Lý do khiến các CLB Hàn Quốc gục ngã trước những đại diện Đông Nam Á
Ở lượt trận thứ hai vòng bảng AFC Champions League 2022, ba đại diện của Hàn Quốc cùng nhận thất bại trước các đối thủ từ Đông Nam Á. Đây là một sự trùng hợp không tưởng.
Vẫn biết trong bóng đá, chuyện gì cũng có thể xảy ra. Tuy nhiên, việc các CLB Hàn Quốc cùng thua trước ba đội bóng Đông Nam Á trong ngày thi đấu 18/4 là chuyện chưa từng xảy ra trong lịch sử AFC Champions League.
Jeonnam Dragons thua 0-2 trước BG Pathum (Thái Lan). Daegu bị Lion City (Singapore) đè bẹp 0-3. Còn Ulsan Hyundai "ngã ngựa" 1-2 khi đối đầu Johor Darul Ta'zim (Malaysia).
Nếu trận thua của Jeonnam Dragons trước BG Pathum có thể được lý giải dễ dàng từ góc độ chuyên môn, thì hai màn trình diễn từ Daegu lẫn Ulsan Hyundai không khác gì cú sốc.
Phong độ sa sút
Jeonnam Dragons là đội bóng có truyền thống của Hàn Quốc. Họ từng vô địch K.League 1 năm 1997 và 4 lần lên ngôi FA Cup (cúp Quốc gia). Tuy nhiên, đội bóng cũ của HLV Park Hang-seo sa sút trong vài năm trở lại đây. Họ xuống chơi ở K.League 2 sau mùa 2018 và chưa thể trở lại hạng đấu cao nhất của bóng đá Hàn Quốc.
Mùa giải năm ngoái, Jeonnam Dragons gây bất ngờ lớn khi vô địch FA Cup. Họ vượt qua nhiều đội bóng mạnh của Hàn Quốc như Pohang Steelers hay Deagu. Với tư cách nhà vô địch cúp Quốc gia, Jeonnam Dragons có suất dự AFC Champions League 2022.
Chính vì thế, Jeonnam Dragons không được đánh giá quá cao so với các đối thủ khác ở bảng G của AFC Champions League mùa này. Ở lượt trận đầu tiên, đại diện Hàn Quốc chỉ vượt qua United City, đối thủ từ Philippines, với tỷ số 1-0.
Tại K.League 2 mùa này, Jeonnam Dragons cũng không có phong độ cao khi xếp thứ 6 trên bảng xếp hạng. Đối đầu BG Pathum, Jeonnam Dragons có thể nhỉnh hơn đại diện Thái Lan về mặt chất lượng nội binh. Tuy nhiên, số lượng và trình độ ngoại binh của hai đội lại có sự chênh lệch lớn.
Ở trận đấu ngày 18/4, đội hình xuất phát của Jeonnam Dragons chỉ có hai ngoại binh là Leonard Pllana (Kosovo) và Yuhei Sato (Nhật Bản), trong khi BG Pathum sử dụng tối đa 4 ngoại binh có thể. Những cầu thủ chất lượng như Andres Tunez, Diogo, Ikhsan Fandi hay Victor Cardozo giúp CLB Thai League tạo ra khác biệt.
Ở AFC Champions League mùa trước, BG Pathum United từng chơi sòng phẳng với hai đại diện hàng đầu của Hàn Quốc, Jeonbuk Hyundai Motors và Ulsan Hyundai. Tại vòng 16 đội, CLB Thái Lan chỉ chịu thua Jeonbuk Hyundai Motors trên chấm luân lưu.
Chiến thắng 2-0 của BG Pathum trước Jeonnam Dragons vì thế không được giới chuyên môn xem như bất ngờ lớn. Ngược lại, việc cả Daegu lẫn Ulsan Hyundai thua thuyết phục trước hai CLB ASEAN không khác gì cơn địa chấn.
Lion City Sailors là một trong những đội bóng giàu có hàng đầu Đông Nam Á hiện tại. Đại diện Singapore được đầu tư rầm rộ trong hai năm trở lại đây. Chủ tịch Forrest Li rót tiền chiêu mộ nhiều cầu thủ ngoại chất lượng cho đội bóng.
