Lý do nhiều tiệm vàng ở TP.HCM đóng cửa giữa cơn sốt giá vàng

Chợ quá ế, giá vàng lại bất ổn suốt nhiều tuần qua là lý do chính khiến một số tiệm tạm dừng kinh doanh.

Ngày 16/4, thông tin một số cửa hàng kinh doanh vàng bạc đá quý trên đường Nguyễn Duy Dương - bên hông chợ An Đông (Quận 5) đồng loạt đóng cửa để né sự kiểm tra của quản lý thị trường đang khiến chính các chủ kinh doanh vàng tại TP.HCM suy tư.

Những người kinh doanh ngành hàng này cho rằng việc thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh của họ là bình thường. Và thực tế, cơ quan chức năng, cụ thể là các đội quản lý thị trường, ngành thuế quận cũng đã nhiều lần thực hiện. Với họ, lý do chính khiến một số cửa hàng tạm đóng cửa là do kinh doanh khó khăn.

Điểm kinh doanh vàng bạc đá quý trên đường Nguyễn Duy Dương - bên hông chợ An Đông đóng cửa gần 2 năm qua. (Ảnh: H. Linh)

Điểm kinh doanh vàng bạc đá quý trên đường Nguyễn Duy Dương - bên hông chợ An Đông đóng cửa gần 2 năm qua. (Ảnh: H. Linh)

Trưa 16/4, trả lời PV VTC News, chủ một hộ kinh doanh trang sức trên đường Nguyễn Duy Dương cho biết, thực tế trong nhà lồng chợ An Đông, có rất nhiều cửa hàng đóng cửa. Một số mới đóng, một số đóng từ sau Tết. Tuy nhiên, việc đóng cửa với ngành hàng vàng bạc cũng như nhiều ngành hàng khác, là do sức mua quá yếu.

Người này cho biết có những ngày mở cửa từ sáng đến chiều không có khách. Một số cửa hàng không cầm cự nổi, một số khác chuyển địa điểm kinh doanh nên đóng cửa tiệm. Cũng có một số cửa hàng khác nhân lúc kinh doanh khó khăn này thì đóng cửa hàng để sửa chữa.

Trong chợ An Đông, rất nhiều cửa hàng, trong đó có cửa hàng kinh doanh vàng đóng cửa vì nhiều lý do. (Ảnh: H. Phúc)

Trong chợ An Đông, rất nhiều cửa hàng, trong đó có cửa hàng kinh doanh vàng đóng cửa vì nhiều lý do. (Ảnh: H. Phúc)

Dù vậy, chủ hộ kinh doanh này cũng thừa nhận có vài cửa hàng đóng vì lý do kiểm tra. Theo người này, Cục Quản lý thị trường TP.HCM đã bắt đầu kiểm tra với một số hộ kinh doanh ngành hàng vàng bạc đá quý tại chợ An Đông và khu vực xung quanh chợ từ tuần trước.

Cửa hàng của anh cũng đã hoàn tất việc kiểm tra với một số thiếu sót về hóa đơn chứng từ. Anh cho rằng các nội dung liên quan đến hóa đơn chứng từ là vấn đề phổ biến với các hộ kinh doanh vàng nhỏ lẻ, gia công trang sức như cửa hàng của anh. Bởi hóa đơn đầu vào rất khó vì thu gom nhỏ lẻ của người dân rồi gia công lại.

Tiệm vàng Kim Dung tại Quận 5 vừa hoàn tất kiểm tra và việc mua bán diễn ra bình thường. (Ảnh: H. Linh)

Tiệm vàng Kim Dung tại Quận 5 vừa hoàn tất kiểm tra và việc mua bán diễn ra bình thường. (Ảnh: H. Linh)

Tại phố kinh doanh vàng bạc đá quý TP.HCM (gồm 3 con đường quanh chợ Hòa Bình là Bùi Hữu Nghĩa, Nhiêu Tâm, Nghĩa Thục thuộc Quận 5), việc buôn bán vẫn diễn ra bình thường. Các cửa hàng vẫn mở cửa nhưng rất vắng khách.

Anh Phạm Ngọc Duy, chủ tiệm vàng Kim Dung trên đường Nhiêu Tâm cho biết, các hoạt động mua bán tại phố vàng vẫn không có gì thay đổi. Tuy nhiên, các tiệm buôn bán rất chậm vì giá vàng biến động, khách không dám mua bán lúc này.

Cũng theo anh Duy, tuần trước, đoàn kiểm tra gồm Quản lý thị trường cùng Cảnh sát Kinh tế của Quận 5 đã làm việc tại cửa hàng anh. Việc kiểm tra tập trung vào các nội dung hóa đơn chứng tư, giấy phép kinh doanh, mẫu mã sản phẩm, tem và thiết bị cân đo.

