Lý do ông lớn sản xuất chip hàng đầu của Mỹ đầu tư tại TP.HCM

Hạ tầng tốt, môi trường đầu tư thông thoáng và nhân lực tài năng đã thu hút ông lớn sản xuất chip hàng đầu của Mỹ chọn TP.HCM là điểm đến đầu tư.

Sáng nay (22-4), tại Hội nghị trực tuyến của Thủ tướng Chính phủ gặp mặt các nhà đầu tư nước ngoài, ông Kim Huat Ooi, Tổng giám đốc Intel Products Việt Nam cho biết, kinh tế toàn cầu đang bị tác động bởi căng thẳng địa chính trị, lạm phát và Việt Nam cũng bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, Intel Việt Nam đặt tại TP.HCM vẫn đang tăng trưởng tốt và đóng vai trò là địa điểm sản xuất quan trọng của tập đoàn.

Dù bị nhiều ảnh hưởng bởi tác động dịch bệnh nhưng trong ba năm qua, Intel Việt Nam vẫn đóng góp hơn 50% giá trị kim ngạch xuất khẩu cho Khu Công nghệ cao TP.HCM (SHTP).

Trong giai đoạn này, thế giới thiếu hụt chip thì Intel Việt Nam đã duy trì mức sản xuất ổn định trong lĩnh vực chip.

Cũng tại SHTP, trong 13 năm qua, Intel đã xuất khẩu với giá trị kim ngạch lên đến 75 tỉ USD, tạo ra 7.000 công việc cho nhân lực công nghệ cao.

"Chúng tôi đã đầu tư thêm 1,5 tỉ USD và mong muốn tiếp tục tăng trưởng tại Việt Nam" - ông Kim Huat Ooi nói.

Theo ông Kim Huat Ooi, vào năm 2006, Intel chọn TP.HCM là điểm đến đầu tư vì thành phố chú trọng thu hút doanh nghiệp FDI công nghệ cao, cơ sở hạ tầng tốt, cơ chế một cửa linh hoạt cũng như nguồn nhân lực tài năng sẵn có.

Phát biểu tại hội nghị, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, năm 2022, thành phố thu hút 4,33 tỉ USD vốn FDI. Trong đó, dự án công nghệ cao đạt 2,8 tỉ USD chiếm 65,78% trong tổng vốn đầu tư năm 2022.

Thời gian vừa qua, chính quyền thành phố thường xuyên gặp gỡ các nhà đầu tư nước ngoài để trực tiếp lắng nghe, tháo gỡ các vướng mắc cho nhà đầu tư và đã đạt nhiều hiệu quả.

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM đã nêu 5 kiến nghị với Thủ tướng. Ảnh: Phương Minh

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM đã nêu 5 kiến nghị với Thủ tướng. Ảnh: Phương Minh

Hiện TPHCM đang đẩy mạnh các dự án về hạ tầng giao thông, dịch vụ logistic, chuyển đổi năng lượng và tạo thêm quỹ đất công nghiệp cũng như tập trung triển khai đào tạo nhân lực, xây dựng chính quyền số để nâng cao hiệu quả thu hút vốn FDI.

Cam kết tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi thông tin năm 2022, Thành phố thu hút 4,33 tỉ USD vốn FDI, trong đó hàm lượng dự án yếu tố công nghệ cao đạt 2,8 tỉ USD, chiếm gần 66% so với tổng vốn đầu năm 2022.

“Thời gian qua, chúng tôi thường xuyên gặp gỡ các nhà đầu tư để trực tiếp lắng nghe, tháo gỡ các vướng mắc cho nhà đầu tư và đã đạt nhiều hiệu quả”- ông Phan Văn Mãi nói.

Khẳng định sẽ tiếp tục công việc này trong thời gian tới, ông Phan Văn Mãi cho hay sắp tới, TP.HCM sẽ làm việc với AmCham.

