Lý do nào khiến khối ngoại bán ròng gần 3.500 tỷ đồng?

Từ đầu năm 2023 đến nay, giá trị bán ròng của khối ngoại vượt mức 20.000 tỷ đồng trên toàn thị trường, trong đó, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 22.600 tỷ đồng trên sàn HoSE.

VN-Index sau 2 phiên đầu tuần tăng điểm nhẹ ở vùng 1.130 điểm tương ứng vùng giá cao nhất tháng 11/2023 đã có 3 phiên liên tiếp chịu áp lực bán khá mạnh. Ảnh: TTXVN

VN-Index sau 2 phiên đầu tuần tăng điểm nhẹ ở vùng 1.130 điểm tương ứng vùng giá cao nhất tháng 11/2023 đã có 3 phiên liên tiếp chịu áp lực bán khá mạnh. Ảnh: TTXVN

Thị trường trải qua tuần giao dịch có diễn biến kém tích cực dưới áp lực bán ròng mạnh liên tiếp của khối ngoại, với động thái giao dịch được cho là từ các nhà đầu tư Thái Lan khi nước này sẽ đánh thuế thu nhập cá nhân với khoản đầu tư nước ngoài, áp dụng vào đầu năm 2024. Đây là nhận định của chuyên gia tới từ Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS) về thị trường chứng khoán tuần qua (từ 11 - 15/12).

*Bán ròng 6 tuần liên tiếp

Lũy kế 5 phiên giao dịch tuần qua, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 3.347 tỷ đồng trên toàn thị trường. Đây là tuần thứ 6 liên tiếp nhà đầu tư nước ngoài bán ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Mặt khác đây cũng là tuần cơ cấu 2 quỹ ETF (quỹ hoán đổi danh mục) ngoại lâu đời nhất trên thị trường là VNM ETF và FTSE Vietnam ETF, dẫn tới áp lực bán ròng đột biến trong phiên cuối tuần.

Từ đầu năm 2023 đến nay, giá trị bán ròng của khối ngoại vượt mức 20.000 tỷ đồng trên toàn thị trường, trong đó, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 22.600 tỷ đồng trên sàn HoSE.

Trong tuần qua, nhà đầu tư nước ngoài gia tăng giao dịch tiếp tục bán ròng đột biến trong tuần với giá trị 3.461,28 tỷ đồng trên HOSE, tập trung bán ròng mạnh nhóm ngân hàng, thép, bất động sản; mua ròng trên HNX với giá trị 154,77 tỷ đồng và bán ròng 34 tỷ đồng trên sàn UPCoM.

Cổ phiếu HPG là mã bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất tuần với 366 tỷ đồng. Áp lực bán tập trung chủ yếu trong phiên cuối tuần. Theo sau, STB và VNM cũng bị bán ròng lần lượt 261 tỷ đồng và 260 tỷ đồng.

Cổ phiếu VCB cũng bị nhà đầu tư ngoại bán ròng hơn 257 tỷ đồng, theo sau là VPB và SSI bị bán ròng lần lượt 211 tỷ và 202 tỷ đồng.

Tại Hội thảo “Khai mở tiềm năng thị trường vốn Việt Nam” do Ngân hàng Thế giới (World Bank) tổ chức mới đây, ông Ketut Ariadi Kamusa, chuyên gia tài chính cao cấp, điều phối viên khu vực tài chính của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, để thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng khoán Việt Nam, cần có những biện pháp cải thiện các trở ngại hiện nay về ký quỹ và phong tỏa chứng khoán trước giao dịch; giới hạn sở hữu nước ngoài và room nước ngoài còn lại; tiếp cận thông tin một cách bình đẳng.

Không chỉ khối ngoại bán ròng, khối nội cũng giao dịch thận trọng. Trong tuần qua, thanh khoản trên HoSE đạt 77.512,71 tỷ đồng, giảm 25,8% so với tuần trước, khối lượng giao dịch giảm 27,6%. Thanh khoản HNX giảm 32 % so với tuần trước, với 8.766,53 tỷ đồng được giao dịch.

