Lý do Elon Musk chần chừ, chưa mua Twitter
Elon Musk dường như không hài lòng với tình trạng của Twitter hiện tại. Ông có thể hủy thỏa thuận mua lại mạng xã hội này nếu không đạt những điều kiện nhất định.
Ngày 13/5, Elon Musk thông báo trên trang cá nhân việc tạm dừng thương vụ mua lại Twitter. Ông cho biết muốn thống kê chi tiết về số lượng tài khoản giả mạo trên nền tảng này.
“Thương vụ với Twitter sẽ tạm thời bị hoãn lại đến khi có báo cáo chi tiết về các tài khoản giả mạo xem liệu chúng có thật sự chiếm 5% lượng người dùng hay không”, Musk cho biết.
Theo CNBC, trong trường hợp hủy thương vụ, Elon Musk có thể mất rất nhiều. Ngoài số tiền 1 tỷ USD trong cam kết ban đầu, ông có thể bị Twitter kiện và mất thêm tiền.
Trên trang cá nhân, Elon Musk đã vạch rõ cách ông sẽ xác định tài khoản giả, cũng như tiêu chí của ông.
Cách xác định tài khoản giả
Musk thông báo nhân viên của ông sẽ tự mình chứng thực những số liệu này.
“Nhân viên của tôi sẽ khảo sát bất kỳ 100 người theo dõi tài khoản chính thức của Twitter. Tôi khuyến khích mọi người cũng làm điều này và cùng xem kết quả thật sự sẽ là gì”, vị tỷ phú chia sẻ trên trang cá nhân của mình.
Theo đó, CEO Tesla và SpaceX sẽ bỏ qua 1.000 người theo dõi đầu tiên, sau đó sẽ chọn tài khoản thứ 10 bất kỳ để kiểm tra. “Tôi mong sẽ nhận được những ý tưởng tốt hơn”, ông bổ sung.
Musk còn cho biết ông chọn 100 tài khoản làm kích thước mẫu cho nghiên cứu của mình vì đây là con số Twitter đã dùng để tính toán trước đó.
Sau khi công bố thỏa thuận với Musk một tuần, Twitter đăng tài liệu cho thấy có khoảng dưới 5% tài khoản hoạt động hàng ngày trên nền tảng là giả hoặc chuyên để spam. Số liệu này được thống kê trong quý I/2022.
Khi được hỏi về việc liệu đã tính đến con số này khi hỏi mua Twitter, ông cho biết mình "tin tưởng vào số liệu công bố của Twitter".
Twitter có thể kiện ngược nếu Musk "hủy kèo"
Musk có thể sẽ phải đối mặt với vấn đề về pháp lý với đoàn luật sư của Twitter, thậm chí là mất hàng tỷ USD cho các vụ kiện tụng liên quan đến việc vi phạm hợp đồng, CNN nhận định.
Tháng trước, tỷ phú Musk và Twitter đã thỏa thuận sẽ phải trả 1 tỷ USD tiền bồi thường hợp đồng nếu 1 trong 2 bên tự ý hủy thương vụ. Song, Musk không thể chỉ trả đúng khoản tiền này để “hủy kèo” với Twitter.
Cụ thể, phí hủy hợp đồng sẽ được áp dụng khi xuất hiện tác nhân bên ngoài khiến cuộc mua bán bị đình chỉ như vướng phải các định chế trung gian của chính quyền hay các vấn đề về tài chính do bên thứ 3. Bên mua có thể hủy hợp đồng nếu phát hiện lừa đảo hoặc gây ra hậu quả bất lợi nghiêm trọng cho họ.
Trong trường hợp này, dù thương vụ đã thổi bay 7 tỷ USD vốn hóa thị trường của Twitter nhưng đây vẫn không phải là lý do chính đáng để Musk rút khỏi thương vụ, CNBC dẫn lời một luật sư M&A.
Nếu Musk tự ý hủy hợp đồng chỉ vì thấy mình đã phải chi trả quá nhiều tiền, Twitter hoàn toàn có thể kiện ông và đòi bồi thường hàng tỷ đồng, trong đó bao gồm cả 1 tỷ USD phí hủy hợp đồng.
