Lý do thực sự sau nỗi ám ảnh của Mỹ và NATO khi Thổ Nhĩ Kỳ thử S-400
Nhà phân tích Joe Macaron cho biết Mỹ không tin tưởng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ ngăn chặn bất kỳ nỗ lực nào của Nga xâm nhập hệ thống F-35.
Theo Arab News, Thổ Nhĩ Kỳ đã hé lộ mối lo ngại của các đồng minh NATO về việc Ankara thử hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 do Nga sản xuất gây tranh cãi.
Các cuộc thử nghiệm vũ khí phòng không trị giá 2,5 tỷ USD được Ankara mua từ Moscow năm ngoái đã diễn ra vào tuần trước tại tỉnh Sinop, miền bắc Thổ Nhĩ Kỳ, ngay bên kia Biển Đen.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn với Bloomberg, Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar nói rằng S-400 sẽ không được tích hợp vào hệ thống cơ sở hạ tầng chỉ huy và kiểm soát của NATO, mà thay vào đó sẽ được “sử dụng như một hệ thống độc lập tương tự như việc sử dụng S-300 do Nga sản xuất, loại vũ khí tồn tại trong NATO”.
Với sự so sánh này, ông Akar ngầm ám chỉ Athens, hiện là "kẻ thách thức" hàng đầu đối với Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia sở hữu tên lửa do Nga sản xuất trong kho vũ khí của mình.
Các chuyên gia tin rằng tuyên bố chính thức về việc Thổ Nhĩ Kỳ thử nghiệm hệ thống phòng không của Nga có thể gây ra căng thẳng giữa Ankara và Washington, quốc gia vốn cho rằng tên lửa gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với thiết bị quân sự của liên minh.
Trong khi đó, các Bộ trưởng quốc phòng NATO đã họp vào thứ Năm để thảo luận về các vấn đề ảnh hưởng của vũ khí này đến an ninh của liên minh.
Ozgur Unluhisarcikli, Giám đốc văn phòng Ankara của Tổ chức nghiên cứu Quỹ Marshall của Mỹ, cho biết lập luận của Thổ Nhĩ Kỳ rằng S-400 sẽ là một hệ thống độc lập không kết nối với mạng lưới radar của NATO đã được đưa ra nhiều lần nhưng không thể trấn an người Mỹ.
Mối quan tâm chính của các đồng minh NATO là S-400 có thể được sử dụng để thu thập thông tin tình báo nhạy cảm thông qua các hệ thống liên kết với máy bay chiến đấu tàng hình F-35, máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo của liên minh.
Nhưng Ankara khẳng định, việc mua tên lửa của Nga là cần thiết để tự vệ trước các mối đe dọa an ninh hiện tại và đang nổi lên trong khu vực.
Thổ Nhĩ Kỳ bị Mỹ loại ra khỏi chương trình hợp tác sản xuất hệ thống F-35 hồi năm ngoái để trả đũa việc Ankara mua khí tài quân sự của Nga. Tuy nhiên, Mỹ đã ngừng áp đặt các lệnh trừng phạt khi mà tên lửa vẫn còn chưa được đưa vào sử dụng.
Tuy nhiên, các biện pháp kinh tế khắc nghiệt dự kiến sẽ có hiệu lực sau khi tên lửa được đưa vào hoạt động.
Thượng nghị sĩ Mỹ Jim Risch cho biết, các biện pháp trừng phạt nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ, dựa theo một phần của Đạo luật Chống đối thủ của Mỹ thông qua các lệnh trừng phạt (CAATSA) vì thử nghiệm S-400 vẫn đứng đầu chương trình nghị sự của ông sau cuộc bầu cử Tổng thống.
Thượng nghị sĩ New Jersey Bob Menendez cũng đã đưa ra một tuyên bố vào tuần trước, trong đó ông khẳng định: "Thổ Nhĩ Kỳ phải bị trừng phạt ngay lập tức".
"S-400 được sử dụng như một hệ thống độc lập không có nghĩa sẽ tránh được các lệnh trừng phạt áp dụng đối với Thổ Nhĩ Kỳ", nhà phân tích Unluhisarcikli cho biết.
Ankara đã trì hoãn việc kích hoạt hệ thống phòng thủ kể từ tháng 4 như dự kiến trước đó. Tháng trước, trong chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã nhắc lại rằng hệ thống S-400 không thể được tích hợp vào hệ thống phòng không và tên lửa của NATO.
Joe Macaron, nhà phân tích chính sách đối ngoại Trung Đông tại Trung tâm Ả Rập, cho biết Mỹ không tin tưởng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ ngăn chặn bất kỳ nỗ lực nào của Nga xâm nhập hệ thống F-35.
Ông nói: “Thông điệp của Thổ Nhĩ Kỳ về việc không tích hợp vũ khí phòng không này vào hệ thống NATO đang vấp phải sự nghi ngờ vì Thổ Nhĩ Kỳ có quan hệ thân mật với cả Mỹ và Nga và hưởng lợi từ những căng thẳng song phương của họ,” ông nói.
Ông Joe Macaron dự cảm Thổ Nhĩ Kỳ có mục tiêu kép. “Đầu tiên là liên quan đến chính trị trong nước của Mỹ với việc Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đang vật lộn để thu hút sự chú ý của người đồng cấp Mỹ Donald Trump hoặc ông ấy đang sử dụng mùa bầu cử để tạo ra các điều kiện tiên quyết để ủng hộ ông Biden thắng cử.
Và thứ hai, ông Erdogan cảm thấy chính sách của Mỹ với Thổ Nhĩ Kỳ đang thay đổi và việc thử nghiệm hệ thống phòng thủ của Nga là một tín hiệu cho thấy ông muốn đàm phán với Washington. Cho dù ông Trump hay ông Biden thắng, không có công thức dễ dàng cho chính sách của Mỹ với Thổ Nhĩ Kỳ”, ông Macaron nói thêm.