Lý do ông Trump 'thiên vị' Nga, chĩa mũi tên vào Ukraine trên bàn đàm phán
Nỗ lực của Tổng thống Trump theo đuổi chính sách ngoại giao nước rút để chấm dứt cuộc xung đột tại Ukraine dường như đang mâu thuẫn với cách tiếp cận của Nga và Ukraine. Bất chấp các động thái vừa mềm mỏng lại vừa gia tăng sức ép đối với các bên, ông Trump vẫn chưa thực hiện được mục tiêu.
Mẫu thuẫn giữa toan tính của các bên
Nga được cho là đang tìm cách kéo dài thời gian và tạo ra những rào cản lớn đối với nỗ lực của ông Trump thúc đẩy các cuộc đàm phán về thỏa thuận ngừng bắn, trong khi thúc đẩy lợi thế của họ trên chiến trường và tìm kiếm sự nhượng bộ tối đa trong các cuộc đàm phán.

Binh sỹ Ukraine trên mặt trận. Ảnh: Getty.
Về phía Ukraine, sau khi nhanh chóng đồng ý với đề xuất ngừng bắn của Mỹ, Kiev vẫn dè dặt chưa muốn ký kết một thỏa thuận kinh tế toàn diện do Nhà Trắng đề xuất, theo đó, Ukraine sẽ trao quyền kiểm soát đáng kể nguồn tài nguyên thiên nhiên và doanh thu từ việc khai thác khoáng sản của nước này cho Mỹ. Dù đưa ra một số cam kết với thỏa thuận khoáng sản, nhưng Kiev được cho là đang cố gắng kéo dài thời gian để cải thiện các điều khoản.
Theo giới phân tích, cả Nga và Ukraine đều trông chờ vào việc ông Trump mất kiên nhẫn với bên kia trước. Cựu Đại sứ Mỹ tại Ukraine John Herbst cho rằng, Tổng thống Ukraine Zelensky đã “thể hiện sự linh hoạt và sẵn sàng chiều theo Trump, nhưng ông ấy sẽ không thế chấp tương lai của đất nước bằng cách nhượng bộ các vấn đề khoáng sản quan trọng cùng với nguồn tài nguyên hydrocarbon".
Còn Tổng thống Nga Vladimir Putin đang vẽ ra những viễn cảnh tươi đẹp cho ông Trump nếu quan hệ hai bên được cải thiện. Ông Herbst cho biết. "Bất kỳ cử chỉ nào ông Putin thể hiện đối với ông Trump đều có mục đích phía sau”.
Các động thái ngoại giao của Nga và Ukraine cho thấy nỗ lực của họ nhằm thuyết phục Tổng thống Trump nghiêng về phía mình, nhưng lại không hoàn toàn chấp thuận các yêu cầu của ông.
Ukraine muốn chấm dứt xung đột mà không phải chịu thất bại trước Nga hoặc trao những lợi ích kinh tế của họ cho Mỹ. Về phần mình, Nga muốn kiềm chế Ukraine và ngăn chặn sự hội nhập của nước này với phương Tây, đồng thời cố gắng chiếm ưu thế trong cuộc chiến kéo dài ba năm.
Thứ trưởng Ngoại giao Sergei Ryabkov ngày 1/4 tuyên bố, Nga không thể chấp nhận các đề xuất của Mỹ về việc chấm dứt xung đột ở Ukraine theo dạng thức mà Washington đưa ra vì chúng không giải quyết được các vấn đề mà Moscow coi là nguyên nhân gốc rễ của xung đột.
Theo ông Ryabkov, Moscow vẫn chưa thể tiến tới một thỏa thuận nhằm chấm dứt xung đột. Phát biểu với báo chí, ông nói: "Chúng tôi rất coi trọng các mô hình và giải pháp do Mỹ đề xuất, nhưng chúng tôi không thể chấp nhận tất cả các đề xuất này theo hình thức hiện tại. Chúng tôi thấy không có chỗ cho yêu cầu chính của chúng tôi, cụ thể là giải quyết các vấn đề liên quan đến nguyên nhân gốc rễ của cuộc xung đột này. Đây là điều cần phải được xem xét”.
Trong khi đó, quân đội Nga đang tăng cường tấn công vào một số điểm nóng dọc theo chiến tuyến dài hơn 1.200km. Giới chức Ukraine cho rằng, Moscow đang chuẩn bị các cuộc tấn công lớn ở phía Bắc và phía Nam nước này trong mùa xuân.
Cái giá phải trả khi Ukraine chọc giận Mỹ
Daniel Fried, cựu đại sứ Mỹ tại Ba Lan, hiện là thành viên của Hội đồng Đại Tây Dương nhận định, Ukraine chỉ có thể hy vọng rằng theo thời gian, chính quyền ông Trump sẽ mất kiên nhẫn với Nga.
"Thời gian có thể có lợi cho Ukraine nếu ông Trump tiếp tục muốn có một thỏa thuận nhanh chóng, còn ông Putin liên tục đặt ra những trở ngại. Nếu ông Trump thấy rằng ông ấy đang bị lợi dụng, ông ấy có thể phản ứng rất tệ".
Nhưng cho đến thời điểm đó, Ukraine phải tránh mọi động thái có thể làm Tổng thống Trump phật lòng, đồng thời chống lại sức ép phải ký bản dự thảo mới của thỏa thuận mà theo đó Mỹ sẽ thu được lợi nhuận từ các dự án kinh tế của Ukraine trên các lĩnh vực kim loại, dầu mỏ, khí đốt và các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác cũng như các dự án cơ sở hạ tầng bao gồm cảng và đường ống.
