Lý do 'Mưa lửa' nhanh bùng nổ nhưng sớm lụi tàn
Phim tài liệu về các anh tài 'cháy vé' trong vài ngày đầu tiên, nhưng nhanh chóng hạ nhiệt ở những ngày kế tiếp. Thực tế, đây không phải hiện tượng lạ với dòng phim này.
Mưa lửa, bộ phim về chương trình Anh trai vượt ngàn chông gai gây sốt năm 2024, được người hâm mộ háo hức chờ đón ngay từ khi ấn định lịch chiếu. Với thể loại âm nhạc/tài liệu, tác phẩm tái hiện những giây phút thăng hoa trên sân khấu của dàn nghệ sĩ, cùng nhiều khoảnh khắc, chi tiết chưa công bố, nơi dàn anh tài tiết lộ những bí mật chưa từng được nói ra khi nhận lời tham gia show.
Từ thời điểm đó, hàng loạt “Gai Con” đã sốt sắng lên kế hoạch mua vé, ủng hộ bộ phim cũng như dàn anh tài. Vậy nên không ngạc nhiên khi ngay tại thời điểm chào sân, Mưa lửa đã nhanh chóng hâm nóng rạp chiếu. Sau khi cơn sốt Thám tử Kiên và Lật mặt 8 có dấu hiệu hạ nhiệt, bộ phim tài liệu thừa cơ vươn lên, ghi dấu ấn thành tích ngay từ ngày đầu ra mắt.
Cơn sốt ngắn ngủi
Trưa 13/5, Mưa lửa chính thức mở bán vé trên toàn quốc. Chỉ trong ít phút, phim đã rơi vào tình trạng “cháy vé”. Đến chiều cùng ngày, nhà phát hành Galaxy Studio thông báo Mưa lửa bán ra 20.000 vé.
Tới 16/5, bộ phim tài liệu chính thức đặt chân ra rạp, lập thành tích chào sân khá ấn tượng. Theo Box Office Vietnam, phim đã thu tổng cộng 5 tỷ đồng trong ngày đầu tiên công chiếu chính thức (tính cả lượng vé đặt trước). Thậm chí, Mưa lửa còn vượt cả Lật mặt 8, chỉ xếp sau Thám tử Kiên trên bảng tổng sắp phòng vé.
Tuy số suất chiếu tác phẩm khá hạn chế (chỉ khoảng gần 350 suất/ngày), nhưng bình quân lại lên tới hơn 30 vé bán ra trên mỗi suất chiếu, cho thấy mức độ “chịu chi” của các Gai Con. Qua khảo sát của Tri Thức - Znews tại các cụm rạp, Mưa lửa đạt tỷ lệ lấp đầy ấn tượng khi thông thường chỉ còn sót lại 2-3 hàng ghế cho mỗi ca chiếu, thậm chí có suất không còn ghế trống.
Với mở màn khả quan, nhiều ý kiến dự đoán phim hoàn toàn đủ tiềm năng chạm tới những cột mốc phòng vé xa hơn, nhờ sự ủng hộ đông đảo từ fandom Anh trai vượt ngàn chông gai.
Thế nhưng chỉ ít ngày sau, Mưa lửa lại bất ngờ giảm nhiệt một cách nhanh chóng. Như trong hôm 22/5, tức sau tròn 1 tuần chiếu, tác phẩm chỉ dắt túi khoảng 400 triệu đồng, nâng tổng doanh thu lên mức hơn 8 tỷ.
Với tình hình phòng vé hiện tại, phim rất khó có cú lội ngược dòng, đặc biệt khi bom tấn hoạt hình Doraemon sẽ cập bến rạp Việt từ 23/5, cùng dàn phim quốc tế khác với số lượng đông đảo.

Mưa lửa khó vượt doanh thu phim tài liệu Anh trai say hi.
Trao đổi với Tri Thức - Znews, ông Nguyễn Khánh Dương - Founder của Box Office Vietnam - nhận định với sự đổ bộ của loạt phim thiếu nhi, Mưa lửa rất ít có cơ hội vượt qua cột mốc doanh thu 14,7 tỷ của phim tài liệu Anh trai say hi ra mắt trước đó.
“Việc Mưa lửa vượt doanh thu của phim Anh trai say hi rất khó, do đặc thù kênh phát hành của 2 dự án khác nhau. Bởi vì phim Anh trai say hi còn được hưởng lợi từ độ phủ của kênh phát hành nhà CGV”, chuyên gia nhận định.
Ông Dương nói thêm: “Ngay cả trên thế giới, các phim concert cũng khó lòng có độ phủ hoặc duy trì tại rạp ổn định như các phim điện ảnh. Hành vi của tệp khán giả xem concert và người đi xem phim điện ảnh là khác nhau”.
Lý giải cho hiện tượng Mưa lửa, hay các phim tài liệu âm nhạc nói chung, lại chỉ tạo được những cơn sốt ngắn ngoài phòng vé, khả năng trụ rạp kém, chuyên gia cho rằng đó là do nội dung và trải nghiệm mà chúng mang lại.
Cụ thể, phim concert tập trung vào trải nghiệm âm nhạc, thường hướng tới fanbase của nhóm nghệ sĩ cụ thể. Hầu hết nội dung, các tiết mục trong phim cũng đã diễn ra, khán giả có thể từng trải nghiệm trực tiếp, hoặc xem qua các nền tảng mạng xã hội…
Vì lẽ đó, động lực ra rạp của người xem sẽ giảm. Mặt khác, phim về concert cũng có độ phủ sóng thấp, chiếu trong thời gian ngắn và chỉ tại một số cụm rạp nhất định. Vậy nên, điều này làm giới hạn cơ hội tiếp cận của tác phẩm với người xem đại chúng.
Không phải “hiện tượng lạ”
Sự giảm nhiệt nhanh chóng của Mưa lửa tại phòng vé Việt Nam không phải trường hợp cá biệt, mà nằm trong quy luật vận hành quen thuộc của dòng phim concert trên toàn cầu.
Ngay cả phim tài liệu/âm nhạc của những ngôi sao âm nhạc hàng đầu như Taylor Swift, BTS hay BLACKPINK - với tầm ảnh hưởng và mức độ phủ sóng rộng rãi - cũng không thể duy trì sức sống lâu dài tại rạp.

