Xuất khẩu thủy sản tìm cách biến 'nguy' thành 'cơ' trong 'bão' thuế quan

Cuộc chiến thuế quan giữa Mỹ và các quốc gia, đặc biệt là Trung Quốc sẽ đặt ra những cơ hội và thách thức đan xen đối với thủy sản Việt Nam trên thị trường thế giới. Việc nhận diện, dự báo tốt những vấn đề này, từ đó có giải pháp ứng phó phù hợp là yêu cầu quan trọng hàng đầu của ngành nông nghiệp hiện nay.

Đối diện cuộc chiến thuế quan, xuất khẩu thủy sản Việt Nam tìm cách biến “nguy” thành “cơ”. Ảnh ST

Đối diện cuộc chiến thuế quan, xuất khẩu thủy sản Việt Nam tìm cách biến “nguy” thành “cơ”. Ảnh ST

Cơ hội hay thách thức?

Theo sắc lệnh của Tổng thống Mỹ Donald Trump, từ ngày 4/2/2025, Mỹ áp thuế nhập khẩu 10% với toàn bộ hàng hóa Trung Quốc. Ngay sau đó, Trung Quốc cũng thông báo áp thuế nhập khẩu với hàng hóa Mỹ từ 10-15% tùy mặt hàng. Cuộc chiến thuế quan giữa hai quốc gia có nền kinh tế lớn hàng đầu thế giới được dự báo là có ảnh hưởng đáng kể đến thị trường toàn cầu, trong đó thủy sản là ngành hàng chịu tác động tương đối mạnh.

Bà Lê Hằng (Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam - Vasep) cho biết, trong bối cảnh đó, Việt Nam có thể tìm kiếm cơ hội xuất khẩu hàng thủy sản vào thị trường Mỹ, khi nguồn hàng từ Trung Quốc vào thị trường này bị ảnh hưởng. Hằng năm, Mỹ nhập khẩu thủy sản từ Trung Quốc với trị giá từ 1,6 - 2 tỷ USD. Trong đó, tập trung nhiều vào các sản phẩm cá phile tươi/đông lạnh với giá trị từ 1-1,4 tỷ USD (chiếm khoảng 70%).

“Điều này có thể khiến các doanh nghiệp Mỹ chuyển hướng sang Việt Nam tìm đối tác cung ứng thủy sản thay thế cho nguồn cung thiếu hụt từ Trung Quốc” - bà Hằng cho biết; đồng thời lưu ý, ngành hàng cá tra của Việt Nam sẽ có cơ hội rộng mở nhất.

Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt hơn 10 tỷ USD, tăng 12,1% so với năm 2023. Ngành hàng này cũng đặt mục tiêu khá khiêm tốn 10,5 tỷ USD cho năm 2025, trong bối cảnh tình hình thế giới được dự báo còn nhiều diễn biến phức tạp, khó lường.

Ở chiều ngược lại, Mỹ xuất khẩu vào Trung Quốc cá hồi, cá tuyết, cá minh thái, tôm hùm, cua huỳnh đế… đa số phục vụ cho phân khúc tiêu thụ cao cấp như nhà hàng, khách sạn. Do vậy, thủy sản nhập khẩu từ Mỹ vào Trung Quốc cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Nếu tận dụng tốt cơ hội này, thủy sản có giá trị cao của Việt Nam sẽ rộng cửa vào thị trường tỷ dân. Điển hình như năm 2024, Trung Quốc đã tăng mạnh nhập khẩu các mặt hàng thủy sản tươi/sống từ Việt Nam như cua, ngao, tôm hùm, ốc để phục vụ cho nhóm khách hàng cao cấp tại thị trường này. Trong đó, Trung Quốc đã vượt Mỹ thành nhà nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam, kim ngạch đạt 843 triệu USD, tăng 39% so với năm 2023.

"Bối cảnh này rõ ràng mang đến lợi thế cho Việt Nam, khi giúp thúc đẩy xuất khẩu thủy sản tươi sống sang thị trường này mạnh mẽ hơn trong năm 2025" - bà Hằng cho biết.

Trong khi đó, một quốc gia có thế mạnh về xuất khẩu thủy sản là Canada cũng đang đứng trước nguy cơ chịu thuế 25% từ Mỹ. Nếu kịch bản đó xảy ra chắc chắn sẽ tác động giảm xuất khẩu thủy sản của nước này vào Mỹ. Việt Nam có thể tận dụng cơ hội này để tăng xuất khẩu thủy sản vào thị trường này.

Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội, ngành thủy sản Việt Nam cũng phải đối diện với những thách thức trong cuộc chiến thuế quan.

Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) cho biết, Việt Nam được đánh giá nằm trong top 4 các nước có nguy cơ bị ảnh hưởng nhất trước những chính sách mới của Tổng thống Donald Trump.

