Lý do Nga cắt nguồn cung khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria
Tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga thông báo sẽ ngừng cung cấp khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria từ ngày 27/4. Động thái này diễn ra trong bối cảnh Nga leo thang căng thẳng với các nước phương Tây, những quốc gia phản đối hoạt động quân sự của Nga ở Ukraine.
Vào tháng 3, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, nhà sản xuất khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới sẽ yêu cầu các quốc gia “không thân thiện” thanh toán khí đốt thông qua ngân hàng Gazprombank và thanh toán bằng đồng rúp thay vì euro hoặc USD.
Ba Lan và Bulgaria là những quốc gia đầu tiên bị nhà cung cấp khí đốt chính của châu Âu cắt nguồn cung kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine hôm 24/2.
Hai quốc gia đầu tiên bị Nga cắt dòng khí đốt
Ngày 26/4, một phát ngôn viên của Gazprom thông báo: “Hôm nay, Ba Lan có nghĩa vụ thanh toán tiền mua khí đốt theo quy trình thanh toán mới”, đề cập đến yêu cầu phải mua khí đốt bằng đồng rúp của Nga. Tuy nhiên, Ba Lan từ chối làm theo thủ tục này.
Động thái cắt nguồn cung khí đốt diễn ra sau thông báo của Ba Lan rằng họ sẽ áp đặt các lệnh trừng phạt đối với thực thể và cá nhân Nga, bao gồm công ty Gazprom, liên quan đến chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine. Quyết định này sẽ gây lo ngại nghiêm trọng đối với những quốc gia phụ thuộc nhiều nhất vào khí đốt của Nga, chẳng hạn như Đức.
Ba Lan là một trong số các quốc gia EU đang tìm kiếm các lệnh trừng phạt cứng rắn nhất có thể nhằm vào Nga sau các hoạt động ở Ukraine.
Bộ Năng lượng Bulgaria cũng thông báo về việc Gazprom ngừng cung cấp khí đốt cho Bulgaria vào ngày 27/4. Nguyên nhân cũng là do Bulgaria từ chối thanh toán bằng đồng rúp.
Bulgaria ủng hộ các lệnh trừng phạt chống lại Nga và gửi viện trợ nhân đạo cho Ukraine. Tuy nhiên, nước này vẫn đang do dự trong việc cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine.
Theo công ty tư vấn năng lượng Rystad Energy, hiện tại, khoảng 60% lượng khí đốt nhập khẩu của châu Âu được thanh toán bằng đồng euro. Phần còn lại là bằng USD. Trung bình mỗi ngày, châu Âu trả 200-800 triệu euro tiền khí đốt cho Nga.
Thanh toán bằng đồng rúp sẽ có lợi cho nền kinh tế Nga và củng cố tiền tệ của nước này.
Một số quốc gia cho biết sẽ tiếp tục thanh toán khí đốt Nga bằng euro vì hợp đồng của họ không cho phép thay đổi tiền tệ. Các chuyên gia pháp lý cho rằng khó có chuyện Nga có thể đơn phương thay đổi các điều khoản trong hợp đồng.
“Hợp đồng được thực hiện giữa hai bên và thường được tính bằng USD hoặc euro. Vì vậy, nếu một bên đơn phương thay đổi điều khoản, điều đó có nghĩa là chẳng còn hợp đồng ràng buộc nữa”, Tim Harcourt, nhà kinh tế cấp cao tại Viện Chính sách Công và Quản trị tại Đại học Công nghệ Sydney, nói.
Chỉ một số khách hàng châu Âu mua khí đốt của Nga, chẳng hạn như Hungary và Uniper – nhà nhập khẩu khí đốt Nga chính của Đức, cho biết có thể thanh toán khí đốt Nga bằng đồng rúp trong tương lai theo kế hoạch của Moscow mà không vi phạm các lệnh trừng phạt của EU.
Một vấn đề phức tạp khác là sự thận trọng của các ngân hàng phương Tây trong việc giao dịch tài sản của Nga.
“Ngay cả khi bên mua sẵn sàng thanh toán khí đốt bằng đồng rúp, điều này vẫn gặp khó khăn do các lệnh trừng phạt được áp đặt với một số ngân hàng của Nga”, Ngân hàng ING của Hà Lan cho biết.
Theo một chuyên gia về thị trường ngoại hối, về mặt kỹ thuật, các nước vẫn có thể thanh toán khí đốt Nga bằng đồng rúp vì các biện pháp trừng phạt chỉ ảnh hưởng một phần. Các quốc gia phương Tây có thể trả tiền mua khí đốt Nga bằng euro hoặc USD cho ngân hàng của họ, sau đó sẽ gửi đến ngân hàng Nga và yêu cầu thanh toán cho Gazprom bằng đồng rúp.
Sự phụ thuộc của Ba Lan và Bulgaria vào khí đốt Nga
Cả Ba Lan và Bulgaria đều phụ thuộc rất nhiều vào nhập khẩu khí đốt của Nga thông qua đường ống dẫn khí.
Bulgaria phụ thuộc đến 90% vào khí đốt của Nga, với mức tiêu thụ khoảng 3 tỷ mét khối mỗi năm.
Tuy nhiên, vào tháng 3, chính phủ Bulgaria cho biết sẽ không tổ chức các cuộc đàm phán về việc gia hạn hợp đồng 10 năm sẽ hết hạn vào cuối năm 2022, để phù hợp với chiến lược của EU.
Phó Thủ tướng Bulgaria Assen Vassilev nói rằng nước này sẽ xem xét các nguồn cung thay thế khác. Một đường ống mới với Hy Lạp sẽ đi vào hoạt động vào năm 2022 và Bulgaria đã đạt được thỏa thuận nhận thêm khí đốt từ Azerbaijan.
Bulgaria có hợp đồng với Gazprom, sẽ hết hạn vào cuối năm 2022.
Trước đó, Bộ trưởng Năng lượng Bulgaria Alexander Nikolov cho biết, một đối tác ở Sofia có thể xử lý các giao dịch bằng đồng rúp song không đưa ra thông tin chi tiết.
Nga hiện cung cấp khoảng 55% nhu cầu khí đốt hàng năm của Ba Lan, khoảng 21 tỷ mét khối.
Ba Lan đã liên kết chặt chẽ với các nước Baltic bằng cách đồng ý cắt giảm tất cả nhập khẩu năng lượng của Nga, có thể là vào cuối năm nay.
Ba Lan đã nhận được khoảng 40% nguồn cung cấp khí đốt từ Nga vào năm 2020.
Tuy nhiên, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki tuyên bố nước này sẽ loại bỏ dần việc nhập khẩu than của Nga trong vài tháng tới và cấm nhập khẩu dầu và khí đốt của Nga vào tháng 12.
Công ty khí đốt PGNiG của Ba Lan, có hợp đồng khí đốt với Nga sẽ hết hạn vào cuối năm nay, đã nhiều lần cho biết họ sẽ không đồng ý yêu cầu trả tiền mua khí đốt bằng đồng rúp của Moscow. PGNiG cũng nói rằng họ sẽ không gia hạn hợp đồng với Nga./.