Lý do Mỹ vẫn bỏ trống vị trí đại sứ tại Ukraine dù căng thẳng với Nga leo thang
Hơn 1 năm kể từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Mỹ Joe Biden vẫn chưa bổ nhiệm Đại sứ tại Ukraine. Điều này đã làm dấy lên nhiều câu hỏi trong bối cảnh cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine ngày càng leo thang.
Cả chính quyền Biden và chính phủ Ukraine đều không đưa ra lời giải thích rõ ràng cho sự chậm trễ bổ nhiệm đại sứ mà các nhà ngoại giao cho rằng có thể gây ra nhiều thách thức trong việc thực hiện đối sách của hai nước ở giai đoạn khủng hoảng như hiện nay.
Vị trí đại sứ bị bỏ trống quá lâu
Nhiều nhà phân cho rằng, sự hiện diện của một đại sứ có thể giúp tháo gỡ những khúc mắc nảy sinh trong quan hệ của chính quyền Biden và chính quyền Tổng thống Volodymyr Zelensky. Song chưa rõ người Ukraine có thực sự mong muốn tiếp nhận đặc phái viên mà Tổng thống Biden đề cử hay không.
Vị trí này vẫn bị bỏ trống từ năm 2019 sau khi Tổng thống Mỹ Donald J. Trump sa thải đại sứ Mỹ tại Ukraine Marie L. Yovanovitch. Hành động này là một trong những chủ đề của cuộc điều tra liên bang lớn từng khiến ông Trump bị luận tội, với cáo buộc lạm dụng quyền hạn trong ban hành chính sách đối ngoại đối với Ukraine vì động cơ chính trị.
Hồi đầu tháng 2, hãng tin CBS cho biết, Tổng thống Joe Biden dự kiến công bố đề cử bà Bridget Brink trở thành đại sứ Mỹ kế tiếp tại Ukraine. Theo quy trình, Nhà Trắng sẽ chờ chính phủ đối tác nước ngoài chấp nhận ứng cử viên mà Washington lựa chọn, sau đó mới chính thức công bố đề cử để Thượng viện phê chuẩn. Nhưng phía Ukraine đến nay vẫn “im hơi lặng tiếng”.
Việc chính phủ một nước tiếp nhận xem xét và đánh giá đề cử đại sứ của đối tác là điều hoàn toàn bình thường, nhưng quá trình đánh giá thường diễn ra trong thời gian ngắn. Đại diện của Bộ Ngoại giao Ukraine và Đại sứ quán Ukraine tại Washington vẫn chưa đưa ra bất cứ phản hồi gì. Tuần trước, kênh truyền hình 112 của Ukraine cho biết, Ngoại trưởng nước này, ông Dmytro Kuleba xác nhận chính phủ Ukraine đang xem xét việc đề cử bà Bridget Brink.
Hiện Đại sứ quán Mỹ tại Ukraine vẫn do đại biện lâm thời của Mỹ, bà Christina Quinn điều hành. Nhiều nhà ngoại giao cho biết, bà Christina Quinn đã nhận được sự đánh giá cao của Bộ Ngoại giao Mỹ và của Ukraine, nhưng vẫn chưa thể đảm nhiệm vai trò đại sứ do không có sự đề cử của Nhà Trắng và sự chấp thuận của Thượng viện.
Ông Eric Rubin, Chủ tịch Hiệp hội Ngoại giao Mỹ cho rằng, việc có một đại sứ sẽ giúp hai nước dễ dàng phối hợp trong lập trường, hành động và các tuyên bố công khai. Thời gian gần đây phía Ukraine liên tục tách rời, thậm chí mâu thuẫn với các quan điểm của Mỹ. Bất chấp cảnh báo mạnh mẽ của Mỹ về một cuộc tấn công tiềm tàng của Nga vào Ukraine, Kiev vẫn hạ thấp nguy cơ này nhằm tránh gây hoảng loạn cho người dân.