Trong tuần thị trường đón nhận nhiều thông tin như: Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định giữ nguyên lãi suất (5,25% - 5,5%) sau cuộc họp chính sách, đồng thời lần đầu tiên kể từ tháng 3/2021, các nhà hoạch định chính sách đưa ra dự báo sẽ không tăng thêm lãi suất và dự kiến ít nhất sẽ có 3 lần cắt giảm lãi suất vào năm 2024.

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đều quyết định tiếp tục giữ nguyên lãi suất.

Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) cho biết thương mại toàn cầu trong năm nay ước tính sụt giảm 5% so với năm ngoái, đồng thời dự báo triển vọng ảm đạm vào năm 2024.

Về diễn biến thị trường tuần qua, đa số cổ phiếu trong rổ VN30 điều chỉnh mạnh, dưới áp lực bán của khối ngoại. Cụ thể, MSN giảm 4,83%, BCM giảm 4,62%, VPB giảm 4,59%, MWG giảm 4,34%, SAB giảm 4,27%, STB giảm 3,9%)...

Các cổ phiếu nhóm cổ phiếu bất động sản cũng giảm mạnh, với PDR giảm 8,36%, L14 giảm 6,07%, DIG giảm 5,79%, QCG giảm 5,65%, NHA giảm 5,62%...

Các cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp có diễn biến tương tự, đa số chịu áp lực bán khá mạnh, thanh khoản trên mức trung bình như DTD giảm 6,11%, KBC giảm 5,68%, VGC giảm 5,2%), TIP giảm 4,72%, BCM giảm 4,62%....

Trong khi đó, các cổ phiếu dịch vụ tài chính, chứng khoán lại có diễn biến phân hóa với sắc xanh, đỏ đan xen. Ở chiều tăng giá có MBS tăng 2,73%, HCM tăng 1,61%, FTS tăng 0,71%... Ở chiều giảm giá là VIX giảm 4,07%, VFS giảm 3,72%, PSI giảm 3,30%, VCI giảm 3,11%...

VN-Index sau 2 phiên đầu tuần tăng điểm nhẹ ở vùng 1.130 điểm tương ứng vùng giá cao nhất tháng 11/2023 đã có 3 phiên liên tiếp chịu áp lực bán khá mạnh.

Kết thúc tuần giao dịch (từ 11 – 15/12), VN-Index ở mức 1.102,3 điểm, giảm 1,97% so với tuần trước. HNX-Index có diễn biến tương tự, kết tuần chỉ số này giảm 1,81% so với tuần trước, về mức 227,02 điểm.

Nhận định về môi trường vĩ mô hiện tại, SHS cho biết, kinh tế toàn cầu và Việt Nam đang bước vào những tuần cuối cùng của năm 2023 với nhiều biến động và tăng trưởng suy giảm so với năm 2022, đặc biệt tại khu vực EU.

 Giao dịch viên trên thị trường chứng khoán New York, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Giao dịch viên trên thị trường chứng khoán New York, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Mặc dù lạm phát tại nhiều quốc gia đã lắng dịu nhưng sẽ còn dai dẳng, nhiều nền kinh tế được dự báo sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn trong năm 2024 do chịu tác động từ môi trưởng lãi suất cao trong năm nay. Những yếu tố này sẽ có những tác động nhất định nhưng chưa thể lượng hóa tới kinh tế Việt Nam trong giai đoạn tới.

Điểm tích cực là Fed đã phát tín hiệu dừng tăng lãi suất và kỳ vọng điều chỉnh hạ dần mặt bằng lãi suất cơ sở từ năm 2004, lãi suất của Việt nam đang được duy trì ổn định ở mức thấp.

SHS cho rằng, thị trường trong ngắn hạn đang trong nhịp điều chỉnh trong nền tích lũy và vẫn có kỳ vọng phục hồi và hướng tới cản ngắn han 1.150 điểm nếu VN-Index tăng điểm trở lại và kiểm tra hỗ trợ 1.100 điểm thành công.