Phim tài liệu/âm nhạc thường giảm nhiệt nhanh chóng sau tuần mở màn.
Như một “mẫu số chung”, các phim concert dù khởi đầu bùng nổ, lại thường bị giới hạn trong phạm vi fanbase và nhanh chóng hụt hơi chỉ sau một tới hai tuần phát hành.
Một ví dụ điển hình là Taylor Swift: The Eras Tour - phát hành tháng 10/2023 - từng được coi là hiện tượng chưa từng có của dòng phim này. Chỉ riêng tại thị trường Bắc Mỹ, tác phẩm đã thu về 93,2 triệu USD trong cuối tuần mở màn, thành tích cao nhất lịch sử với một bộ phim concert (thống kê từ Box Office Mojo). Tuy nhiên, sau cú chào sân bùng nổ, doanh thu phim giảm gần 66% ở tuần tiếp theo (còn 31 triệu USD), rồi tiếp tục “rơi tự do” ở các tuần kế tiếp.
Taylor Swift: The Eras Tour lết những bước uể oải ngoài phòng vé cho tới tuần thứ 5, kịp dắt túi thêm gần 3 triệu USD, trước khi buộc phải đẩy nhanh kế hoạch phát hành trực tuyến để tận dụng sức nóng còn sót lại.
Trước đó, BTS: Yet To Come in Cinemas - ra mắt đầu tháng 2/2023, cũng có mở màn khả quan, thu 40 triệu USD sau khoảng 1 tuần. Tuy nhiên, lượng suất chiếu phim bị giới hạn đáng kể ngay sau tuần chào sân, dẫn đến doanh thu hàng tuần tụt giảm nhanh chóng, không duy trì được sức nóng ổn định.
Theo Box Office Pro, mô hình phát hành kiểu “event cinema” như vậy tập trung thu hút sự chú ý khi mở bán các suất chiếu giới hạn, đặc biệt trong tuần mở màn. Mô hình này vốn được thiết kế để thu hút fanbase, chứ không tạo được ảnh hưởng và hiệu quả tới khán giả đại chúng. Cũng vì vậy, phim concert thiệt thòi hơn những dự án điện ảnh thương mại ở chỗ “tuổi đời” không dài.
Một ví dụ rõ nét khác là Renaissance: A Film By Beyoncé - bộ phim tài liệu về chuyến lưu diễn của Beyoncé, công chiếu tháng 12/2023. Theo NME, tác phẩm đã làm mưa làm gió và dẫn đầu phòng vé nội địa ngay khi ra mắt, mang về 21 triệu USD chỉ trong tuần mở màn ở thị trường Bắc Mỹ.

Taylor Swift: The Eras Tour là phim tài liệu âm nhạc ăn khách nhất hiện tại.
Tuy nhiên, bước sang tuần thứ 2, Renaissance: A Film By Beyoncé chứng kiến mức sụt giảm kỷ lục, lên tới 77%, khi chỉ dắt túi 5 triệu USD và tụt xuống vị trí thứ 5 ngoài phòng vé.
Tờ ScreenRant nhận định lý do lớn nhất đằng sau mức giảm 77% của Renaissance: A Film by Beyoncé là hầu hết người hâm mộ cuồng nhiệt đã xem phim ngay trong tuần ra mắt. Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến thành tích chào sân bùng nổ của bộ phim. Những tác phẩm như vậy chủ yếu thu hút cộng đồng fan của nghệ sĩ, và họ sẽ đổ xô ra rạp ngay từ những suất chiếu đầu tiên.
Song ngay sau khi cơn sốt này chấm dứt, hành trình của phim cũng gần như đi tới hồi kết. Chúng không có sức hấp dẫn đáng kể với đại chúng, rất khó tạo hiệu ứng kéo chân người xem ở những tuần tiếp theo, nên đành phải nhường lại sân chơi cho những dự án thương mại - vốn có phổ biến và “tuổi đời” bền bỉ hơn hẳn.
Nguồn Znews: https://znews.vn/ly-do-mua-lua-nhanh-bung-no-nhung-som-lui-tan-post1555040.html