Từ kinh nghiệm của Thành phố, Chủ tịch Phan Văn Mãi nêu cho ba nhóm hạn chế trong công tác thu hút đầu tư nước ngoài.

Thứ nhất, hệ thống cơ sở hạ tầng Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (đặc biệt là hạ tầng giao thông, hạ tầng dịch vụ) còn chưa đồng bộ, phát triển tương xứng với tiềm năng, nhu cầu phát triển của vùng.

Thứ hai, các ưu đãi về thuế nhằm thu hút đầu tư nước ngoài theo quy định hiện hành sẽ không còn hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài trong bối cảnh thuế tối thiểu toàn cầu thực thi vào năm 2024.

Thứ ba, TP.HCM đang thiếu quỹ đất công nghiệp để có thể thu hút các nhà đầu tư lớn, các doanh nghiệp lớn vào đầu tư.

Theo ông Phan Văn Mãi, TP.HCM đang đẩy mạnh các dự án về hạ tầng giao thông, dịch vụ logistic chuyển đổi năng lượng và tạo thêm quỹ đất công nghiệp bằng việc hình thành các khu công nghiệp mới và điều chỉnh giá các khu công nghiệp hiện hữu.

“Chúng tôi cũng tập trung triển khai đào tạo nhân lực cũng như xây dựng chính quyền số để nâng cao hiệu quả thu hút vốn đầu tư nước ngoài”- Chủ tịch UBND TP.HCM nói thêm và nhấn mạnh TP.HCM cam kết tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, môi trường sống, thực thi có hiệu quả các chính sách của Trung ương trên địa bàn và tiếp tục phối hợp chặt chẽ giải quyết các khó khăn, vướng mắc của các nhà đầu tư.

5 kiến nghị với Chính phủ

Cũng tại hội nghị, ông Phan Văn Mãi nêu ra 5 kiến nghị với Thủ tướng. Thứ nhất, TP.HCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan sớm cập nhật chiến lược, chính sách quốc gia về thu hút FDI. Đồng thời sớm có kế hoạch và chính sách phù hợp khi thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng.

TP.HCM kiến nghị Thủ tướng tiếp tục chỉ đạo giải quyết các vướng mắc liên quan đến xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu, giấy phép lao động, thuế, phòng cháy chữa cháy...

Thứ hai, TP.HCM rất mong muốn Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành liên quan hỗ trợ TP triển khai các cơ chế thu hút nhà đầu tư chiến lược sau khi được Quốc hội thông qua Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.

Thứ ba, TP mong Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan hỗ trợ thành phố hoàn thiện các điều kiện để tiếp nhận cũng như giới thiệu các nhà đầu tư chiến lược trên các lĩnh vực công nghệ bán dẫn, công nghệ sinh học, các trung tâm thiết kế, trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D), dịch vụ logistic, dịch vụ ngân hàng cho TP.HCM.

Thứ 4, TP.HCM kiến nghị Thủ tướng sớm phê duyệt điều chỉnh quy hoạch các khu công nghiệp (KCN), bổ sung vào danh mục quy hoạch hai KCN Phạm Văn Hai I và Phạm Văn Hai II với diện tích khoảng 600 héc ta. Điều này sẽ giúp thành phố bổ sung diện tích đất công nghiệp để phát triển các KCN chuyên ngành như điện tử, dược, y sinh, công nghiệp phụ trợ...

Và cuối cùng, thành phố đã hoàn thiện và đang trình hồ sơ quy hoạch chung Thành phố Thủ Đức trong tháng 4 này. Nếu trong quý III-2023 hồ sơ được phê duyệt quy hoạch thì sẽ tiến hành hội nghị xúc tiến đầu tư vào Thành phố Thủ Đức dựa trên quy hoạch này.

PHƯƠNG MINH-THU NGUYỆT

Nguồn PLO: https://plo.vn/ly-do-ong-lon-san-xuat-chip-hang-dau-cua-my-dau-tu-tai-tphcm-post730000.html