Mặt khác, khi Mỹ áp thuế quan với Canada, Trung Quốc, hai quốc gia có nguồn cung thủy sản tốp đầu thế giới này được dự báo sẽ tăng cường hợp tác hơn nữa. Do vậy, sản phẩm thủy sản cao cấp của Việt Nam có thể bị áp lực cạnh tranh với tôm, cua, cá từ Canada đổ vào Trung Quốc, cũng như đến các thị trường khác có cạnh tranh với Việt Nam.

Tận dụng cơ hội

Bất chấp phản ứng của thị trường trước các đòn “ăn miếng, trả miếng” về thuế quan của Mỹ và Trung Quốc, các chuyên gia cho rằng, với thủy sản Việt Nam, cơ hội dường như đang nhiều hơn thách thức. Tuy nhiên, để ngành thủy sản có thể nắm bắt và bứt phá đòi hỏi các doanh nghiệp phải nhanh nhạy tiếp cận thị trường để đàm phán; đồng thời phải đảm bảo nguồn cung chất lượng cho thị trường.

Đề cập đến khả năng xuất khẩu thủy sản vào thị trường Mỹ, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho biết, các doanh nghiệp, người nuôi trồng cần kịp thời theo dõi thông tin để có phản ứng phù hợp, song không nên bi quan về thị trường này.

Đồng thời, các doanh nghiệp xuất khẩu cần thuyết phục thị trường bằng uy tín và chất lượng của sản phẩm. “Đây chính là động lực để Việt Nam thúc đẩy vùng nguyên liệu đạt chuẩn, minh bạch. Cùng với đó, khâu thu hoạch, sơ chế, chế biến cần được nâng cao để đảm bảo chất lượng, củng cố chuỗi sản xuất, đáp ứng yêu cầu thị trường” - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Việt Nam có Tham tán thương mại tại Hoa Kỳ và đây là đầu mối để nắm bắt thông tin, xu thế, nhu cầu của thị trường này. Do vậy, những thông tin từ Tham tán, Sứ quán sẽ giúp ngành phân tích, thúc đẩy thương mại, tổ chức sản xuất để đáp ứng yêu cầu thị trường.

Trong bối cảnh tình hình thương mại quốc tế thay đổi liên tục, doanh nghiệp cần xây dựng các kế hoạch dự phòng, tránh tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng. Ảnh ST

Trong bối cảnh tình hình thương mại quốc tế thay đổi liên tục, doanh nghiệp cần xây dựng các kế hoạch dự phòng, tránh tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng. Ảnh ST

Nhận định cụ thể về thị trường xuất khẩu, Cục trưởng Cục Thủy sản (Bộ NNPTNT) Trần Đình Luân cho biết, xuất khẩu nông sản Việt Nam đã sang 200 thị trường. Trong đó, riêng thị trường Mỹ hiện chiếm 21,8% nông sản xuất khẩu của Việt Nam. Trong nhiệm kỳ đầu, Tổng thống Mỹ cũng rất thiện cảm với Việt Nam, do đó, hoàn toàn có cơ sở để tin tưởng về tương lai xuất khẩu của Việt Nam nói chung vào thị trường Mỹ.

Chung quan điểm, đại diện Vasep cho biết, sau một thời gian căng thẳng, cuối năm 2024, Việt Nam và Hoa Kỳ vừa đạt được thỏa thuận giải quyết vụ tranh chấp liên quan đến thuế chống bán phá giá đối với cá tra, basa. Điều này cho thấy, với khả năng thích ứng linh hoạt và sự chuẩn bị kỹ lưỡng, Việt Nam hoàn toàn có thể giải quyết được thách thức hiện nay, đảm bảo hạn chế tối đa ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu thủy sản.

Song, đại diện Vasep cũng lưu ý, trong bối cảnh tình hình thương mại quốc tế thay đổi liên tục, doanh nghiệp cần xây dựng các kế hoạch dự phòng, tránh tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng. Cần xây dựng các kênh cung ứng bền vững và linh hoạt, bao gồm nguồn nguyên liệu trong nước và nhập khẩu nguyên liệu khi cần thiết để tránh tình trạng thiếu hụt.

Các doanh nghiệp cũng cần cập nhật và nắm bắt thông tin thị trường, điều chỉnh cơ cấu sản phẩm - thị trường linh hoạt trong bối cảnh mới. Ví dụ, có thể tăng thị phần cá tra tại Mỹ, thúc đẩy xuất khẩu thủy sản tươi sống sang Trung Quốc, cân đối để có sản phẩm cạnh tranh tại ASEAN, mở rộng thị phần tại thị trường Trung Đông…

“Điều quan trọng là các đơn vị phải luôn đảm bảo chất lượng thủy sản xuất khẩu, tính minh bạch, khả năng truy xuất nguồn gốc hiệu quả để giữ uy tín và tăng thị phần tại các thị trường tiềm năng trong năm 2025. Đồng thời tránh bị áp thuế chống bán phá giá và các rào cản thuế khác trong bối cảnh mới này” - đại diện Vasep lưu ý.

N.LỘC

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/xuat-khau-thuy-san-tim-cach-bien-nguy-thanh-co-trong-bao-thue-quan-38296.html