Lý do DeepSeek lọt vào tầm ngắm của chính quyền Trump

Mỹ đang siết chặt các biện pháp giám sát nhằm vào DeepSeek, một công ty khởi nghiệp trí tuệ nhân tạo (AI) hàng đầu của Trung Quốc.

Chỉ 2 tháng sau khi DeepSeek công bố một hệ thống AI tiên tiến với chi phí phát triển cực thấp, chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã có những động thái mạnh mẽ nhằm hạn chế khả năng tiếp cận công nghệ Mỹ của công ty này. Đi kèm với đó là áp lực gia tăng lên Nvidia - nhà sản xuất chip AI hàng đầu của Mỹ, được cho là đã cung cấp hàng chục nghìn bộ vi xử lý cho DeepSeek.

Mỹ siết chặt kiểm soát DeepSeek và Nvidia - Ảnh: Getty

Mỹ siết chặt kiểm soát DeepSeek và Nvidia - Ảnh: Getty

Căng thẳng Mỹ - Trung lan sang lĩnh vực trí tuệ nhân tạo

Sự phát triển nhanh chóng của DeepSeek đã làm dấy lên mối lo ngại rằng Trung Quốc đang rút ngắn khoảng cách với Mỹ trong lĩnh vực AI, thậm chí có thể sớm vươn lên dẫn đầu, đe dọa vị thế công nghệ của Mỹ.

Tờ New York Times hôm 16.4 dẫn nguồn thạo tin cho biết chính quyền Trump đang xem xét áp đặt lệnh cấm người dùng Mỹ tiếp cận dịch vụ của DeepSeek, đồng thời mở rộng lệnh cấm xuất khẩu chip AI sang Trung Quốc - một bước đi được cho là nối tiếp chính sách hạn chế do chính quyền Joe Biden đề xuất trước đó.

Ủy ban Chọn lọc Hạ viện về Trung Quốc, chuyên điều tra các rủi ro an ninh liên quan đến Trung Quốc, đã chính thức khởi động một cuộc điều tra về việc Nvidia bán chip AI cho các công ty ở châu Á, trong đó có DeepSeek. Đây là lần đầu tiên quốc hội Mỹ tiến hành điều tra trực tiếp về hoạt động kinh doanh của Nvidia.

DeepSeek được thành lập vào năm 2023 bởi doanh nhân Liang Wenfeng, đồng sáng lập quỹ đầu tư High Flyer. Công ty đã thu hút sự chú ý của giới công nghệ toàn cầu đầu năm 2025 sau khi ra mắt mô hình AI nguồn mở V3 và R1 có hiệu suất cao với chi phí đào tạo thấp hơn đáng kể so các công ty đối thủ tại Mỹ.

Giá cổ phiếu Nvidia đã giảm 17% chỉ trong một ngày sau thông tin DeepSeek đào tạo mô hình V3 chỉ bằng 2.048 GPU Nvidia H800 trong vòng hai tháng. Sự hiệu quả vượt trội trong chi phí đã khiến các nhà đầu tư và giới công nghệ tại Thung lũng Silicon lo ngại.

Đáng chú ý, theo báo cáo do công ty phân tích Exiger thực hiện và được New York Times tiếp cận, hàng chục nhà nghiên cứu của DeepSeek từng làm việc hoặc có liên hệ với các viện nghiên cứu thuộc quân đội Trung Quốc - bao gồm cả các cơ sở phát triển vũ khí hạt nhân và đại học nằm trong danh sách cấm giao dịch công nghệ của Mỹ.

Ngoài ra, một báo cáo từ OpenAI gửi đến quốc hội Mỹ cho biết DeepSeek có thể đã sử dụng kỹ thuật "chưng cất tri thức", tức là trích xuất dữ liệu từ mô hình AI khác - trong trường hợp này là từ hệ thống của OpenAI - để huấn luyện mô hình riêng. Hành vi này được xem là vi phạm điều khoản sử dụng và có thể bất hợp pháp nếu dữ liệu lấy từ công nghệ sở hữu trí tuệ độc quyền.

