Lý do khiến ngành ôtô Trung Quốc hụt hơi trước đối thủ ngoại

Hồi tháng 10, doanh số bán ôtô hàng tháng của Trung Quốc tăng trưởng hai con số so với cùng kỳ năm ngoái, đồng thời phục hồi về mức trước đại dịch. Dù vậy, các nhà sản xuất ôtô Trung Quốc đang đối mặt với thử thách cực lớn trong cuộc đua với các đối thủ ngoại. TCDN -

Mùa hè năm nay, Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc thăm trụ sở tập đoàn sản xuất xe hơi FAW Group tại tỉnh Cát Lâm. Theo Tân Hoa Xã, trong chuyến thăm, ông Tập xem mẫu xe Hồng Kỳ (Hongqi) mới nhất của FAW.

Giới trong ngành coi Hồng Kỳ là biểu tượng của xe hơi nội địa Trung Quốc. "Thương hiệu Hồng Kỳ không chỉ mang tinh thần dân tộc, mà còn biểu trưng cho các yếu tố công nghệ mới và chất lượng cao của xe hơi nội địa", ông Hứa Liêu Bình, Chủ tịch FAW Group, phát biểu với Tân Hoa Xã.

Với 1,4 tỷ dân, Trung Quốc là thị trường ôtô lớn trong vài thập niên gần đây. Hồi tháng 10, doanh số bán ôtô hàng tháng của Trung Quốc tăng trưởng hai con số so với cùng kỳ năm ngoái, đồng thời phục hồi về mức trước đại dịch. Dù vậy, các nhà sản xuất ôtô Trung Quốc đang đối mặt với thử thách cực lớn.

Nikkei Asian Review nhận định người tiêu dùng Trung Quốc không coi trọng các thương hiệu ôtô trong nước. Số liệu cho thấy các mẫu sedan bán chạy nhất trong tháng 9 tại Trung Quốc đều thuộc các công ty nước ngoài, với các thương hiệu dẫn đầu là Toyota, Nissan và Honda (Nhật Bản), Volkswagen (Đức) và General Motors (Mỹ).

Giới chức Trung Quốc luôn muốn gây dựng và nuôi dưỡng một thương hiệu xe hơi quốc gia. Trong tài liệu chiến lược toàn diện đầu tiên về lĩnh vực ôtô năm 1994, chính phủ đặt mục tiêu thành lập 3-4 tập đoàn ôtô có khả năng cạnh tranh quốc tế vào năm 2010 và tham gia cuộc đua quốc tế thông qua hệ thống sản xuất và phát triển độc quyền.

Hồi năm 2009, Trung Quốc trở thành thị trường dẫn đầu châu Á về doanh số tiêu thụ và sản xuất ôtô. Dù vậy, các nhà sản xuất xe nội địa Trung Quốc vẫn chưa thể cạnh tranh ngang ngửa với đối thủ từ nước ngoài.

Hiệp hội Sản xuất Ôtô Trung Quốc ước tính thị phần của các hãng xe hơi Trung Quốc trong năm 2009 đạt 44,3%. Thị phần tăng lên 45,6% trong năm tiếp theo, rồi giảm dần cho đến hiện tại.

Doanh số trong 10 tháng đầu năm nay của các hãng xe nội địa giảm 14,1% so với cùng kỳ năm ngoái, đẩy thị phần tiêu thụ xe nội địa xuống 37,1%. Doanh số xe nội chỉ bằng 66,7% lượng xe các thương hiệu nước ngoài bán ra.

Số liệu của Tân Hoa Xã cho thấy, doanh số xe Hồng Kỳ dù tăng gấp đôi trong 9 tháng đầu năm nay, lên 130.000 xe, nhưng chiếm chưa tới 1% so với toàn thị trường Trung Quốc.

"Xe hơi nội địa thường chiếm thị phần áp đảo ở các thị trường lớn. Nhưng tình trạng đó không diễn ra ở Trung Quốc", ông Stephen Dyer, Giám đốc AlixPartners (Thượng Hải) và là cựu giám đốc Ford Trung Quốc, bình luận. Dyer nhận định xu hướng lựa chọn xe nội địa cũng sẽ xuất hiện ở Trung Quốc, song quá trình ấy sẽ diễn ra rất chậm.

Điều oái oăm là các liên doanh với thương hiệu nước ngoài mà những nhà sản xuất ôtô quốc doanh dựa vào lại chính là nhân tố chính kìm hãm sự phát triển của ôtô trong nước. SAIC Motor, nhà sản xuất ôtô lớn nhất Trung Quốc, thuộc Tập đoàn FAW là một ví dụ.

Trong năm 2019, SAIC Motor báo cáo lợi nhuận ròng 25,6 tỷ NDT (3,87 tỷ USD), trong đó lợi nhuận từ những đối tác liên doanh và liên kết với Volkswagen và General Motors chiếm tới 23 tỷ NDT (3,4 tỷ USD), tức gần 90% lợi nhuận của công ty.

Sự phụ thuộc vào liên doanh nước ngoài thể hiện rõ ràng hơn đối với các hãng ôtô quốc doanh khác như Dongfeng hay Tập đoàn Quảng Châu, nghĩa là lợi nhuận từ hoạt động liên doanh phải bù lỗ cho hoạt động kinh doanh xe sản xuất trong nước.

Nhã Vy

Nguồn TCDN: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/ly-do-khien-nganh-oto-trung-quoc-hut-hoi-truoc-doi-thu-ngoai-d16751.html