Lý do quan hệ Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam và Miss Universe đổ vỡ
Sau khi Miss Universe cải tổ và thực hiện chiến lược kinh doanh mới, nhiều công ty đào tạo hoa hậu ở một số quốc gia mất bản quyền cử thí sinh đi thi, trong đó có Việt Nam.
Kể từ khi bà Anne Jakapong Jakrajutatip lên nắm quyền Miss Universe, đấu trường sắc đẹp lớn nhất hành tinh vẫn không ngừng được đưa ra bàn luận.
Tổ chức Miss Universe liên tục bị chỉ trích vì cáo buộc gian lận trong quá trình tổ chức cuộc thi lần thứ 71. Gần nhất, tên của bà Anne Jakapong Jakrajutatip trở thành tâm điểm phản ứng của khán giả sau hàng loạt sự thay đổi trong chiến lược kinh doanh, cải tổ, thể hiện rõ mục tiêu thương mại hóa cuộc thi lâu đời.
Hàng loạt quốc gia tuyên bố từ bỏ việc gia hạn bản quyền để thể hiện sự phản đối với quyết định của tổ chức Miss Universe. Ngày 18/2, công ty Cổ phần Hoàn vũ Sài Gòn (Unicorp) - đơn vị tổ chức cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam - cũng thông báo tạm ngưng hợp tác bản quyền cử đại diện Việt Nam tham gia Miss Universe.
Miss Universe thay đổi cuộc chơi
Đầu tháng 2, ban tổ chức Miss Universe, đứng đầu là bà Anne Jakapong Jakrajutatip, gửi thư tới các giám đốc quốc gia về nội dung duy trì bản quyền cuộc thi. Cụ thể, từ năm 2023, các công ty giải trí, hoa hậu ở các quốc gia sẽ tham gia đấu thấu để giành quyền tổ chức, cử đại diện tham dự Miss Universe.
Tổ chức Miss Universe cũng gửi kèm đơn đăng ký để các đơn vị tham gia đấu thầu. Theo đó, đơn vị nào đấu thầu cao nhất sẽ có cơ hội nắm bản quyền Miss Universe của quốc gia đó.
Gần 3 tuần qua, chủ đề đấu thầu bản quyền của Miss Universe luôn thu hút sự quan tâm từ giới chuyên môn, cộng đồng fan sắc đẹp trên toàn thế giới. Đáng chú ý, tại Indonesia, sau cuộc đấu thầu diễn ra ngày 8/2 ở nước này, công ty PT Capella Swastika Karya đã giành quyền tổ chức và cử đại diện tham dự Miss Universe trong vòng ít nhất 4 năm. Tổ chức Puteri Indonesia Foundation (YPI) hoàn toàn mất trắng Miss Universe Indonesia sau ba thập kỷ nắm giữ, theo Sash Factor.
Ban lãnh đạo Puteri Indonesia Foundation tỏ ra sốc khi tổ chức này đồng ý chi số tiền gấp 10 lần để giữ bản quyền song vẫn rơi vào tay đối thủ khác. Trong thông báo gửi đi, Mega Angkasa - trưởng bộ phận truyền thông của YPI – cho rằng không có sự minh bạch trong quá trình đấu thầu để để giành quyền tổ chức, cử đại diện tham dự Miss Universe.
“Chúng tôi cảm thấy có sự bất công vì Puteri Indonesia Foundation chỉ có 3 ngày làm việc trong khi các giám đốc quốc gia khác có thời gian gia hạn. Ngoài ra, chúng tôi không được cung cấp định dạng đặt giá thầu phù hợp, trong khi các quốc gia khác có định dạng đặt giá thầu khá chi tiết", Mega Angkasa cho biết.
Sau Indonesia, hàng loạt quốc gia khác cũng từ bỏ việc đấu giá bản quyền cuộc thi Miss Universe. Ban tổ chức Miss Universe Ghana, Belize, Malaysia lần lượt rút khỏi cuộc chơi mới của đấu trường sắc đẹp lớn nhất hành tinh.
Tại Việt Nam, sau 15 năm nắm giữ bản quyền Miss Universe Vietnam, công ty Unicorp cũng thông báo không tiếp tục đồng hành với Miss Universe.
Người đứng đầu của Unicorp giải thích: “Năm 2022, tổ chức Miss Universe thay đổi chủ sở hữu mới đến từ Thái Lan. Sau thời gian suy xét kỹ lưỡng trên nhiều yếu tố, Unicorp nhận thấy những định hướng kinh doanh mới của Miss Universe không còn phù hợp với chiến lược và mục tiêu phát triển lâu dài của Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam. Do đó, Unicorp quyết định tạm ngưng hợp tác với tổ chức Miss Universe trong việc giữ bản quyền đề cử đại diện Việt Nam tham gia Miss Universe từ năm 2023”.
Thay vào đó, đơn vị này muốn tập trung hoàn toàn vào công tác tổ chức cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2023 và tiếp tục triển khai các chiến lược phát triển thương hiệu.