Nvidia đối mặt điều tra

Ủy ban quốc hội Mỹ đã gửi yêu cầu chính thức đến Nvidia, đề nghị công ty cung cấp thông tin chi tiết về tất cả khách hàng tại 11 quốc gia châu Á đã mua từ 500 chip AI trở lên kể từ năm 2020, bao gồm Singapore và Malaysia. Mục tiêu là xác định xem liệu DeepSeek có tiếp cận được các chip bị hạn chế thông qua các công ty trung gian hay không.

Báo cáo của công ty nghiên cứu SemiAnalysis ước tính rằng DeepSeek đã sử dụng khoảng 60.000 chip Nvidia - trong đó có 20.000 chip nằm trong danh sách bị hạn chế xuất khẩu sang Trung Quốc. Reuters đưa tin rằng giới chức Singapore đã bắt giữ 3 người vì cáo buộc xuất khẩu bất hợp pháp các chip tiên tiến cho DeepSeek.

Nvidia khẳng định công ty tuân thủ nghiêm ngặt hướng dẫn từ chính phủ Mỹ và phủ nhận việc cố tình bán chip trái phép. Người phát ngôn John Rizzo nhấn mạnh Nvidia luôn yêu cầu các đối tác tuân thủ pháp luật và sẽ hành động nếu phát hiện sai phạm.

Tại một hội nghị diễn ra vào tháng 3 với sự tham dự của các lãnh đạo doanh nghiệp công nghệ tại Washington, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick - người chịu trách nhiệm giám sát các biện pháp kiểm soát xuất khẩu công nghệ - tuyên bố chính quyền Trump sẽ đẩy mạnh việc thực thi các hạn chế nhằm vào Trung Quốc.

Ông nhấn mạnh kế hoạch tăng cường áp dụng các hình phạt tài chính đối với những công ty vi phạm các quy định xuất khẩu công nghệ Mỹ. "Chúng tôi không thể tiếp tục dung thứ cho những ai trục lợi bằng cách hỗ trợ đối thủ của Mỹ", ông Lutnick phát biểu.

Chỉ một tuần sau tuyên bố đó, Bộ Thương mại Mỹ đã bắt đầu hành động cụ thể bằng cách thông báo cho Nvidia về các hạn chế mới trong hoạt động bán chip AI sang Trung Quốc.

Theo quy định mới, Nvidia phải xin giấy phép nếu muốn xuất khẩu dòng chip H20 - sản phẩm được thiết kế riêng cho thị trường Trung Quốc bằng cách điều chỉnh hiệu năng từ mẫu chip AI cao cấp H100, nhằm đáp ứng các giới hạn do chính quyền tiền nhiệm Joe Biden ban hành trước đó.

Nvidia và Advanced Micro Devices (AMD) cảnh báo hãng có thể mất hàng tỉ USD doanh thu do các lệnh cấm mới. ASML Holding, công ty Hà Lan cung cấp thiết bị sản xuất chip tiên tiến, cũng cho biết đơn hàng của họ không đạt kỳ vọng.

Động thái nhắm vào DeepSeek và Nvidia là một phần trong chiến lược rộng lớn hơn của Mỹ nhằm duy trì vị thế dẫn đầu trong lĩnh vực AI.

Klon Kitchen, chuyên gia tại Viện doanh nghiệp Mỹ, nhận định Mỹ đang tận dụng lợi thế về công nghệ bán dẫn để thuyết phục các quốc gia khác không phụ thuộc vào công nghệ Trung Quốc.

“Chúng ta đang ở ngưỡng cửa nơi những chính sách cốt lõi của Mỹ có thể bị vô hiệu hóa bởi sự trỗi dậy công nghệ của một đối thủ cạnh tranh”, ông nói.

Hiện tại, Nhà Trắng tiếp tục đánh giá một quy định mới yêu cầu các công ty như Nvidia báo cáo chi tiết hơn về khách hàng nước ngoài và điểm đến cuối cùng của chip AI. Các công ty công nghệ phản đối quy định này vì lo ngại ảnh hưởng đến doanh số và sức cạnh tranh toàn cầu.

Hoàng Vũ

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/ly-do-deepseek-lot-vao-tam-ngam-cua-chinh-quyen-trump-231660.html