Lý do FED vẫn tăng lãi suất bất chấp khủng hoảng ngân hàng
Ngày 22/3 (giờ Mỹ), Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã thông báo tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm bất chấp những lo ngại về khủng hoảng ngân hàng. Động thái này cho thấy FED có ưu tiên khác trong tình hình hiện nay.
Theo tờ Vox, tăng lãi suất lên mức 4,75 - 5% là một động thái gây tranh cãi khi những vụ sụp đổ xảy ra trong ngành ngân hàng Mỹ gần đây và một số nhà kinh tế lo ngại rằng lãi suất cao hơn có thể làm suy yếu thêm lĩnh vực tài chính.
Tuy nhiên, những người ủng hộ tăng lãi suất lại lập luận rằng tăng lãi suất sẽ cho thấy lĩnh vực ngân hàng đủ ổn định để chịu được lãi suất cao hơn. Ngoài ra, FED từ lâu đã chịu áp lực phải làm nhiều hơn nữa để giảm lạm phát và tăng lãi suất là một trong số ít công cụ mà FED có thể sử dụng. Năm ngoái, FED đã liên tục tăng lãi suất khi cố gắng kiềm chế lạm phát.
Nhà kinh tế trưởng Mark Zandi tại Moody's cho biết: “FED đang mạo hiểm với hệ thống ngân hàng khi họ tăng lãi suất. Điều đó cho thấy FED sẵn sàng nhìn ra ngoài cuộc khủng hoảng ngân hàng và theo dõi lạm phát, đồng thời chấp nhận rủi ro hệ thống ngân hàng có thể gặp khó khăn”.
Trong những tháng gần đây, lạm phát ở Mỹ đã chậm lại nhưng vẫn ở mức cao. Giá tiêu dùng vẫn cao hơn khoảng 6% so với cùng kỳ năm ngoái và nhiều chuyên gia đã kêu gọi FED không tăng thêm lãi suất nữa cho đến khi tình hình bất ổn trong lĩnh vực ngân hàng lắng xuống.
Ông Zandi nói: “Nếu tôi là họ, tôi sẽ tạm dừng và nhìn xung quanh, rồi họ có thể tăng lãi suất một lần nữa vào cuộc họp tiếp theo”.
Mức tăng 0,25 điểm phần trăm mà FED đưa ra thấp hơn so với mức tăng trước đó và thấp hơn mức tăng 0,5 điểm phần trăm dự kiến ban đầu trước khi xảy ra các vụ sụp đổ ngân hàng. Đó có thể là một dấu hiệu cho thấy FED đang cố gắng cân bằng giữa mối lo ngại về các ngân hàng và tình trạng lo lắng về chi phí sinh hoạt của người Mỹ.
Chủ tịch FED Jerome Powell đã thừa nhận loạt yếu tố này trong một cuộc họp ngày 22/3. Ông cho biết FED đã cân nhắc tạm dừng tăng lãi suất, nhưng dữ liệu lạm phát và thị trường lao động lại tác động mạnh hơn dự kiến.
Ông cũng báo hiệu rằng FED có thể sắp kết thúc đợt tăng lãi suất hiện nay và có thể chỉ tăng một chút trong tương lai.
Lãi suất cao hơn có thể làm giảm lạm phát nhưng cũng có thể kéo giảm nền kinh tế quá nhiều.
Quyết định của FED là một sự đánh đổi. Khi tăng lãi suất, FED có thể làm giảm lạm phát, trong khi có khả năng góp phần gây ra nhiều thách thức hơn trong lĩnh vực ngân hàng.
Lãi suất cao hơn đã làm giảm giá trị nắm giữ trái phiếu của Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB), khiến ngân hàng này rơi vào tình trạng khan hiếm tiền và sụp đổ khi bị rút tiền ồ ạt. Khi tăng lãi suất hơn nữa, FED có thể làm trầm trọng thêm tác động này, khiến việc vay mượn trở nên đắt đỏ hơn đối với các ngân hàng nói chung và làm giảm giá trị các khoản đầu tư của họ, trong đó có cả trái phiếu. Cả hai yếu tố này kết hợp lại có thể dẫn đến tình trạng các ngân hàng thiếu vốn và có nguy cơ chịu chung số phận với SVB trong trường hợp bị rút tiền ồ ạt.
Ngoài ra, những đợt tăng lãi suất như vậy có thể đẩy nhanh nguy cơ Mỹ rơi vào suy thoái. Tăng lãi suất là để làm chậm lại một số hoạt động kinh tế, như chi tiêu của người tiêu dùng và tuyển dụng. Việc thu hẹp hoạt động cho vay của ngân hàng cũng có thể làm giảm hoạt động kinh tế và gây ra suy thoái. Nếu chi tiêu, tuyển dụng và cho vay giảm quá nhiều, đó là các yếu tố dẫn đến suy thoái.
Ông Chris Campbell, chiến lược gia chính sách trưởng tại Viện Kroll cho biết: “Trong suốt thời gian FED tăng lãi suất, họ đang ưu tiên lạm phát chứ không phải mở rộng kinh tế”.
Ông Campbell lập luận rằng điều quan trọng là FED phải tập trung vào lạm phát để Mỹ không rơi vào tình trạng “đình lạm” (lạm phát kèm suy thoái) trong thời gian dài như đã từng xảy ra vào những năm 1970. Tuy nhiên, những người khác, như nhà kinh tế Stephanie Kelton tại công ty Stony Brook, cảm thấy rằng FED đã đi quá xa trong tăng lãi suất và cho rằng lạm phát đang có xu hướng đi đúng hướng. Các yếu tố khác, như sức chi tiêu tiêu dùng được duy trì và tỷ lệ thất nghiệp thấp hơn mặc dù lãi suất cao hơn, cũng có thể ảnh hưởng đến quyết định của FED vì họ cho rằng nền kinh tế có thể chịu được lãi suất cao hơn.
Tuy nhiên, bà Kelton lưu ý rằng lĩnh vực ngân hàng có thể chịu nhiều tác động tiêu cực hơn dù điều này chưa xảy ra. Theo bà, những lần tăng lãi suất này của FED đã không tính đến điều đó.