Nghi vấn tăng phí bản quyền gấp 10 lần
Ngoài chuyện đấu thầu, một trong những lý do khiến nhiều quốc gia tuyên bố không đồng hành với Miss Universe được cho là đến từ nguyên nhân tổ chức này tăng phí bản quyền gia hạn cuộc thi lên gấp 10 lần.
Từ nhiều năm trước, vấn đề kinh phí để sở hữu bản quyền cuộc thi sắc đẹp luôn là nỗi lo của nhiều quốc gia. Các đơn vị nắm bản quyền cuộc thi hoa hậu thường không tiết lộ về con số cụ thể. Họ coi đây là thông tin tuyệt mật.
Tuy nhiên, theo nguồn tin của Zing, tùy vào mỗi quốc gia, phí bản quyền tham dự các cuộc thi sắc đẹp quốc tế là khác nhau nhưng thấp nhất là 10.000 USD. Tùy vào quy mô, uy tín của từng cuộc thi, mà tiền phí bản quyền tăng lên. Năm 2015, phí bản quyền của Miss World hoặc Miss Universe được cho là dao động ở mức 45.000 USD - 50.000 USD.
Trong trường hợp tổ chức Miss Universe nâng số tiền bản quyền lên gấp 5, thậm chí gấp 10 lần hiện tại, việc nhiều quốc gia không tham gia vào việc sở hữu bản quyền cuộc thi này, là điều hoàn toàn có thể xảy đến.
Trước những ý kiến trái chiều từ cộng đồng fan sắc đẹp trên thế giới, bà Anne Jakapong Jakrajutatip lên tiếng đính chính. Doanh nhân người Thái cho biết tổ chức Miss Universe gửi mẫu đơn đăng ký đấu thầu là để giúp các giám đốc quốc gia thể hiện tiếng nói và quyền tự quyết. Đây là cách để họ trình bày chiến lược phát triển của công ty mình đáng giá ra sao.
“Từ bao giờ MUO nói rằng phải tăng phí bản quyền? Các bạn lấy nguồn thông báo chính thức từ đâu, chúng tôi yêu cầu phải trả tiền gấp 10 lần bao giờ? Những thông tin sai trái đó không phản ánh đúng sự chính trực trong cách làm việc của tôi", bà Anne nhấn mạnh.
Chuyện gì sẽ xảy ra với Miss Universe
Kể từ khi bà Anne Jakapong Jakrajutatip lên nắm quyền Miss Universe (tháng 10/2022), cộng đồng hâm mộ sắc đẹp có phần lo ngại cuộc thi với lịch sử 71 năm bị mất chất hoặc thương mại hóa.
Sau gần nửa năm, lo lắng của khán giả gần như hiện hữu.
Tỷ phú Thái Lan đã thực hiện một cuộc cải tổ toàn diện với Miss Universe với mục đích thương mại hóa. Ngay tại cuộc thi Miss Universe 2022, bà Anne Jakapong Jakrajutatip đã thể hiện rõ tham vọng này. Cụ thể, sau khi mùa giải lần thứ 71 khép lại hơn nửa tháng, tổ chức Miss Universe thông báo mở bình chọn Trang phục dân tộc đẹp nhất và từ lượt vote thứ 3 trở lên, hệ thống bình chọn sẽ tự động tính phí.
Trên nhiều diễn đàn, fan sắc đẹp phản đối điều này và cho rằng: “Tổ chức Miss Universe luôn tìm mọi cách để kiếm tiền”, “Giải phụ không trao cho thí sinh lúc đứng trên sân khấu, được xướng tên và được khán giả toàn cầu nhìn thấy. Bây giờ vote xong trao giải online, hay mời cô đó qua trụ sở trao lại? Thi xong rồi ai hào hứng mà vote giải phụ nữa”…
Bản thân bà Anne cũng thường xuyên gây tranh cãi vì lạm dụng thương hiệu Miss Universe để lăng xê hình ảnh, sản phẩm cá nhân.
Đến khi chiến lược tổ chức đấu thầu để giành quyền nắm bản quyền diễn ra, làn sóng chỉ trích nhắm tới bà Anne Jakapong Jakrajutatip lẫn tổ chức Miss Universe ngày càng dâng cao.
Việc nhiều quốc gia không mặn mà với chuyện chi số tiền lớn để gia hạn bản quyền cho thấy thương hiệu Miss Universe đã giảm sức hút đáng kể.
Ngoài ra, việc thay đổi chủ sở hữu bản quyền Miss Universe diễn ra chưa đầy một năm trước khi mùa mới của cuộc thi khởi động cũng khiến nhiều quốc gia rơi vào tình huống cập rập, lúng túng. Từ đây, chất lượng của thí sinh Miss Universe lần thứ 73 và tương lai của đấu trường sắc đẹp này còn là câu hỏi bỏ ngỏ.