Lý do sâu xa khiến mái cung điện Tử Cấm Thành 600 năm qua luôn sạch, không có phân chim

Rất nhiều người thắc mắc, hàng trăm năm trôi qua, tại sao mái của các cung điện trong Tử Cấm Thành vẫn luôn rất sạch sẽ. Nơi đây không hề có phân chim, khác hoàn toàn với những mái nhà khác.

Tử Cấm Thành là chứng tích lịch sử, địa điểm thu hút nhiều khách du lịch nhất mỗi khi đặt chân đến Bắc Kinh. Thời nhà Minh, Tử Cấm Thành bắt đầu được xây dựng. 13 năm sau nó được hoàn thành. Tính đến hiện tại, công trình này cũng đã ngót nghét 600 năm tuổi nhưng vẫn giữ được vẻ đẹp vốn có, dáng vẻ uy nghi sừng sững.

Trong Tử Cấm Thành có nhiều khu vực phân chia rõ ràng. Nơi đây còn gắn liền với nhiều câu chuyện kỳ lạ chưa có lời giải, những hiện tượng gây tò mò. Một trong số đó phải kể đến chuyện mái cung điện không hề có cỏ dại hay phân chim.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Nghiên cứu về chuyện này, một số nhà khoa học, kiến trúc sư đã chỉ ra 3 nguyên nhân chính.

Đầu tiên chính là màu của mái nhà. Tất cả chúng đều được sơn màu vàng, tượng trưng cho hoàng thất. Màu này khiến loài chim bị chói mắt, giảm khả năng quan sát. Đó cũng là lý do khiến chúng không sà xuống những mái nhà này.

Thứ hai, ngói ở Cố Cung được làm bằng chất liệu đặc biệt, tráng men và sắp xếp để chim không đậu được quá lâu. Khi có nắng chiếu vào mái sẽ gây phản chiếu, khiến chim khó chịu không muốn đến gần. Việc này nhằm ngăn chim trú ngụ trên mái.

Được biết, loại ngói làm mái Cố Cung được làm rất kỳ công. Từ chọn vật liệu, thiết kế, đúc khuôn, nung… phải qua 36 quy trình. Nhờ đó mà thành phẩm lại rất nhẵn.

Trong kiến trúc của Trung Quốc có một kiểu được gọi là “Oanh bất lạc tưởng đỉnh”, dịch nghĩa là chim không thể đậu trên đỉnh. Nó chủ yếu tập trung vào độ dốc, độ rộng của viên gạch. Loại thiết kế này lớn hơn khoảng cách giữa các ngón chân của loài chim, nên chúng không thể đậu quá lâu hay làm tổ.

Ngoài ra, nếu một hạt giống có chẳng may rơi trên mái nhà của Tử Cấm Thành thì cũng sẽ nhanh chóng lăn xuống dưới hay bị nước mưa cuốn đi. Điều này lý giải vì sao không có cỏ dại hay cây dại mọc trên đó.

Thứ ba, đây cũng là yếu tố quan trọng không kém. Thời xưa, ở Tử Cấm Thành có một bộ phận chịu trách nhiệm xây dựng, sửa chữa cung điện. Họ được tuyển chọn từ mọi miền đất nước, sẽ đều đặn tu bổ Cố Cung 3 năm 1 lần, thay mái hiên, xà nhà sau 5 năm, ngày thường thì dọn dẹp vệ sinh mái nhà, khu vực đi lại.

Sau này không còn ai sinh sống tại đây nhưng nhân viên bảo tàng Cố Cung vẫn thường xuyên làm công việc này. Mái nhà của Tử Cấm Thành luôn đẹp cũng là nhờ điều này.

Theo Thời báo văn học nghệ thuật

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/kham-pha/ly-do-sau-xa-khien-mai-cung-dien-tu-cam-thanh-600-nam-qua-luon-sach-khong-co-phan-chim/20241125031050326