Lý do khách sạn lâu đời nhất Hội An phải nhận 'án' hủy niêm yết
Là khách sạn đầu tiên tại thị xã Hội An (hoạt động kể từ năm 1991) và chưa bao giờ thua lỗ trước khi COVID-19 xảy ra, nhưng đơn vị này lại đang đối mặt với 'án' hủy niêm yết khi thua lỗ kéo dài 3 năm liên tiếp.
Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE) vừa ra quyết định hủy niêm yết cổ phiếu mã HOT của Công ty Cổ phần Du lịch Dịch vụ Hội An.
Theo đó, 8 triệu cổ phiếu HOT sẽ bị hủy niêm yết trên sàn HoSE từ ngày 27/04/2023. Lý do doanh nghiệp này có kết quả sản xuất kinh doanh thua lỗ trong 3 năm liên tục, thuộc trường hợp chứng khoán bị hủy niêm yết bắt buộc theo quy định. Ngày giao dịch cuối cùng trên sàn HOSE của cổ phiếu HOT là 26/4.
Báo cáo tài chính được công bố cho thấy, trong 3 năm từ 2020-2022, HOT liên tục kinh doanh thua lỗ. Tổng số lỗ đã lên tới gần 63 tỷ đồng. Trong đó, năm 2020, công ty đã lỗ khoảng 23 tỷ đồng và năm 2021 lỗ gần 21 tỷ đồng.
Mới đây, ban lãnh đạo HOT đã trình bày phương án khắc phục lỗ trong năm 2023. Một số biện pháp được đưa ra như tăng cường quảng bá, hướng đến du lịch xanh... Theo đó doanh thu và lợi nhuận trong những tháng đầu năm đã tích cực hơn và có thể thoát lỗ trong quý I/2023.
Hồi cuối tháng 2 năm nay, HOT cũng là mã cổ phiếu có diễn biến "lạ" với 5 phiên liên tiếp tăng giá kịch trần dù đang thuộc diện hạn chế giao dịch và có nguy cơ hủy niêm yết.
Giải trình cổ phiếu tăng trần nhiều phiên liên tục, lãnh đạo HOT cho biết tình hình hoạt động kinh doanh của công ty đang dần hồi phục sau hơn 2 năm ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Các chi nhánh trực thuộc và công ty thành viên vẫn đang hoạt động kinh doanh bình thường và không có biến động gì đặc biệt.
Tình trạng giá giao dịch cổ phiếu HOT tăng trần năm phiên liên tiếp từ ngày 20 đến 24/2 với khối lượng giao dịch 1.900 cổ phiếu là do nhu cầu mua bán của thị trường chứng khoán và các nhà đầu tư quyết định nằm ngoài khả năng kiểm soát của doanh nghiệp. Công ty không có bất cứ sự can thiệp hay tác động nào đến giá giao dịch của cổ phiếu HOT trên thị trường chứng khoán.
Trước đó, 2 mã cổ phiếu khác cũng đã được thông báo về việc hủy niêm yết bắt buộc, đó là VKC của Công ty CP VKC Holdings và HHG của Công ty CP Hoàng Hà.
Theo chuyên gia, khi cổ phiếu bị hủy niêm yết, nhà đầu tư vẫn được đảm bảo về giá trị sở hữu cổ phiếu, nhưng giá trị tài sản của cổ phiếu và tính thanh khoản có thể bị ảnh hưởng.
Điều lo ngại nhất với nhiều cổ đông là họ sẽ rất khó chuyển số cổ phiếu đang nắm giữ thành tiền mặt. Lời khuyên được đưa ra, trong trường hợp cổ phiếu bị hủy niêm yết không chuyển sàn, nhà đầu tư nên liên hệ với doanh nghiệp và đề nghị cấp sổ cổ đông, xem lại các chính sách thu mua lại cổ phiếu của doanh nghiệp nếu có.
Trường hợp cổ phiếu bị hủy niêm yết chuyển sàn, xuống sàn thấp hơn, các nhà đầu tư sẽ được giao dịch tại sàn mới. Tuy nhiên, tính thanh khoản sẽ thấp do giá trị cổ phiếu đã giảm.