Không quân Ấn Độ đã xác định chiếc tiêm kích thế hệ 4,5 do Pháp sản xuất giữ vị trí mũi nhọn của lực lượng tác chiến, chúng sẽ trấn giữ những khu vực quan trọng nhất của nước này nhằm sẵn sàng đối đầu với địch thủ cực mạnh là Trung Quốc.
Việc IAF đặt niềm tin vào Rafale thay vì Su-30MKI theo đánh giá là điều bất ngờ, bởi trước đó chiếc tiêm kích có nguồn gốc Nga vẫn được xem là biểu tượng của lực lượng tác chiến trên không quốc gia Nam Á này.
Việc Su-30MKI bị mất vị trí vào tay Rafale theo nhận định xuất phát từ sự thiếu tin cậy của nó, khi trong thời gian qua đã có khá nhiều máy bay bị rơi trong lúc huấn luyện, chưa kể số “nằm đất” để bảo dưỡng kỹ thuật.
Không chỉ có vậy, Su-30MKI còn bị chỉ ra một số nhược điểm khác như diện tích phản xạ radar lớn, tương đối nặng nề, gây tốn nhiều thời gian cho công tác chuẩn bị, đặc biệt là Ấn Độ lo ngại Trung Quốc với sự hiểu biết rõ về vũ khí Nga sẽ tìm ra cách khắc chế.
Thực tế cũng đã chứng minh trong cuộc đối đầu với Không quân Pakistan hồi đầu năm 2019, các tiêm kích Su-30MKI không thể hiện được ưu thế nào trước JF-17, dẫn đến yêu cầu cấp thiết phải có sự thay đổi.
Trong bài phát biểu tại Ahmedabad, Thủ tướng Ấn Độ Modi còn cho rằng nếu khi đó IAF được trang bị Rafale thì họ sẽ không bị mất máy bay nào, vậy chiếc tiêm kích do Pháp sản xuất có gì đặc biệt?
Rafale là máy bay chiến đấu đa nhiệm thế hệ 4,5 do Tập đoàn Dassault Aviation của Pháp chế tạo, nó thực hiện chuyến bay thử đầu tiên tháng 7/1986 và chính thức được đưa vào thành phần tác chiến từ năm 2000.
Máy bay được trang bị 2 động cơ phản lực SNECMA M88 công suất 50,4 kN mỗi chiếc (lên tới 75 kN khi bật tăng lực) cho tốc độ tối đa 2.250 km/h; tầm hoạt động 1.800 km; trần bay 18.000 m; tải trọng vũ khí 9.500 kg.
Đây là những thông số cực kỳ ấn tượng đối với chiếc tiêm kích có chiều dài 15,27 m và trọng lượng cất cánh tối đa chỉ 24,5 tấn (để so sánh, Su-30MKI to lớn hơn nhiều chỉ mang được 8 tấn vũ khí).
Với thiết kế khí động học khá ưu việt lại được sự hỗ trợ của cánh mũi, Rafale có thể thực hiện những pha quay ngoặt đột ngột cực kỳ linh hoạt trong không gian chật hẹp.
Nhờ được tích hợp hệ thống tác chiến điện tử Spectra hiện đại nhất thế giới hiện nay, nhà sản xuất tự tin tuyên bố Rafale sẽ hoạt động an toàn trước hỏa lực đối phương.
Bên cạnh đó, chi tiết đáng giá nhất của Rafale là nó có thể sử dụng tên lửa không đối không ngoài tầm nhìn tối tân Meteor do Tập đoàn MBDA của châu Âu chế tạo, kết hợp cùng radar mảng pha quét điện tử chủ động (AESA) RGE2 cho khả năng “thấy trước và bắn trước”.
Theo Tập đoàn MBDA, Meteor tạo ra "Khu vực không thể trốn thoát - NEZ" lớn gấp 3 lần so với tên lửa thông thường, vượt ngoài 100 km trên tầm bắn tối đa 185 km (NEZ là thuật ngữ để chỉ khu vực máy bay địch không thể sử dụng sự nhanh nhẹn thuần túy để tránh đạn).
Với khả năng bám đuổi mục tiêu nhờ thuật toán ưu việt, Meteor có sức sát thương gấp 5 lần so với những tên lửa thông thường như AIM-120 AMRAAM của Mỹ hay R-77 do Nga chế tạo.
Điều quan trọng nữa là tên lửa Meteor của châu Âu được đánh giá vượt trội các loại đạn không chiến do Trung Quốc sản xuất, sẽ mang lại ưu thế tuyệt đối cho Không quân Ấn Độ.
Được biết trước đó Ấn Độ đã có ý định tích hợp vũ khí này lên chiến đấu cơ nội địa HAL Tejas cũng như Su-30MKI, tuy nhiên MBDA đã từ chối lời đề nghị trên.
Nhà sản xuất cho biết tên lửa Meteor không thể tương thích một nền tảng chiến đấu cơ do Nga hay Ấn Độ sản xuất, kể cả khi nó đã được sửa đổi hệ thống điện tử bằng nhiều thiết bị có nguồn gốc từ Israel và Pháp.
Đây là một trong những lý do quan trọng khiến New Delhi quyết tâm theo đuổi việc đưa vào trang bị một loại tiêm kích nguồn gốc châu Âu. Nguyên nhân còn lại nằm ở chính sách đa dạng hóa nguồn cung vũ khí, tránh để bị phụ thuộc vào quốc gia xuất khẩu duy nhất.
Bạch Dương