Lý do Iceland từ bỏ việc đánh bắt gây tranh cãi toàn cầu
Iceland vừa tuyên bố nước này sẽ chấm dứt hoạt động săn bắt cá voi từ năm 2024, CNN đưa tin ngày 5/2. Nhật Bản là nước mua thịt cá voi nhiều nhất, nhưng lượng tiêu thụ của nước này đang giảm dần qua từng năm .
Bộ trưởng Bộ Thủy sản và Nông nghiệp Iceland, bà Svandís Svavarsdóttir, nói: “Có rất ít lý do để cho phép săn bắt cá voi sau năm 2024” khi hạn ngạch hiện tại hết hạn. Bà Svandís cho rằng “không có gì để bàn cãi” rằng việc săn bắt cá voi không có nhiều ý nghĩa kinh tế đối với Iceland những năm gần đây; không có con cá voi lớn nào bị bắt trong ba năm qua, ngoại trừ một con cá voi minke vào năm 2021.
“Nhật Bản là nước mua thịt cá voi (Iceland) nhiều nhất, nhưng lượng tiêu thụ của nước này đang giảm dần qua từng năm. Tại sao Iceland phải mạo hiểm tiếp tục đánh bắt cá voi không mang lại lợi ích kinh tế, để bán một sản phẩm có nhu cầu thấp?”, bà Svandís đặt vấn đề.
Sau lệnh cấm kéo dài 30 năm, Nhật Bản đã nối lại hoạt động đánh bắt cá voi thương mại trong vùng biển của mình vào năm 2019. Việc săn bắt cá voi thương mại đã bị cấm theo lệnh của Ủy ban Cá voi quốc tế (IWC) năm 1986, nhưng Nhật Bản đã rút khỏi IWC vào tháng 12/2018, đánh dấu sự trở lại của họ với nghề săn bắt cá voi bằng cách chặt hai con cá voi minke.
Bà Svandís cũng chỉ ra rằng, việc săn bắt cá voi đã gây tranh cãi ở nhiều nước và nhắc lại thực tế chuỗi bán lẻ Whole Foods của Mỹ đã ngừng tiếp thị các sản phẩm của Iceland trong một thời gian vì lý do này.
Có nguy cơ tuyệt chủng
Theo IWC, với mục đích “cung cấp cho việc bảo tồn thích đáng các nguồn dự trữ cá voi và do đó có thể tạo ra sự phát triển có trật tự của ngành công nghiệp săn bắt cá voi”, Iceland tiếp tục một “chương trình săn bắt cá voi khoa học” quy mô nhỏ sau lệnh cấm vận năm 1986.
Iceland rời IWC năm 1992 rồi tái gia nhập năm 2002 nhưng đưa ra “điều khoản” chống lại lệnh cấm vận. Iceland nối lại hoạt động săn bắt cá voi thương mại vào tháng 10/2006 trong một động thái “bị nhiều quốc gia phản đối gay gắt vì những gì họ coi là nỗ lực của Iceland để lách các quy định quốc tế”, theo tổ chức phi lợi nhuận Bảo tồn Cá voi và Cá heo (WDC).
Theo dữ liệu từ WDC, hơn 1.700 con cá voi minke, cá voi vây và cá voi sei đã bị giết ở Iceland kể từ lệnh cấm vận năm 1986. Có 852 con cá voi vây bị giết thịt ở Iceland từ năm 2006 đến 2018. Không có vụ săn bắt cá voi nào trong các mùa đánh bắt năm 2019, 2020 và 2021.
Cá voi vây được xếp vào danh sách các loài sắp nguy cấp của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), trong khi cá voi sei được phân loại là loài nguy cấp, tức là có nguy cơ tuyệt chủng. Sách đỏ của IUCN hiện không đề cập rõ tình trạng của cá voi minke.
Cá voi sei là một loài cá voi thuộc phân bộ Cá voi tấm sừng hàm, thuộc họ Cá voi lưng gù, và là loài cá voi lớn thứ ba sau cá voi xanh và cá voi vây. Chúng sinh sống chủ yếu ở các đại dương và các vùng biển liền kề, ưa thích vùng biển ngoài khơi nước sâu, theo Wikipedia.
Cá voi là tên gọi chung cho nhiều loài động vật dưới nước trong bộ Cá voi (Cetacea). Thuật ngữ cá voi đôi khi ám chỉ mọi loài trong bộ Cá voi, nhưng không bao gồm các loài cá heo và cá heo chuột vì chúng thuộc về phân bộ Odontoceti (cá voi có răng), theo Wikipedia. Phân bộ này cũng bao gồm cá nhà táng, cá hổ kình, cá voi hoa tiêu, và cá voi trắng. Phân bộ cá voi khác bao gồm Mysticeti. Phân bộ này cũng bao gồm cá voi xanh, cá voi lưng gù, cá voi đầu cong và cá voi mũi nhọn. Việc săn bắt cá voi là một nguy cơ dẫn đến sự tuyệt chủng của các loài cá voi.