Lý do khiến khối ngoại mạnh tay mua ròng cổ phiếu DGC

VN-Index ghi nhận một phiên tăng bùng nổ hơn 20 điểm (phiên 28/8). Khối ngoại trở thành điểm sáng khi mua ròng xấp xỉ 103 tỷ đồng trên HoSE, trong đó cổ phiếu DGC của CTCP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang được mua ròng mạnh nhất với giá trị 120 tỷ đồng.

Đóng cửa phiên giao dịch, cổ phiếu DGC tăng 5,0% lên mức 83.800 đồng/cp với thanh khoản hơn 4,2 triệu cổ phiếu. Đây cũng là mức cao nhất 11 tháng trở lại đây của cổ phiếu này. Tính từ cuối tháng 5/2023 đến nay, cổ phiếu này đã ghi nhận mức tăng khoảng 50%.

Cổ phiếu DGC được khối ngoại mua ròng mạnh nhất với giá trị 120 tỷ đồng trong phiên 28/8.

Cổ phiếu DGC được khối ngoại mua ròng mạnh nhất với giá trị 120 tỷ đồng trong phiên 28/8.

Trở lại việc mua ròng mạnh mẽ của khối ngoại. Diễn biến này được cho là ảnh hưởng tích cực sau những thông tin cho thấy, nhu cầu của thế giới đối với phốt pho Việt Nam sẽ tăng đột biến trong năm sau và giá phốt pho được dự báo sẽ phục hồi từ mức thấp.

Theo dữ liệu World Semiconductor Trade Statistics (WSTS), thị trường chất bán dẫn toàn cầu mặc dù sẽ chứng kiến sự sụt giảm lên đến hai con số trong năm nay nhưng diễn biến sẽ tươi sáng hơn trong năm 2024.

Cụ thể, ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu được WSTS dự báo sẽ tăng trưởng tới 11,8% trong năm sau, lên mức 576 tỷ USD nhờ phân khúc bộ nhớ có thể tăng trưởng tới 40% so với năm 2023.

Ngoài ra, Hiệp hội Quốc tế về Thiết bị và Vật liệu Bán dẫn (SEMI) dự kiến doanh thu toàn cầu của ngành sản xuất chất bán dẫn sẽ phục hồi vào năm 2024, đạt 100 tỷ USD tương ứng mức tăng 14,4% so với năm 2022.

Theo ban lãnh đạo Hóa chất Đức Giang, đến cuối năm 2024, nhu cầu phốt pho của Việt Nam sẽ tăng đột biến khi các nhà máy sản xuất pin và chip mới ở Đông Á và Bắc Mỹ đa dạng hóa nguồn cung ngoài Trung Quốc.

“Giá phốt pho trong nửa cuối năm nay sẽ duy trì ở mức 4.000 – 4.300 USD/tấn và sẽ tăng lên mức 4.600 - 5.000 USD/tấn trong năm 2024. Kéo theo đó, lợi nhuận ròng của Tập đoàn Hóa chất Đức Giang có thể đạt 4.000 tỷ đồng trong năm 2024, tăng 19,5% so với mức ước tính của năm nay”, VNDIRECT Research dự báo.

Tập đoàn Hóa chất Đức Giang hiện là doanh nghiệp có sản lượng xuất khẩu lớn nhất châu Á về phốt pho vàng - vật liệu quan trọng trong công nghệ sản xuất chất bán dẫn và trong ngành F&B.

Đáng chú ý, trong quý III này, Hóa chất Đức Giang dự kiến sẽ hoàn thành việc sửa chữa Nhà máy Phốt pho của CTCP Phốt pho 6, xây dựng Nhà máy Sodium fluorosilicate, và dây chuyền NPK tại Đắk Nông.

“Lãi ròng của tập đoàn hóa chất này trong quý III/2023 và quý IV/2023 sẽ có mức tăng trưởng lần lượt là 2,3% và 4,2%, nhờ sự đóng góp từ CTCP Phốt pho 6 và đẩy mạnh mặt hàng Axit photphoric khi nhu cầu cao hơn từ thị trường Ấn Độ và Hoa Kỳ”, VNDIRECT Research nhận định.

Trong dài hạn, động lực tăng trưởng của “ông lớn” ngành hóa chất này còn đến từ Dự án bauxite nhôm. Ngày 18/7 vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, quy hoạch khai thác khai thác bauxite tối đa là 118 triệu tấn nguyên liệu/năm.

“Điều này có lợi cho những người doanh nghiệp trong nước có trình độ kỹ thuật cao và tài chính lành mạnh như Tập đoàn Hóa chất Đức Giang, tăng cơ hội nhận được giấy phép khai thác với chi phí thấp”, VNDIRECT Research chỉ ra.

Châu Giang

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//co-phieu/ly-do-khien-khoi-ngoai-manh-tay-mua-rong-co-phieu-dgc-1094970.html