Trước đó, trường hợp tương tự đã xảy ra khi thương hiệu Tiffany & Co. đâm đơn kiện LVMH vì tập đoàn này tự ý rút khỏi thương vụ sáp nhập trị giá 16 tỷ USD. Thực tế đây chỉ là chiêu trò của tỷ phú Bernard Arnault, người đứng sau đế chế thời trang LVMH để “thuận nước đẩy thuyền”, ép giá thương vụ.
Cuối cùng, sau hơn một năm đàm phán, kiện cáo, tổng giá thu mua lại thương hiệu Tiffany & Co. của tập đoàn xa xỉ này đã giảm xuống chỉ còn 15,8 tỷ USD.
Chiêu trò ép giá
Tương tự trường hợp của Tiffany & Co., CNBC nhận định đây cũng là nỗ lực ép giá của ông Musk nhằm hạ giá cổ phiếu Twitter thấp xuống. Bằng chứng là cổ phiếu của Twitter giảm mạnh 23% so với thỏa thuận ban đầu trong hợp đồng của Musk với Twitter ngay sau khi thông báo hoãn mua Twitter được công bố.
“Đây có thể là một chiến lược đàm phán của Musk. Khi thị trường xuất hiện nhiều dấu hiệu sụt giảm, vị tỷ phú dùng người dùng Twitter để có cớ thương lượng lại với công ty”, Toni Sacconaghi, chuyên gia phân tích tại Bernstein chia sẻ với CNBC.
Nguyên nhân cũng có thể đến từ việc các nhà đầu tư khác gây áp lực lên ông nhằm ép giá. Theo đó, Musk đã đàm phán với nhiều nhà đầu tư và quỹ tài chính khác nhằm giảm số tiền cá nhân phải trả để mua lại Twitter.
Đồng thời, nếu ông có thể mua lại Twitter với giá rẻ hơn, các nhà đầu tư bên ngoài sẽ là người chịu thiệt khi Twitter trở thành công ty đại chúng hoặc bị bán lại.
Mặc dù khẳng định ông vẫn sẽ mua lại Twitter nhưng CNBC cho rằng rất có thể Musk sẽ “hủy kèo” với Twitter để đảm bảo vốn sở hữu tài sản Tesla của mình. Trước đó, cổ phiếu Tesla vừa lao dốc 24% do các nhà đầu tư lo ngại về việc tỷ phú Musk sắp tới có thể bán bớt cổ phần và bị xao nhãng bởi mối quan tâm đối với Twitter.
Nếu Musk cho rằng thiệt hại của Tesla liên quan đến thương vụ với Twitter, ông có thể sẽ sẵn sàng chi 1 tỷ USD tiền bồi thường và đối mặt với hàng loạt các vấn đề pháp lý để rút khỏi cuộc mua bán này. Ngoài ra, người đàn ông giàu nhất hành tinh cũng phải gánh chịu nhiều điều tiếng và ảnh hưởng đến danh tiếng của mình khi tự ý hủy hợp đồng, CNBC nhận định.
Về phía Twitter, hãng không có sự lựa chọn nào ngoài việc phải thương lượng với Musk, tương tự với vụ kiện giữa Tiffany & Co. và LVMN. Hãng công nghệ có thể sẽ phải đối mặt với hàng loạt khó khăn như chi trả phí thuê luật sư nếu có ý định kiện tụng hoặc nhân viên sẽ rời khỏi công ty nếu tình hình làm ăn quá nhiễu loạn. Bằng chứng là mới đây CEO Parag Agrawal vừa thông báo 2 giám đốc đã rời khỏi Twitter.
Trước đó, khi đồng ý “bán mình” cho Musk với giá 54,20 USD/cổ phiếu, hội đồng quản trị Twitter không hề có ý định đẩy giá thêm vì không có bên mua nào khác đưa ra mức giá hấp dẫn hơn. Cuối cùng, họ đã quyết định bán cho vị tỷ phú vì cho rằng giá cổ phiếu của mạng xã hội này sẽ khó lòng hồi phục tương tự như với Facebook và Snapchat.