Lý do Ngân hàng Nhà nước khó nới thêm room tín dụng
Các lãnh đạo, chuyên gia cho rằng mức tăng trưởng tín dụng 14% là hợp lý về cả ngắn hạn lẫn dài hạn. Nếu nới thêm, áp lực lên tỷ giá và lãi suất sẽ lớn, tạo nguy cơ chảy máu vốn.
Phó thống đốc Ngân hàng Phạm Thanh Hà cho biết trong năm nay, NHNN vẫn giữ mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14%, không nới thêm để ổn định lãi suất, thị trường tiền tệ, thị trường ngoại hối và hoạt động của hệ thống tổ chức tín dụng.
Thông tin này được ông đưa ra tại phiên thảo luận toàn thể trong diễn đàn kinh tế - xã hội Việt Nam 2022.
Theo ông Hà, để điều hành chính sách tiền tệ nói chung, NHNN phải giải bài toán với nhiều yếu tố khác nhau, mục tiêu đặt ra là kiểm soát lạm phát, đảm bảo an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, đảm bảo thanh khoản cho thị trường tiền tệ, ngoại hối.
"Tăng trưởng tín dụng 14% là hợp lý"
"Trong năm 2022, tình hình thế giới phức tạp và khó lường, chưa từng có tiền lệ. Rủi ro của các nền kinh tế, hệ thống tài chính, ngân hàng rất lớn, kìm hãm lạm phát là ưu tiên hàng đầu của nhiều nền kinh tế lớn", ông bình luận.
"Trước bối cảnh đó, NHNN gặp nhiều khó khăn trong điều hành và đã sử dụng các biện pháp để ổn định thị trường tiền tệ, ổn định lãi suất. Tuy nhiên, áp lực lạm phát vẫn còn lớn và kéo dài", ông Hà nêu.
Trong hơn 10 năm qua, việc ổn định hoạt động của hệ thống tổ chức tín dụng đã đạt hiệu quả, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối. Trước năm 2011, tăng trưởng tín dụng rất cao, ở mức trên 30%. Nhưng trong 10 năm trở lại đây, NHNN đã cố gắng điều hành tăng trưởng tín dụng khoảng 12-14%.
Nếu nới lỏng hơn thì áp lực lên tỷ giá sẽ lớn, gây sức ép với lãi suất, tạo nguy cơ chảy máu vốn. Tăng tín dụng của Việt Nam lên 14% không phải quá nới lỏng, nhưng cũng không phải thắt chặt
TS Võ Trí Thành
"Để tăng trưởng kinh tế, cần nhiều nguồn vốn khác nhau, không chỉ là tín dụng ngân hàng, mà bản thân nền kinh tế cần có vốn, chủ thể đầu tư. Các kênh dẫn vốn cho nền kinh tế gồm cổ phiếu, trái phiếu, đầu tư công, nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Cần khơi thông đầy đủ các kênh vốn này", ông khẳng định.
Đồng quan điểm với Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà, TS Võ Trí Thành cho rằng con số 14% là hợp lý về cả ngắn hạn lẫn dài hạn.
"Nếu nới lỏng hơn thì áp lực lên tỷ giá sẽ lớn, gây sức ép với lãi suất, tạo nguy cơ chảy máu vốn. Tăng tín dụng của Việt Nam lên 14% không phải quá nới lỏng, nhưng cũng không phải thắt chặt", ông Thành nhận định.
Theo ông, tỷ lệ tín dụng trên GDP là 124%, mức rất rủi ro, nhưng các hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam đã tăng vốn để đảm bảo an toàn. Đó sẽ là cơ sở để tính toán mức tăng tín dụng hợp lý.
Bình luận về những giải pháp kiềm chế lạm phát do ông Phạm Thanh Hà nêu ra, TS Trương Văn Phước - nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia Việt Nam - cho rằng ở các quốc gia đang có lạm phát cao, việc tăng lãi suất sẽ làm cầu giảm và đồng nội tệ tăng lên. Ông khuyến nghị Việt Nam giữ ổn định lãi suất và tỷ giá.
"Tỷ giá là 'phòng tuyến sông Cầu'. Nếu vỡ phòng tuyến này, lạm phát sẽ tràn vào", ông nhận định.
Trình giảm thêm thuế xăng dầu
Tại tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết tác động của đại dịch và xung đột chính trị đã gây ảnh hưởng nhiều mặt với nền kinh tế Việt Nam.
"Trước tình hình đó, các chính sách miễn giảm, hoãn thuế đã có tác động trực tiếp đối với tình hình kinh tế, đời sống người dân. Nhiều chính sách tài khóa, như gói chính sách tài chính hỗ trợ người lao động thuê nhà, gói hỗ trợ doanh nghiệp được triển khai đem lại hiệu ứng tích cực", ông Chi bình luận.
Bên cạnh đó, Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu các chính sách thuế về thuế bảo vệ môi trường, thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt để trình Quốc hội trong kỳ họp sắp tới, để có công cụ linh hoạt ứng phó với các tình huống giá năng lượng, xăng dầu biến động mạnh mẽ, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân.
Tại tọa đàm, ông Chi cũng nêu 5 nhóm giải pháp để phát triển thị trường trái phiếu thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn của nền kinh tế.
Các giải pháp bao gồm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý của thị trường, đa dạng và cải thiện cầu đầu tư trái phiếu doanh nghiệp và nâng cao chất lượng của những định chế trung gian tài chính tham gia vào quá trình phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Cùng với đó là tăng cường giám sát, kiểm tra trong quá trình phát hành trái phiếu; truyền thông minh bạch, kịp thời đến công chúng.
"Trái phiếu doanh nghiệp là chủ đề rất được quan tâm trong chiến lược phát triển thị trường chứng khoán, cũng như định hướng phát triển thị trường vốn trái phiếu doanh nghiệp", vị thứ trưởng khẳng định.