Sau kiểm tra, đoàn kiểm tra yêu cầu cửa hàng thay đổi tem sản phẩm cho đúng, vì cửa hàng thực hiện trước đó theo Thông tư 21, hiện nay sẽ thực hiện theo quy định tại Thông tư 22, còn các nội dung khác đều đáp ứng đúng quy định.

Việc kinh doanh khá nhộn nhịp tại các cửa vàng kinh doanh nữ trang ở chợ Thiếc trưa 16/4. (Ảnh: H. Linh)

Việc kinh doanh khá nhộn nhịp tại các cửa vàng kinh doanh nữ trang ở chợ Thiếc trưa 16/4. (Ảnh: H. Linh)

Chủ tiệm vàng này cho rằng với một hộ kinh doanh không có lý do gì phải đóng cửa chỉ để né việc kiểm tra các hoạt động phục vụ cho kinh doanh minh bạch. Trong ngày kiểm tra, cửa hàng đã thông báo và từ chối khách hết ngày để làm việc với đoàn kiểm tra, sang hôm sau lại mở bán bình thường.

“Những nội dung chưa đáp ứng được đoàn kiểm tra đều hướng dẫn để cửa hàng hoàn thiện. Mục đích của chúng tôi là tạo sự tin tưởng cho khách hàng. Kiểm tra xong thì khách càng yên tâm, tôi càng yên tâm. Giả sử mình đóng cửa né hôm nay thì ngày khác cũng sẽ phải chịu kiểm tra thôi, chỉ có dừng kinh doanh thì mới làm như vậy”, anh Duy chia sẻ.

Tại chợ Thiếc ở Quận 11, nơi tập trung nhiều nhất các cửa hàng vàng nữ trang của TP.HCM, trưa 16/4, việc buôn bán vẫn không khác mọi ngày. Các cửa hàng vàng tại đây phần lớn đang trong cảnh người bán nhiều hơn người mua nhưng không có cửa hàng nào dừng hoạt động.

Cục Quản lý thị trường TP.HCM đang kiểm tra các doanh nghiệp tư nhân kinh doanh mua bán vàng trên địa bàn TP theo công điện ngày 20/3 của Thủ tướng. (Ảnh: H. Linh)

Cục Quản lý thị trường TP.HCM đang kiểm tra các doanh nghiệp tư nhân kinh doanh mua bán vàng trên địa bàn TP theo công điện ngày 20/3 của Thủ tướng. (Ảnh: H. Linh)

Chủ tiệm vàng Vinh Hiển cho biết các hộ kinh doanh mặt ngoài chợ và cả bên trong nhà lồng từ cuối năm 2023 đến nay không có ai dừng kinh doanh dù buôn bán ế ẩm. Chỉ có 1 cửa hàng tạm đóng vì hiện có 2 điểm kinh doanh nhưng thiếu nhân viên.

"Kinh doanh khó khăn, thêm giá vàng bất ổn như hiện nay thì làm sao ai dám mua bán vàng lúc này. Cửa hàng tôi có những ngày từ sáng đến chiều không có khách hỏi. Nhưng mình bán mặt hàng đặc thù, có lúc này lúc khác nên phải chấp nhận”, anh cho biết.

Chủ cửa hàng này nói thêm tại chợ Thiếc, trong 1 - 2 tuần nay, cơ quan quản lý thị trường đã phối hợp với Ban Quản lý Chợ hướng dẫn các hộ kiến thức pháp luật đối với các kinh doanh mặt hàng vàng. Các tiểu thương cũng ký bản cam kết không kinh doanh hàng giả, hàng nhái, không rõ nguồn gốc, xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Từ đầu tháng 4, Cục Quản lý thị trường TP.HCM đồng loạt kiểm tra các doanh nghiệp tư nhân kinh doanh mua bán vàng trên địa bàn. Việc kiểm tra này thực hiện theo Công điện số 23 ngày 20/3 của Thủ tướng về việc yêu cầu tăng cường các biện pháp quản lý thị trường vàng.

Theo cơ quan Quản lý thị trường, qua kiểm tra đã phát hiện 6 điểm kinh doanh có sai phạm, như: Bày bán các sản phẩm vàng trang sức không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có hóa đơn chứng từ, không có nhãn hàng hóa, nhiều mặt hàng có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng như Chanel, Versace, Louis Vuitton.

Quản lý thị trường đã lập biên bản và ban hành 6 quyết định tạm giữ toàn bộ tang vật có dấu hiệu vi phạm để tiếp tục xác minh, xử lý theo quy định. Hàng hóa là trang sức các loại bị tạm giữ có tổng giá trị hơn 177 triệu đồng.

Hà Linh

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/ly-do-nhieu-tiem-vang-o-tp-hcm-dong-cua-giua-con-sot-gia-vang-ar865429.html