Lý do Mỹ cử đoàn quan chức hùng hậu sang viếng cố tổng thống UAE
Ngày 16/5, đoàn quan chức cấp cao Mỹ do Phó Tổng thống Kamala Harris dẫn đầu bay đến Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE) để viếng cố tổng thống và gặp nhà lãnh đạo mới, trong bối cảnh chính quyền Mỹ đang nỗ lực hàn gắn quan hệ rạn nứt với đối tác quan trọng này.
Tham gia phái đoàn có Ngoại trưởng Antony Blinken, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin, Giám đốc CIA William Burns và Đặc phái viên khí hậu John Kerry, cùng với các quan chức khác. Đây là chuyến thăm cấp cao nhất mà chính quyền Biden cử đến Abu Dhabi.
UAE vừa bổ nhiệm Thái tử Abu Dhabi Sheikh Mohammed bin Zayed Al Nahyan làm tổng thống kế nhiệm, sau khi anh trai cùng cha khác mẹ của ông qua đời vào ngày 13/5. Sheik Mohammed đã trở thành nhà lãnh đạo trên thực tế và định hình chính sách đối ngoại của đất nước từ khi Sheikh Khalifa bin Zayed Al Nahyan bị đột quỵ cách đây 1 thập kỷ.
Với ảnh hưởng lớn của Abu Dhabi đối với phương Tây và các quốc gia Ả-rập, nhiều tổng thống và thủ tướng đã đến Abu Dhabi vào cuối tuần qua để viếng cố Tổng thống Sheikh Khalifa, ca ngợi tân Tổng thống Sheikh Mohammed và thắt chặt quan hệ. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Anh Boris Johnson là hai lãnh đạo châu Âu đầu tiên bay đến thủ đô của UAE.
Trước khi đến Abu Dhabi, Phó Tổng thống Mỹ Harris cho biết bà thay mặt Tổng thống Joe Biden đến để chia buồn với UAE khi nhà lãnh đạo Sheikh Khalifa qua đời và xốc lại quan hệ quan trọng của Mỹ với UAE.
“Mỹ rất coi trọng sức mạnh của quan hệ giữa chúng ta và quan hệ đối tác với UAE. Chúng tôi sẽ đến đó để chia buồn và cũng như để thể hiện cam kết của chúng tôi đối với sức mạnh của quan hệ đó”, AP dẫn lời bà Harris nói với báo chí.
Giới chức Mỹ không nói rõ về chương trình nghị sự của chuyến đi, nhưng được cho là sẽ xoa dịu sự khó chịu lâu nay của UAE về bảo đảm an ninh của Mỹ ở khu vực, cũng như những căng thẳng nảy sinh vì cuộc xung đột ở Ukraine.
Cùng với Ả-rập Xê-út, UAE đang chịu sức ép của Mỹ về việc phải quay lưng với Mátxcơva và bơm thêm dầu để hạ nhiệt thị trường năng lượng, trong bối cảnh châu Âu đang nỗ lực giảm phụ thuộc vào khí đốt và dầu mỏ từ Nga.
Tuy nhiên, UAE cũng là đối tác thương mại quan trọng của Nga và là thành viên của liên minh xuất khẩu dầu mỏ OPEC+. Emiratis bác bỏ yêu cầu của Mỹ, một phần do đánh giá rằng Mỹ không còn là một đối tác đáng tin cậy về an ninh của khu vực.
Sau khi lên nắm quyền, ông Biden đưa nhóm phiến quân Houthi thân Iran ở Yemen ra khỏi danh sách khủng bố, trong khi lực lượng này vẫn tấn công bằng tên lửa vào UAE và Ả-rập Xê-út. Washington cũng đang nỗ lực khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran, dù các quốc gia vùng Vịnh sợ rằng điều này sẽ giúp Iran và các lực lượng thân cận mạnh lên.
Việc Mỹ đột ngột rút khỏi Afghanistan vào mùa hè năm ngoái và định hướng lâu dài về việc “xoay trục” khỏi Trung Đông để chuyển sang tập trung đối phó với Trung Quốc càng khiến các nước Ả-rập ở vùng Vịnh lo ngại. Chính quyền Biden cũng dừng thương vụ bán máy bay chiến đấu F-35 cho UAE mà chính quyền Donald Trump đã phê duyệt.
Đầu năm nay, Đại sứ UAE tại Mỹ Yousef al-Otaiba nói rằng quan hệ giữa hai đồng minh đang trải qua “phép thử căng thẳng”.