Phạm vi rộng lớn của dự thảo thỏa thuận mới mà Mỹ đưa ra nhằm mục đích thu hồi hàng tỷ USD tiền viện trợ kể từ khi xung đột nổ ra đã khiến một số nhà phân tích cho rằng ông Trump có thể đang tăng cường gây áp lực cho ông Zelensky.
Bộ trưởng kinh tế Ukraine tuần trước đã hối thúc Quốc hội nước này không thảo luận về thỏa thuận trước công chúng, cho rằng điều đó sẽ gây tổn hại đến các cuộc đàm phán với Mỹ. Khi được hỏi về dự thảo, Tổng thống Zelensky cho biết ông không có thời gian để xem xét kỹ lưỡng. "Tôi không muốn khuấy động làn sóng mới này", ông nói.
Bất chấp cách tiếp cận thận trọng của Ukraine, ông Trump cảnh báo ông Zelensky không nên rút khỏi thỏa thuận. “Nếu ông ấy làm vậy, ông ấy sẽ gặp phải một số vấn đềrất lớn”, ông Trump nói.
Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Andriy Sybiha ngày 1/4 cho biết, Ukraine cam kết đạt được một thỏa thuận kinh tế với Mỹ và đang tham vấn với Washington để đưa ra một văn bản mà cả hai bên đều chấp nhận được.
Theo giới phân tích, cái giá phải trả cho việc chọc giận ông Trump dường như quá rõ ràng đối với Ukraine. Ông Trump đã tạm thời đình chỉ các dòng viện trợ quân sự cung cấp thông tin tình báo cho Ukraine sau cuộc tranh cãi căng thẳng với ông Zelensky tại Phòng Bầu dục. Mối quan hệ giữa hai bên đã có một khởi đầu khó khăn. Ông Trump gọi ông Zelensky là một “nhà độc tài” sau khi ông Zelensky nói rằng tổng thống Mỹ dường như đã bị thông tin sai lệch của Nga đánh lừa.
Ông Trump “thiên vị” Nga, chĩa mũi tên vào Ukraine
Kể từ đó, nhà lãnh đạo Ukraine đã thay đổi chiến thuật. Sau khi Tổng thống Zelensky bày tỏ lấy làm tiếc về cuộc tranh cãi trong một lá thư gửi ông Trump, các nhà đàm phán Ukraine đã đồng ý với đề xuất của Mỹ về lệnh ngừng bắn ngay lập tức vào tháng 3/2025, đẩy quả bóng sang sân của Tổng thống Putin. Tuần trước, Ukraine cũng đồng ý ngừng bắn ở Biển Đen, mặc dù thỏa thuận này không mang lại nhiều lợi ích cho Kiev
“Họ đã đồng ý với mọi đề xuất của ông Trump liên quan đến lệnh ngừng bắn, trong đó có cả lệnh ngừng bắn trên biển, vốn không có lợi cho Ukraine lắm”, ông Herbst, cựu đại sứ Mỹ tại Ukraine nhận định.
Trái lại, Nga đã nhiều lần trì phản đối đề xuất của ông Trump. Đối với đề xuất ngừng bắn toàn diện mà Mỹ đưa ra, Nga cho biết có nhiều vấn đề cần phải được giải quyết trước. Về lệnh ngừng bắn ở Biển Đen, Nga nói rằng họ sẽ chỉ tuân thủ các điều khoản sau khi một số lệnh trừng phạt được dỡ bỏ.
Theo một số nhà quan sát, Tổng thống Trump, người đã cam kết chấm dứt xung đột trong vòng 24 giờ sau khi nhậm chức, đã bắt đầu tỏ ra thất vọng với cách tiếp cận của Điện Kremlin. Tuần trước, ông cho rằng ông Putin có thể đang câu giờ. Trong một động thái cứng rắn, ông Trump nói với NBC News rằng ông "tức giận" và đe dọa sẽ áp thuế thứ cấp đối với dầu mỏ của Nga sau khi ông Putin kêu gọi Ukraine thành lập chính quyền mới.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, cuộc đối thoại giữa Putin và Trump có thể được sắp xếp bất cứ lúc nào. "Chúng tôi đang tiếp tục làm việc với phía Mỹ, trước hết là để xây dựng mối quan hệ song phương vốn đã bị tổn hại nghiêm trọng từ thời chính quyền trước”.
Cho đến nay, Nga chưa phải đưa ra bất cứ sự nhượng bộ nào, trong khi đó, việc Ukraine sẵn sàng ngừng bắn theo các điều khoản của Trump đã mang lại lợi ích cho Moscow. Ông Volodymyr Dubovyk, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế tại Odesa, Ukraine, cho rằng: "Có vẻ như mọi cây gậy đều dành cho Kiev và củ cà rốt dành cho Moscow".
Theo ông Dubovyk, dưới áp lực phải ký thỏa thuận khoáng sản, lựa chọn tốt nhất của Ukraine là tham gia đàm phán với Washington để cải thiện các điều khoản. Nhưng nếu Washington khăng khăng đòi thỏa thuận theo hình thức mới nhất, Kiev sẽ phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan: hoặc ký thỏa thuận đầy bất lợi đối với họ trong tương lai, hoặc từ chối và khiến Nhà Trắng tức giận.