Lý do đội tuyển Việt Nam vượt trội Malaysia
Trước thềm trận đấu có tính bước ngoặt giữa đội tuyển Việt Nam và Malaysia tại bảng F vòng loại thứ ba Asian Cup 2027, truyền thông Malaysia đã không khỏi lo lắng khi nhìn vào chuỗi thống kê kém khả quan của 'Hổ Malay' trước 'Rồng Vàng' suốt hơn một thập kỷ qua.
Theo thống kê của tờ New Straits Times, lần gần nhất Malaysia giành chiến thắng trước đội tuyển Việt Nam là vào năm 2014, trong trận bán kết lượt về AFF Cup năm đó.
Malaysia trước đội tuyển Việt Nam
Cách đây 11 năm, dưới thời HLV Toshiya Miura, đội tuyển Việt Nam thất bại 2-4 ngay tại sân Mỹ Đình, để rồi thua chung cuộc 4-5 sau hai lượt trận. Kể từ sau cú vấp đó, cán cân đối đầu nghiêng hẳn về phía đội tuyển Việt Nam. Trong 8 lần chạm trán chính thức sau đó, Việt Nam thắng tới 7 trận và chỉ để hòa 1. Chuỗi trận này không chỉ là minh chứng cho sự ổn định của bóng đá Việt Nam, mà còn phơi bày sự thụt lùi rõ rệt của bóng đá Malaysia – một nền bóng đá từng vô địch AFF Cup vào năm 2010 nhưng đang loay hoay tìm lại bản sắc trong bất ổn.
Các chuyên gia bóng đá nhận định sức mạnh của các đội tuyển Việt Nam là thành quả từ nền tảng đào tạo trẻ có bài bản. Theo đó, đào tạo trẻ của Việt Nam hiện đứng thứ hai Đông Nam Á, chỉ sau Thái Lan. Sự phát triển bền vững của các cấp độ trẻ chính là bệ phóng cho những thành tích ổn định mà đội tuyển quốc gia đạt được.

Thầy trò Kim Sang-sik vô địch AFF Cup 2024. Ảnh: ANH PHƯƠNG.
Thực tế cho thấy, Việt Nam liên tục sản sinh những lứa cầu thủ tài năng từ các trung tâm bóng đá HA Gia Lai, Viettel, PVF, Hà Nội, hay những “lò” đào tạo vệ tinh của tư nhân. Cầu thủ trẻ được đào tạo bài bản và có những sự đồng bộ về kỹ thuật, tư duy chiến thuật.
Sự đồng đều và hệ thống đào tạo liền mạch giúp các HLV, đặc biệt là các nhà cầm quân ngoại như Park Hang-seo hay Kim Sang-sik, dễ dàng triển khai triết lý bóng đá và tạo nên một đội hình đồng bộ. Họ hiểu nhau, phối hợp nhịp nhàng và có bản lĩnh thi đấu ở các giải đấu lớn. Điều này dẫn đến những thành công ở đấu trường quốc tế như suốt hơn 5 năm của ông Park hay ngôi vô địch Đông Nam Á gần nhất của đàn em Kim Sang-sik.
Bấp bênh bóng đá Malaysia
Trong khi đó, bóng đá Malaysia lại đang rơi vào tình trạng “ăn xổi”, thay vì song hành với công cuộc đào tạo trẻ. Sau chức vô địch AFF Cup 2010, họ không có thêm lứa cầu thủ bản địa nào thực sự nổi bật. Liên đoàn bóng đá Malaysia (FAM) từng khẳng định việc nhập tịch là giải pháp ngắn hạn, nhưng rốt cuộc lại ngày càng phụ thuộc vào cầu thủ ngoại gốc Hà Lan, Brazil, Gambia...

Người trong cuộc nhìn nhận bóng đá Malaysia không sánh bằng Việt Nam. Ảnh: ANH PHƯƠNG.
Nhà bình luận thể thao Malaysia, Sadek Mustaffa thẳng thắn nhận định: “Bóng đá Malaysia đang mất đi gốc rễ. Đào tạo trẻ bị bỏ bê, những chương trình phát triển dài hạn chỉ nằm trên giấy. Chúng tôi không còn sản sinh ra được nhân tài”.
Trong khi đó, chuyên gia bóng đá Zulakbal Abdul Karim cho rằng tinh thần thi đấu yếu kém cũng là rào cản lớn nhất của các cầu thủ Malaysia hiện nay. Chính cái tâm lý e ngại đó dẫn đến sự tụt dốc nội tại. Theo ông Karim, việc thua đội tuyển Việt Nam quá nhiều trong các năm qua khiến các cầu thủ Malaysia mất dần niềm tin.
“Họ bước vào sân với tâm lý đã thua. Điều đó khiến họ không còn tự tin để thi đấu đúng khả năng”, ông Karim chia sẻ, đồng thời kêu gọi Liên đoàn bóng đá Malaysia cần thuê chuyên gia tâm lý để vực dậy tinh thần cầu thủ trước trận đấu gặp đội tuyển Việt Nam.

Có nhiều ngoại binh nhập tịch, Malaysia vẫn chưa thể vượt lên hàng đầu Đông Nam Á. Ảnh: ANH PHƯƠNG.
Trái ngược với tâm lý hoang mang từ đối thủ, đội tuyển Việt Nam bước vào trận đấu với lợi thế về tinh thần, phong độ và cả chiều sâu đội hình. Dưới thời HLV Kim Sang-sik, đội tuyển Việt Nam đang xây dựng trên nền tảng vững chắc của AFF Cup 2024, nơi mà những chiến binh Sao vàng lên ngôi vô địch bằng lối chơi chặt chẽ, đa dạng và bản lĩnh. Lợi thế không chỉ nằm ở lịch sử khi toàn thắng Malaysia trong 7/8 lần gần nhất nhờ sự tự tin, đội tuyển Việt Nam còn chứng minh rõ ràng cho sự vượt trội về mặt hệ thống.
Những ưu điểm này đến từ tầm nhìn dài hạn và sự kiên định trong chiến lược phát triển mà VFF đã và đang duy trì, từ quy hoạch đào tạo trẻ, đầu tư cơ sở vật chất, cải thiện chất lượng V-League cho đến việc lựa chọn HLV ngoại phù hợp với bóng đá Việt Nam.
Cuộc chạm trán có tính bước ngoặt vào ngày 10-6 không chỉ mang ý nghĩa điểm số trong hành trình giành vé duy nhất bảng F tham dự vòng chung kết Asian Cup 2027, mà còn là cơ hội để khẳng định đẳng cấp, thể hiện vai trò hàng đầu khu vực. Với thế hệ cầu thủ bản lĩnh, đồng đều và chiến lược rõ ràng, đội tuyển Việt Nam có đầy đủ cơ sở để nối dài niềm vui trước Malaysia, đội bóng đang loay hoay đi tìm lại chính mình.
Nguồn PLO: https://plo.vn/ly-do-doi-tuyen-viet-nam-vuot-troi-malaysia-post842889.html