Tháng 1/2021, Lion City chiêu mộ tiền vệ Diego Lopes từ Rio Ave, CLB đang chơi giải VĐQG Bồ Đào Nha, với giá 1,8 triệu euro. Lopes mới 27 tuổi và đang là trụ cột của CLB Bồ Đào Nha. Các trụ cột khác như Maxime Lestienne, Pedro Henrique hay Kim Shin-wook đều đủ sức đá chính cho nhiều CLB hàng đầu châu Á hiện tại.
Giống như chiến thắng của BG Pathum, các ngoại binh của Lion City cũng là nhân tố tạo ra khác biệt. Ngoài trung phong Kim Shin-wook, ba ngoại binh còn lại của Lion City đều chơi ấn tượng trong chiến thắng 3-0 trước Daegu.
Tất nhiên, xét về mặt chất lượng đội hình tổng thể, Daegu vẫn được đánh giá cao hơn Lion City, đội bóng chơi ở giải VĐQG Singapore. Daegu có ngày thi đấu dưới sức. CLB Hàn Quốc cầm bóng tới 65% cả trận, tung tới 24 cú sút về phía khung thành Lion City nhưng không thể ghi bàn. Ngược lại, sự thực dụng và khả năng dứt điểm chính xác của các mũi nhọn trên hàng công giúp Lion City gây bất ngờ.
Một khía cạnh khác cũng cần nói đến đó là việc Daegu đang có phong độ không cao, khi xếp thứ 10 trên bảng xếp hạng K.League 1 mùa này. 4 trận gần nhất ở giải VĐQG Hàn Quốc, họ thua 3 và hòa 1.
Ngoại binh tạo ra sự khác biệt
Nếu Jeonnam Dragons và Daegu đang có phong độ sa sút ở giải quốc nội, thì Ulsan Hyundai lại chơi thăng hoa từ đầu mùa. Họ dẫn đầu bảng xếp hạng K League 1 mùa này sau 9 vòng đấu. Người ta không thể nghi ngờ tham vọng của CLB ở sân chơi châu lục. Ulsan Hyundai cũng thường tiến sâu ở giải đấu và vô địch AFC Champions League 2020.
Chính vì thế, việc Ulsan Hyundai thua Johor Darul Ta'zim 1-2 có thể coi là cú sốc lớn nhất trong ngày thi đấu 18/4 của AFC Champions League. Đội bóng của Malaysia có ngày thi đấu xuất thần. Họ chỉ sở hữu 35% thời lượng bóng cả trận, nhưng tung ra tới 5 cú dứt điểm trúng đích về phía khung thành đối thủ (Ulsan Hyundai có 6).
Giống như các chiến thắng của BG Pathum hay Lion City, những ngoại binh chất lượng của Johor Darul Ta'zim tạo ra sự khác biệt. Hai chân sút Fernando Forestieri và Bergson ghi 2 bàn giúp CLB Malaysia chiến thắng.
Ở tuổi 31, Bergson là ngoại binh có trình độ tốt từ Brazil. Trong khi đó, Forestieri khoác áo Udinese trước khi cập bến Johor Darul Ta'zim. Mùa này, anh từng ra sân 4 trận ở Serie A, ghi 2 bàn và có 1 kiến tạo.
Ưu thế sân nhà cũng là nguyên nhân khác giúp các CLB Đông Nam Á tạo ra địa chấn. Đại diện của Malaysia giành quyền đăng cai các trận đấu ở bảng I AFC Champions League mùa này. Năm ngoái, sân nhà của Johor Darul Ta'zim cũng được chọn tổ chức vòng bảng AFC Champions League. Đây cũng là năm thứ hai liên tiếp BG Pathum được chơi các trận vòng bảng tại Thái Lan.
Điểm chung của Johor Darul Ta'zim, Lion City và BG Pathum là cả 3 CLB này đều có tiềm lực tài chính vào loại hàng đầu ASEAN hiện tại. Các ông chủ của họ không tiếc tiền chiêu mộ ngoại binh giỏi. Johor Darul Ta'zim, Lion City và BG Pathum đều thi đấu nghiêm túc ở AFC Champions League. Tất cả yếu tố kể trên tạo ra một ngày thi đấu đáng nhớ cho bóng đá Đông Nam Á.