Đồng thời, đây là niềm tự hào của người dân TP, qua đó góp phần hoàn thành các mục tiêu của Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức đề nghị các đơn vị tiếp tục duy tu, bảo trì để 2 cây cầu trở thành điểm đến hấp dẫn của TP. Ảnh: ĐÀO TRANG

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức đề nghị các đơn vị tiếp tục duy tu, bảo trì để 2 cây cầu trở thành điểm đến hấp dẫn của TP. Ảnh: ĐÀO TRANG

"Qua đây, tôi cũng đề nghị ngành giao thông vận tải TP thực hiện tốt công tác duy tu, bảo trì hệ thống hạ tầng kỹ thuật, chăm sóc cây xanh, vệ sinh môi trường để 2 công trình thực sự trở thành một điểm nhấn hài hòa trong không gian kiến trúc cảnh quan đô thị, luôn là một điểm đến hấp dẫn của TP" - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức nhấn mạnh.

Ý nghĩa tên Ba Son, Thủ Thiêm

Đại diện UBND TP Thủ Đức cũng lý giải rõ ý nghĩa của tên gọi Ba Son và Thủ Thiêm.

Theo đó, trong cuốn Sài Gòn năm xưa, học giả Vương Hồng Sển cho rằng tên gọi Ba Son là tên một đốc công (thợ nguội) tên “Son” con thứ ba, làm tại đây và được đặt tên cho sở là Ba Son. Hoặc được gọi trại từ “Bassin” trong “Bassin de radoub” (ụ tàu) thành Ba Son.

Theo các giả thuyết, Ba Son được ghi nhận là cái nôi của ngành công nghiệp đóng và sửa chữa tàu Việt Nam. Đồng thời là cái nôi của giai cấp và phong trào công nhân Việt Nam, tổ chức Công đoàn Việt Nam. Ba Son gắn liền với cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Tôn Đức Thắng.

Cầu Ba Son có tên gọi thay thế cầu Thủ Thiêm 2 trước đó. Ảnh: ĐÀO TRANG

Cầu Ba Son có tên gọi thay thế cầu Thủ Thiêm 2 trước đó. Ảnh: ĐÀO TRANG

Về tên gọi Thủ Thiêm, Nam Bộ có nhiều địa danh được cấu tạo theo công thức "Thủ + tên người".

Chuyện kể dân gian về ông thủ ngự, ông tên Thiêm (không biết họ) làm Thủ ngự - trưởng trạm thu thuế trên đoạn sông Sài Gòn. Ông là người nhân hậu, có khi thấy người bán buôn thua lỗ hay không lời, ông giảm hay miễn thuế cho họ.

Bà con rất cảm kích nên sau khi ông mất, họ gọi vùng đất quanh trạm thuế sông này là bến Thủ Thiêm. Về sau cả chợ trên bờ và phà ở đoạn sông này đều mang tên Thủ Thiêm.

Từ điển địa danh Sài Gòn – TP.HCM (TS Lê Trung Hoa chủ biên) cho biết Thủ Thiêm là địa danh có từ cuối thế kỷ XVIII.

Cầu Ba Son bắc qua sông Sài Gòn, kết nối giữa quận 1 với TP Thủ Đức được khởi công năm 2015 với tổng vốn đầu tư gần 3.100 tỉ đồng.

Cầu Ba Son có chiều dài hơn 1.400 m với 6 làn xe; thiết kế dây văng với trụ tháp chính được xem là biểu tượng cổng chào từ trung tâm TP qua Khu đô thị mới Thủ Thiêm với hệ thống chiếu sáng mỹ thuật.

Cầu Ba Son được hoàn thành vào tháng 4-2022, góp phần giảm áp lực giao thông đối với các tuyến đường lân cận như đường Nguyễn Hữu Cảnh, hầm vượt sông Sài Gòn.

Cầu Thủ Thiêm có ý nghĩa kết nối khu đô thị Thủ Thiêm (thuộc TP Thủ Đức) với quận Bình Thạnh, có tổng chiều dài lên đến 1.250 m gồm 6 làn xe.
Cầu Thủ Thiêm được động thổ vào 2005 và hoàn thành vào 2010. Tổng chi phí đầu tư hơn 1.000 tỉ đồng và để góp phần tăng cường khả năng kết nối vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

ĐÀO TRANG

Nguồn PLO: https://plo.vn/ly-do-dat-ten-cau-thu-thiem-va-cau-ba-son-tphcm-post737827.html