Lý do giá gạo xuất khẩu giảm, gạo nội địa vẫn cao
Thường phải sau từ 2 tháng, giá gạo nội địa mới hạ theo đà của thị trường. Đây là nguyên nhân khiến giá lúa rẻ, giá gạo xuất khẩu giảm, giá gạo nội địa vẫn cao.
Giá lúa đang thấp hơn 40-50% so với năm ngoái
Theo số liệu của Hiệp hội lương thực Việt Nam, hiện mỗi kg lúa thường tại ruộng bình quân 5.400 đồng, lúa thơm 7.000-8.500 đồng. Tại kho, giá lúa thơm giảm xuống 8.000-9.500 đồng một kg, thấp hơn 40-50% so với năm ngoái.

Việt Nam là một trong ba quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới. Ảnh: Quang Huy
Trên thị trường xuất khẩu, cập nhật số liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam ngày 17/2, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam vẫn đang duy trì ở mức dưới 400 USD/tấn. Cụ thể, gạo xuất khẩu 5% tấm đang được chào bán với giá 395 USD/tấn; gạo 25% tấm đang chào bán với giá 372 USD/tấn; gạo 100% tấm đang được chào bán với giá 310 USD/tấn.
Trong khi đó, gạo xuất khẩu của Thái Lan đang có mức giá tốt hơn. Cụ thể, gạo xuất khẩu 5% tấm đang được chào bán với giá 418 USD/tấn; gạo xuất khẩu 25% tấm đang được chào bán với giá 397 USD/tấn; gạo xuất khẩu 100% tấm được chào bán với giá 365 USD/tấn.
Tương tự, gạo xuất khẩu 5% tấm của Ấn Độ đang đứng ở mức 413 USD/tấn; gạo 25% tấm đứng ở mức 394 USD/tấn. Còn với gạo xuất khẩu 5% tấm của Pakistan đứng ở mức 402 USD/tấn; gạo 25% tấm đứng ở mức 370 USD/tấn; gạo 100% tấm đứng ở mức 337 USD/tấn.
Như vậy, nhìn chung, gạo xuất khẩu của Việt Nam đang thấp nhất trong nhóm 4 nước xuất khẩu hàng đầu, gồm Ấn Độ, Thái Lan và Pakistan. Năm ngoái, Việt Nam từng hưởng lợi khi Ấn Độ hạn chế xuất khẩu, đưa giá gạo tăng cao và xuất khẩu đạt kỷ lục 9 triệu tấn. Tuy nhiên, khi nước này dỡ lệnh cấm, thị trường đảo chiều nhanh. Nguồn cung toàn cầu tăng mạnh kéo giá giảm.
Cùng lúc, Indonesia - thị trường lớn thứ hai của Việt Nam - đẩy mạnh tự chủ lương thực, chỉ nhập khẩu nhỏ giọt. Philippines cũng hạn chế mua do tồn kho dồi dào. Theo Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gạo sang Indonesia tháng 1 chỉ đạt 651 tấn, giảm 98% so với cùng kỳ năm trước, kéo giá trong nước giảm sâu.
Ông Nguyễn Vĩnh Trọng - Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Việt Hưng (Tiền Giang) – thông tin, giá gạo xuất khẩu giảm sâu do thị trường xuất khẩu chưa nhộn nhịp, Philippines mua nhỏ giọt, Indonesia hạn chế nhập. Trong khi đó, hiện đang vào thời điểm thu hoạch rộ vụ Đông Xuân, nên các doanh nghiệp xuất khẩu chưa đẩy mạnh nhập gạo vào kho. Họ chờ nghe ngóng giá trên thị trường.
Giá gạo xuất khẩu giảm sâu khiến tại vựa lúa gạo xuất khẩu của Việt Nam – đồng bằng sông Cửu Long cũng xuất hiện những hiện tượng lạ. Theo đó, từ đầu năm đến nay, một số thương lái ở khu vực Đồng Tháp, Bến Tre, Tiền Giang,... dùng xe tải chở gạo, rao bán giá rẻ dọc các tuyến đường nông thôn.
Giá mỗi kg gạo được các tiểu thương bán phổ biến ở mức 12.000-15.000 đồng, thấp hơn từ 4.000 – 8.000 đồng/kg so với mức giá tại các chợ (tùy loại), do đó nhiều người dân tại trong khu vực đã đổ xô tới mua về tích trữ.
Theo các thương lái, số gạo này được các tiểu thương xay từ lúa mua của nông dân trước Tết. Thông thường gạo xay xong sẽ được các tiểu thương trữ tại nhà máy, chờ doanh nghiệp đến mua. Năm nay giá giảm mạnh, doanh nghiệp thu mua nhỏ giọt, nên họ quyết định chở xe bán dạo vì lo ngại nếu để trong kho, giá xuống nữa thì sẽ lỗ thêm.
