Lý do nguyên Giám đốc CDC Thừa Thiên - Huế được làm việc lại sau khi bị khởi tố

Nếu một người chỉ mới bị khởi tố mà chưa có bản án kết tội thì những quyền công dân cơ bản, trong đó có quyền lao động vẫn còn đầy đủ.

Sáng 9-8, thông tin từ Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết Cơ quan CSĐT đã ban hành hai quyết định tạm đình chỉ điều tra đối với ông Hoàng Văn Đức, nguyên giám đốc CDC Thừa Thiên - Huế và ông Hà Thúc Nhật, nguyên trưởng phòng tài chính kế toán CDC Thừa Thiên - Huế.

Nguyên nhân tạm đình chỉ vụ án là do hết thời hạn điều tra và Cơ quan CSĐT Công an Thừa Thiên - Huế đang chờ kết quả trả lời của Hội đồng định giá tài sản tỉnh về định giá một số mặt hàng trong các gói thầu sai phạm.

Khi nào có kết quả từ Hội đồng định giá, cơ quan này sẽ tiếp tục khôi phục vụ án để điều tra theo quy định.

Giám đốc CDC Thừa Thiên - Huế thời điểm bị khởi tố.

Giám đốc CDC Thừa Thiên - Huế thời điểm bị khởi tố.

Cùng ngày, ông Thái Văn Tuấn, Chánh Văn phòng Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết sở này vừa có thông báo cho phép ông Hoàng Văn Đức và ông Hà Thúc Nhật trở lại làm việc từ ngày 8-8.

Hiện cơ quan này đang đối chiếu các quy định pháp luật để bố trí công việc.

Trước thông tin cán bộ bị khởi tố, được tại ngoại và được cơ quan cũ cho đi làm việc lại, Ths. Luật sư Võ công Hạnh, Đoàn luật sư tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết đối chiếu với các quy định nếu một người chỉ mới bị khởi tố mà chưa có bản án kết tội thì những quyền công dân cơ bản, trong đó có quyền lao động vẫn còn đầy đủ.

Theo Điều 81 Luật cán bộ, công chức nêu rõ "Cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý cán bộ, công chức có thể ra quyết định tạm đình chỉ công tác trong thời gian xem xét, xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, nếu để cán bộ, công chức đó tiếp tục làm việc có thể gây khó khăn cho việc xem xét, xử lý. Thời hạn tạm đình chỉ công tác không quá 15 ngày, trường hợp cần thiết có thể kéo dài thêm nhưng tối đa không quá 15 ngày; nếu cán bộ, công chức bị tạm giữ, tạm giam để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử thì thời gian tạm giữ, tạm giam được tính là thời gian nghỉ việc có lý do; hết thời hạn tạm đình chỉ công tác nếu cán bộ, công chức không bị xử lý kỷ luật thì được tiếp tục bố trí làm việc ở vị trí cũ.

Trong thời gian bị tạm đình chỉ công tác hoặc bị tạm giữ, tạm giam để phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử, cán bộ, công chức được hưởng lương theo quy định của Chính phủ".

Mặt khác, người bị khởi tố là cán bộ, công chức, vì vậy còn được điều chỉnh theo Nghị định 112/2020 về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức.

Theo đó, một trong những trường hợp chưa xem xét xử lý kỷ luật là cán bộ, công chức, viên chức đang bị khởi tố, tạm giữ, tạm giam chờ kết luận của cơ quan có thẩm quyền về hành vi vi phạm pháp luật, trừ trường hợp theo quyết định của cấp có thẩm quyền.

Vậy nên, nếu chưa có bản án của tòa thì cán bộ khi bị khởi tố mà được cho tại ngoại vẫn được hưởng lương và được quyền đi làm nếu không ảnh hưởng đến công tác điều tra, truy tố, xét xử.

NGUYỄN DO

Nguồn PLO: https://plo.vn/ly-do-nguyen-giam-doc-cdc-thua-thien-hue-duoc-lam-viec-lai-sau-khi-bi-khoi-to-post746077.html