Nhà đầu tư ngắn hạn trong trường hợp này vẫn có thể giải ngân với tỷ trọng thấp, bởi nhịp hồi phục nếu có diễn ra cũng sẽ khó dự báo và có thể kết thúc bất kỳ thời điểm nào. Trong trung, dài hạn, thị trường dù mất xu hướng tăng giá, nhưng sẽ tìm điểm cân bằng mới và tích lũy lại nên rủi ro trung dài hạn không cao.

Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), thị trường đã trải qua 3 phiên giảm điểm và tiệm cận vùng hỗ trợ 1.100 điểm, đồng thời đang kiểm tra lại vùng Gap (khoảng trống giá) tăng 1.102 - 1.108 điểm tại phiên 4/12. Dự kiến vùng này sẽ tạm thời giúp thị trường kìm hãm đà giảm và có phản ứng hồi phục để kiểm tra lại nguồn cung.

Tuy nhiên, tín hiệu đảo chiều gần đây đã tạo ra rủi ro ngắn hạn cho thị trường, đồng thời từ 1.110 - 1.115 điểm đang trở thành vùng cản.

Chuyên gia từ Công ty cổ phần Chứng khoán Vietcap dự báo phiên tới, VN-Index có thể sẽ xuất hiện nhịp hồi phục để kiểm định lại các kháng cự tại 1.105-1.108 điểm. Nếu lực mua yếu và không thể giúp chỉ số vượt qua kháng cự này, VN-Index có thể sẽ đảo chiều giảm trở lại. Khi đó, tín hiệu kỹ thuật tiêu cực sẽ được xác nhận và góp phần làm gia tăng áp lực bán, khiến VN-Index có thể giảm sâu hơn xuống vùng hỗ trợ đánh tháng 11 quanh mốc 1.080 điểm.

Tuần qua, thị trường chứng khoán Việt Nam giảm nhẹ trong bối cảnh thị trường chứng khoán thế giới đi lên.

*Chứng khoán Mỹ tăng 7 tuần liên tiếp

Dù các chỉ số chứng khoán Mỹ chốt phiên 15/12 biến động trái chiều, nhưng tính theo tuần, cả 3 chỉ số chứng khoán Mỹ đều tăng. Đây cũng là tuần tăng điểm thứ 7 liên tiếp của chứng khoán Mỹ.

Phiên 15/12, sau khi các ngân hàng trung ương thông báo các quyết định chính sách và các số liệu kinh tế quan trọng được công bố, chỉ số Dow Jones chốt phiên cuối tuần tăng 0,15% lên 37.305,16 điểm, mức cao kỷ lục phiên thứ ba liên tiếp; chỉ số Nasdaq Composite tăng 0,35% lên 14.813,92 điểm; trong khi chỉ số S&P 500 giảm 0,01% xuống 4.719,19 điểm.

Tính chung cả tuần, chỉ số Dow Jones tăng 2,9%, chỉ Nasdaq Composite tăng 2,8% và chỉ số S&P 500 tăng 2,5%. Như vậy, cả ba chỉ số đều tăng tuần thứ 7 liên tiếp; trong đó, với chỉ số S&P 500 là đợt tăng dài nhất kể từ tháng 9/2017 và với chỉ số Dow Jones là dài nhất kể từ cuối năm 2018, đầu năm 2019.

Ông Bill Northey, Giám đốc đầu tư tại U.S. Bank Wealth Management ở Helena, Montana cho rằng, thị trường đang đánh giá các số liệu kinh tế vĩ mô quan trọng, bao gồm cả cuộc họp vừa qua của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) với quyết định giữ nguyên lãi suất.

Tuy nhiên, phát biểu của Chủ tịch Fed tại New York, John Williams cho rằng, còn quá sớm để nói đến việc hạ lãi suất khi Fed vẫn tập trung đưa lạm phát về mức mục tiêu 2% đã phần nào ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư./.

Văn Giáp/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/ly-do-nao-khien-khoi-ngoai-ban-rong-gan-3-500-ty-dong/318331.html