Theo một thương lái tại Bến Tre, giá gạo trung bình loại bao 50kg đang được chào bán với giá 600.000 - 750.000 đồng, tức 12.000 - 15.000 đồng một kg, thấp hơn ngoài chợ 20 - 40%. Phương tiện vận chuyển tiêu thụ được các thương lái sử dụng là xe tải. Thường thương lái sẽ chọn một địa điểm ở địa phương và bán trong khoảng 1 tuần, sau khi sức mua giảm dần thì sẽ chuyển đi nơi khác để bán.
Giá gạo nội địa có độ trễ với thị trường xuất khẩu
Tại TP. Hồ Chí Minh, giá gạo nở giữ mức 17.000 đồng/kg, gạo thơm Mỹ 19.000 đồng/kg, gạo Nàng Hoa dao động 23.000 - 24.000 đồng/kg, gần như không đổi so với đỉnh giá năm ngoái. Ở Hà Nội, giá gạo lài Nhật ở mức 22.000 đồng/kg, gạo tám Điện Biên 19.000 đồng/kg, gạo tám Thái 20.000 đồng/kg;... Theo các chuyên gia, việc ‘bán dạo’ gạo từ các thương lái là cơ hội để người dân tiếp cận gạo giá rẻ, trong lúc giá bán lẻ trên thị trường vẫn neo cao.
Giá lúa rẻ, giá gạo xuất khẩu giảm, tuy nhiên giá gạo ngoài chợ vẫn cao? Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy cho hay, gạo xuất khẩu giảm nhưng giá gạo trong nước không giảm do khâu trung gian khống chế giá. Bên cạnh đó, thông thường phải 2-3 tháng giá gạo nội địa mới hạ theo đà của thị trường xuất khẩu. Đây là do yếu tố thị trường, nhà nước không điều tiết được việc này.
Trong khi đó, theo các doanh nghiệp gạo, các chi phí liên quan như vận chuyển, lưu kho, nhân công đều tăng khiến giá gạo bán ra thị trường khó giảm nhanh. Bên cạnh đó, hao hụt trong quá trình bảo quản cũng là yếu tố khiến nhiều cửa hàng phải giữ giá. Về phía các siêu thị chủ yếu tập trung vào phân khúc gạo trung và cao cấp, vốn ít biến động. Hơn nữa, các hợp đồng cung ứng giữa siêu thị và nhà phân phối thường dài hạn, có độ trễ, khiến giá bán lẻ ít bị tác động ngay khi giá gạo nguyên liệu giảm.
Các doanh nghiệp trong ngành cũng nhận định, việc thương lái ‘bán dạo’ gạo chỉ là những hiện tượng cá biệt. Lượng gạo này không nhiều nên khó gây xáo trộn thị trường.
Theo báo cáo cân đối cung cầu lúa gạo hàng hóa phục vụ công tác điều hành xuất khẩu gạo năm 2025 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gửi Bộ Công Thương, ước sản xuất cả năm vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 3,778 triệu ha, năng suất bình quân ước 63,4 tạ/ha; sản lượng ước đạt 23,965 triệu tấn.
Trong số trên, tiêu thụ nội địa và sử dụng làm giống, thức ăn chăn nuôi... với khoảng 8,9 triệu tấn. Lúa hàng hóa ước khoảng 15,085 triệu tấn, tương đương 7,542 triệu tấn gạo hàng hóa phục vụ cho xuất khẩu.
Cụ thể, lượng gạo chất lượng cao, gạo thơm khoảng 5,657 triệu tấn, tương đương 75%; gạo nếp khoảng 754.000 tấn, tương đương khoảng 10%; gạo chất lượng trung bình 1,131 triệu tấn, chiếm khoảng 15%.
Với tổng lượng gạo hàng hóa cho xuất khẩu trên, 6 tháng đầu năm ước 4,53 triệu tấn và trên 3 triệu tấn cho 6 tháng cuối năm.
Với tình hình nguồn cung trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất Bộ Công Thương tập trung đẩy mạnh xuất khẩu gạo vào các tháng có sản lượng thu hoạch lớn là tháng 2, 3, 4, 7, 8 và tháng 9 trong năm 2025 để ứng phó với diễn biến thị trường.
Đồng thời, đề xuất Bộ Công Thương tăng cường xúc tiến thương mại để mở rộng các thị trường xuất khẩu gạo nhằm đảm bảo xuất khẩu hết lượng gạo hàng hóa, đồng thời đảm bảo lợi ích hài hòa giữa người sản xuất và doanh nghiệp xuất khẩu.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề xuất cơ chế quản lý hệ thống thương lái thu mua lúa theo hướng chuyên nghiệp, có đăng ký kinh doanh, thương lái ký hợp đồng với nông dân sản xuất trên cơ sở hợp đồng ký với doanh nghiệp xuất khẩu về chủng loại giống, chất lượng lúa và các thương lái được hưởng các chính sách hỗ trợ như doanh nghiệp.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, diện tích gieo cấy lúa năm 2025 cả nước ước đạt 7 triệu ha, giảm 132.000 ha. Năng suất bình quân ước đạt 61,6 tạ/ha, tăng 0,7 tạ/ha so với cùng kỳ năm 2024. Sản lượng ước đạt 43,143 triệu tấn, giảm 323.000 tấn so với cùng kỳ năm 2024.