Lý do nhiều người 'bỏ rơi' xe buýt
Nhiều lý do chủ quan và khách quan dẫn đến việc xe buýt dần bị 'bỏ rơi' được các lãnh đạo ngành giao thông, đại diện hợp tác xã, đại biểu… phân tích.
Có hơn 131 triệu lượt người đi xe buýt trong tám tháng đầu năm nay, giảm 13,2% so với cùng kỳ năm 2018 và chỉ đạt 51% kế hoạch năm 2019. Đó là những con số sụt giảm đáng báo động mà ông Trương Trung Kiên, Trưởng Ban Đô thị HĐND TP.HCM, đưa ra tại phiên giải trình về tình hình vận hành và phát triển hệ thống xe buýt trên địa bàn, do Thường trực HĐND TP.HCM tổ chức sáng 15-11.
Thu không đủ để vận hành
Theo ông Kiên, có nhiều nguyên nhân làm cho người đi xe buýt giảm. Trong đó có nguyên nhân từ việc chi phí thu về không đủ để vận hành nên các đơn vị vận tải có tình trạng bỏ tuyến, giảm chuyến, rút thời gian hoạt động, kéo dài giãn cách tuyến, hoạt động cầm chừng. “Có tuyến còn có nguy cơ ngưng hoạt động” - ông Kiên quả quyết.
Điều ông Kiên nói hoàn toàn có cơ sở bởi chính bà Tống Thị Thu Thanh, Phó Giám đốc HTX Vận tải Quyết Thắng (đơn vị quản lý 168 xe buýt), cũng khẳng định doanh nghiệp khó khăn nên phải giảm tuyến, mà càng cắt giảm thì càng mất khách vì khách phải chờ lâu. “Ngay đến sinh viên nghèo tưởng chừng sẽ luôn ủng hộ xe buýt thì nay sinh viên đi xe buýt cũng giảm. Khi nghe nói làm xe buýt cho dân văn phòng đi, ban đầu chúng tôi kỳ vọng ghê lắm nhưng khi tuyến 35 ra đời chạy lòng vòng quận 1, quận 2 cũng chẳng có ai đi” - bà Thanh nói.
Ông Nguyễn Văn Triệu, Chủ nhiệm HTX Vận tải 19-5, cũng cho hay hành trình bình quân chậm hơn biểu đồ giờ quy định là 15-20 phút, thậm chí có tuyến chậm hơn 30 phút. “Xe buýt là phải nhanh, đúng giờ và an toàn nhưng giờ nhanh và đúng giờ không đảm bảo, khách bỏ xe buýt là điều tất nhiên” - ông Triệu nói và lo lắng trước tình trạng hành khách bỏ đi xe buýt nhưng tiền nhiên liệu tăng, tài xế vẫn phải trả lương.
Trước thực trạng này, nhiều đại biểu HĐND TP cũng bày tỏ thái độ băn khoăn khi giai đoạn trước hành khách đi xe buýt giảm mạnh và đến giai đoạn 2019-2023 lượng hành khách này sẽ càng có xu hướng giảm sâu.
“Dân không chọn xe buýt vì phương tiện chưa được cải tiến nhiều, chất lượng phục vụ chưa cao. Có tình trạng trộm cắp, móc túi và cái quan trọng nhất là ùn tắc khiến xe buýt không thể chạy đúng giờ” - đại biểu Lê Nguyễn Minh Quang nói và đề xuất trong thời gian tới TP cần phải nâng chất lượng phục vụ, nhất là thái độ ứng xử của tài xế và nhân viên xe buýt.
Ông Lê Trương Hải Hiếu, Chủ tịch UBND quận 12, cho rằng với các tuyến tốt, giờ tốt, TP nên đấu thầu để các HTX, doanh nghiệp tư nhân có thể tham gia. “Doanh nghiệp nhà nước và ngân sách chỉ nên tham gia bù đắp vào những tuyến xấu, giờ xấu” - ông Hiếu nói.
Ngoài ra, ông Hiếu cũng đề xuất ngành giao thông nghiên cứu áp dụng giải pháp hành khách chấm điểm thái độ phục vụ của tài xế, nhân viên xe buýt.
Dân đổi xu hướng đi xe công nghệ
Giải trình trước nghị trường, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT, cho biết nguyên nhân chính làm cho người đi xe buýt giảm là do tình trạng kẹt xe. Ngoài ra, đáng chú ý là sự phát triển của xe ôm và xe hợp đồng dưới chín chỗ theo đề án thí điểm sử dụng công nghệ cũng cạnh tranh trực tiếp với xe buýt. “Hành khách có xu hướng sử dụng dịch vụ này cho các chuyến đi ngắn do có sự tiện lợi, cơ động và giá thành ngang với chi phí đi xe buýt” - ông Lâm nói.
Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan cho biết trong thời gian tới, TP sẽ tiếp tục rà soát lại chính sách trợ giá, xã hội hóa đầu tư, đổi mới phương tiện. TP cũng sẽ phê duyệt sử dụng đất, ưu tiên đất dành cho hành khách công cộng, phát triển đô thị gắn với giao thông công cộng. Các địa phương có trách nhiệm xử lý các hành vi lấn chiếm trạm dừng, nhà chờ xe buýt...
Ông Lâm cũng khẳng định còn có nguyên nhân từ hạ tầng giao thông, bến bãi đang thiếu hụt, phân bố không đồng đều giữa các khu vực, quận, huyện làm tăng sự trùng lắp của các tuyến xe buýt.
Trong thời gian tới, ông Lâm cho hay sẽ có nhiều giải pháp để tăng số lượng hành khách như nghiên cứu làn đường dành riêng cho xe buýt; sắp xếp lại các tuyến hiện hữu và tổ chức mạng lưới phù hợp nhu cầu đi lại của người dân từng khu vực, thời điểm...
TP sẽ bố trí ngân sách trợ giá phù hợp với phương án vé và phương pháp trợ giá, khuyến khích đơn vị vận tải nâng cao chất lượng dịch vụ và thu hút hành khách. “Hầu hết các nước đều đang phải trợ giá cho hệ thống vận tải hành khách công cộng để giảm phương tiện cá nhân. Nếu giảm trợ giá thì phải tăng giá vé để tăng doanh thu nhưng nếu làm như vậy thì sẽ không cạnh tranh được” - ông Lâm nói.
Bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TP.HCM, đề nghị UBND TP xây dựng các cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn; duy trì và tiến tới tăng sản lượng hành khách xe buýt, đồng thời quan tâm chỉ đạo chấm dứt tình trạng móc túi trên xe buýt.
Phát biểu tại phiên giải trình, Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan khẳng định nếu xe buýt không được đầu tư đúng mức sẽ có ảnh hưởng nhất định đến sự phát triển của TP.
Theo ông Hoan, từ năm 2010 lãnh đạo TP đã xác định phát triển xe buýt và phương tiện vận tải khối lượng lớn là nhiệm vụ rất quan trọng. TP đã xây dựng nhiều chương trình, kế hoạch để triển khai thực hiện, đáng chú ý như hoàn thành quy hoạch vận tải công cộng khối lượng lớn, các tuyến metro và vận hành tuyến số 1 Bến Thành - Suối Tiên vào năm 2021.
“Hệ thống sức chở lớn ngày càng rõ nét nhưng xe buýt vẫn giữ vai trò rất quan trọng, có tính chủ đạo, là phương tiện chiến lược để phát triển các hệ thống giao thông” - ông Hoan nói.
Nguồn PLO: https://plo.vn/do-thi/giao-thong/ly-do-nhieu-nguoi-bo-roi-xe-buyt-870601.html