Ông Rubin, từng là nhân viên Đại sứ quán Mỹ ở Kiev trong những năm 1990 nhận định: “Việc Mỹ không có đại sứ tại Ukraine vào thời điểm khủng hoảng như hiện nay là điều đáng lo ngại và đáng tiếc”.
Lý do khiến cà Mỹ và Ukraine đều chần chừ
Tổng thống Mỹ Biden vẫn chưa đề cử đại sứ tại hơn 20 quốc gia, nhưng ở thời điểm này, hiếm có vị trí nào quan trọng như đại sứ tại Ukraine. Nhiều chuyên gia đã đặt câu hỏi tại sao ông lại mất nhiều thời gian để lựa chọn ứng cử viên đến như vậy.
Một số người suy đoán rằng, Nhà Trắng có thể không mấy mặn mà với một cuộc điều trần xác nhận tại Thượng viện vì điều đó có thể dẫn đến một cuộc tranh cãi về Dòng chảy phương Bắc 2 – tuyến đường ống dẫn khí đốt tự nhiên từ Nga sang Đức. Nhiều thành viên của cả đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa từ lâu đã thúc đẩy các biện pháp trừng phạt dự án này trong khi chính quyền Biden vẫn lưỡng lự.
Hơn nữa, trong trường hợp Nga tiến hành một cuộc tấn công toàn diện vào Ukraine, nhiều khả năng Mỹ sẽ sơ tán các nhân viên đại sứ quán khỏi Ukraine. Điều đó khiến việc đảm bảo an toàn cho một đại sứ mới gặp nhiều khó khăn và do vậy, Mỹ chưa muốn bổ nhiệm vị trí này.
Về phía Ukraine, chưa rõ lý do tại sao nước này chưa chấp nhận ứng cử viên Bridget Brink mà chính quyền Biden đề cử dù bà Bridget Brink là một nhà ngoại giao kỳ cựu. Trước khi trở thành đại sứ Mỹ ở Slovakia, bà giữ chức phó đại sứ ở Gruzia và Uzbekistan. Bà cũng đảm nhiệm các vị trí phụ trách quan hệ ngoại giao giữa Mỹ với các nước ở Đông Âu, Nam Âu và Trung Á.
Một số nhà quan sát cho rằng, những vấn đề trọng tâm trong quan hệ Ukraine - Mỹ phần lớn được thực hiện thông qua Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine Andriy Yermak – người thường xuyên đối thoại với Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan và Ukraine nhiều khả năng muốn duy trì cách thức này.
Lý do khác có thể là các quan chức Ukraine trong những năm gần đây không có ấn tượng tốt về các đại sứ Mỹ - những người liên tiếp đưa ra tuyên bố khiển trách giới tinh hoa Ukraine về những thất bại trong quản lý, điều hành khiến nền kinh tế, chính trị nước này rơi vào tình trạng bất ổn. Và tiếp đến là sự không hài lòng với chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump, cùng việc sa thải bà Yovanovitch.
Ông Eric Rubin lưu ý rằng, vị trí đại sứ Mỹ tại Ukraine chỉ là một trong số hàng chục vị trí ngoại giao của Mỹ tại nước ngoài chưa được lấp đầy. Điều này một phần do sự phản đối của các thành viên đảng Cộng hòa tại Thượng viện, một phần do những lo ngại của chính quyền Biden. Tổng thống Biden có lẽ không muốn các đề cử của ông phải đối mặt với những thách thức trong các phiên điều trần của Thượng viện – vốn có thể gây trở ngại khi chính quyền xử lý những vấn đề khó khăn.
Tháng 1 vừa qua, ông Biden đã đề cử bà Jane Hartley – làm đại sứ tại Anh, đề cử này vẫn đang chờ sự xác nhận tại Thượng viện. Và trong khi Mỹ nỗ lực tiến hành các cuộc đàm phán với Nga để hạ nhiệt cuộc khủng hoảng Ukraine, ông Biden vẫn chưa đề cử đại sứ mới tại Moscow. Vai trò này vẫn do ông John Sullivan, người được bổ nhiệm dưới thời chính quyền Donald Trump đảm nhận./.